Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, những năm qua huyện Duy Xuyên đã
thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần chăm lo đời sống vật chất và
tinh thần cho các đối tượng chính sách.
Hỗ trợ xây nhà
Có được ngôi nhà mới khang trang trị giá 100 triệu đồng,
bà Trần Thị Tám (74 tuổi, ở thôn 5, xã Duy Hòa) xúc động đến rơi lệ. Chồng bà
Tám hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Còn bản thân bà là cựu
thanh niên xung phong, được công nhận thương binh loại 4. Bà Tám kể, năm 1965
bà tham gia du kích, đi thanh niên xung phong thuộc Tiểu đoàn Vận tải nữ 232
của Cục Hậu cần Quân khu 5. Đơn vị của bà chủ yếu làm nhiệm vụ gùi gạo, tải
đạn, khiêng thương binh về tuyến sau điều trị. Sau ngày đất nước thống nhất, do
di chứng thương tật, cuộc sống của bà gặp nhiều khó khăn. Bao nhiêu năm ở trong
căn nhà lụp xụp, mới đây được Trung tâm Khai thác ga và cảng Hàng không quốc tế
Đà Nẵng hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố, bà Tám vô cùng phấn
khởi. “Vậy là ước mơ có được ngôi nhà vững chắc để tránh mưa bão và thờ tự ông
bà, chồng con của tôi giờ đã trở thành hiện thực. Còn niềm vui nào lớn hơn” -
bà Tám chia sẻ.
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh tặng quà Mẹ Việt
Nam anh hùng Lê Thị Da (thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước)
tại lễ nhận phụng dưỡng.
Ảnh: MAI LINH
Tháng 3.1981, ông Trần Tánh ở khối phố Châu Hiệp (thị trấn Nam
Phước) lên đường nhập ngũ, công tác tại Tây Nguyên, bị bệnh sốt rét ác tính
khiến sức khỏe ngày càng suy giảm. Vì thế, khi trở về đời thường, cuộc sống gia
đình ông gặp muôn vàn gian khó. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, đồng đội ở Ban liên lạc
cựu quân nhân nhập ngũ năm 1981 huyện Duy Xuyên đã giúp ông Tánh xây dựng ngôi
nhà mới theo tiêu chuẩn cấp 4, nền gạch men, mái lợp tôn, có gác lửng tránh
lụt. Tổng kinh phí đầu tư hơn 110 triệu đồng; trong đó Ban liên lạc cựu quân
nhân nhập ngũ năm 1981 huyện Duy Xuyên hỗ trợ 70 triệu đồng, phần còn lại do
gia đình và tộc họ giúp đỡ. Ngày dọn vào ở trong căn nhà kiên cố, ông Tánh cầm
chặt tay những người đồng chí, đồng đội của mình và nghẹn ngào nói lời cảm ơn với
niềm hạnh phúc khôn tả.
Phụng dưỡng, chăm sóc người có công
Theo số
liệu thống kê mới nhất, từ năm 2010 đến nay, ngoài việc chi 35 tỷ đồng để hỗ
trợ cho 1.386 gia đình có công cách mạng sửa chữa, xây dựng nhà ở nhằm ổn
định cuộc sống, huyện Duy Xuyên cũng đã vận động đóng góp Quỹ đền ơn đáp
nghĩa gần 1,4 tỷ đồng. |
Mới đây, Thanh tra tỉnh phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, mặt
trận và các hội đoàn thể của xã Duy Phước tổ chức lễ nhận phụng dưỡng suốt đời
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Da ở thôn Mỹ Phước. Mẹ Da năm nay đã 89 tuổi, có
chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và một người con trai
hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Tháng 6.2015, mẹ
Da vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tại
buổi lễ, sau khi nhận quyết định phụng dưỡng cùng những phần quà do lãnh đạo
Thanh tra tỉnh và chính quyền xã Duy Phước trao tặng, mẹ Lê Thị Da xúc động:
“Được các con quan tâm giúp đỡ, ân cần thăm hỏi, mẹ cảm thấy rất ấm lòng và như
vơi bớt phần nào nỗi đau mất người thân. Mẹ cảm ơn các con nhiều lắm”. Cũng trong
dịp 27.7 vừa qua, Sở Nội vụ, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Xây dựng, Báo
Quảng Nam, Bưu điện tỉnh cùng một số đơn vị, doanh nghiệp đã phối hợp với chính
quyền các cấp và các ngành liên quan ở Duy Xuyên tổ chức lễ nhận phụng dưỡng
các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện.
Ông Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, với
đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, địa phương luôn chú trọng chăm lo
cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đây được xem là nhiệm
vụ quan trọng và thường xuyên của đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện nhà.
Theo ông Hoa, nhiều năm nay công tác đền ơn đáp nghĩa ở Duy Xuyên đã trở thành
phong trào sâu rộng, thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng
bằng những việc làm rất thiết thực như tìm kiếm, quy tập vào nghĩa trang hơn
1.100 hài cốt liệt sĩ, xây dựng và sửa chữa 1.386 nhà tình nghĩa, tặng hàng
nghìn sổ tiết kiệm. Đặc biệt, từ kinh phí huy động nhiều nguồn, Duy Xuyên đã
đầu tư nâng cấp hàng loạt mộ liệt sĩ, tu sửa nghĩa trang, xây dựng nhà bia, đền
liệt sĩ huyện tôn nghiêm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách cho người có công cũng được giải quyết kịp
thời, đúng quy định. Đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh - xã hội thường
xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên những người ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc
sống. Từ sự quan tâm đó, hiện nay Duy Xuyên không còn gia đình chính sách nào
thuộc diện hộ nghèo và có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng nơi cư trú...
PHAN LÝ -
MAI LINH