Đến thời điểm này, mọi phương án
tổ chức hoạt động cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong những ngày tết tại
các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã sẵn sàng...
Lãnh đạo ngành y tế Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn
ngành triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh, phòng dịch;
chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, ngân hàng máu, phương tiện cấp cứu...
Trước tình hình thực phẩm mất an toàn đáng báo động hiện nay, Sở Y tế đã
thành lập Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các cơ
sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó,
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập trung tăng cường công tác giám sát dịch
tễ nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu
tiên, không để bùng phát thành dịch, bố trí trực dịch và duy trì hoạt
động thường xuyên trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
|
Các y bác sĩ tiếp nhận một ca cấp cứu. Ảnh: T.H |
Dịp tết, lượng người tham gia giao thông
tăng cao cùng với việc sử dụng chất kích thích (rượu, bia) dẫn đến
nhiều trường hợp bị chấn thương do tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, sự
thay đổi cơ cấu bữa ăn, thời gian sinh hoạt cũng khiến cho một số bệnh
lý về tim mạch, đường tiêu hóa phát sinh, số lượng các ca cấp cứu tăng
nhiều so với ngày thường... Chính vì vậy, việc tổ chức cấp cứu, thu
dung, điều trị trong những ngày tết phải được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng
các tình huống cơ động. Về lịch trực tiếp nhận bệnh nhân, Sở Y tế đã
chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ theo
4 cấp: lãnh đạo, chuyên môn, hành chính - hậu cần và bảo vệ - tự vệ.
Các trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức trực tại các bệnh viện,
phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường bảo đảm thời gian quy
định. Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 phối hợp các vệ tinh 115 ở các
trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức tốt cấp cứu xảy ra trên địa bàn
tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị thường
tiếp nhận cấp cứu, thu dung, điều trị lượng bệnh nhân nhiều nhất trong
toàn tỉnh. Năm nào vào những ngày tết cũng thường có hơn 150 bệnh nhân
phải vào cấp cứu, nhập viện. Bởi vậy, các khoa phòng nơi đây vẫn trực
24/24 giờ, làm việc như ngày bình thường. Thậm chí, các y bác sĩ là
trưởng các khoa, phòng được chỉ đạo không đi xa khỏi thành phố đề phòng
xảy ra những ca mổ phức tạp. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện Đa
khoa Quảng Nam cho biết: “Tết năm nào cũng vậy, bệnh viện chúng tôi luôn
quá tải nạn nhân cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... Do
vậy các y bác sĩ khoa cấp cứu, chấn thương chỉnh hình, hồi sức bệnh
nặng luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng ứng cứu. Đặc biệt, chúng tôi đã
chỉ đạo Khoa huyết học - truyền máu vận động, lấy thêm máu từ nhiều
nguồn khác nhau để đảm bảo nhu cầu máu và các chế phẩm từ máu phục vụ
cấp cứu cho bệnh nhân trong dịp tết. Các phòng vật tư, máy móc rà soát,
sửa chữa, bảo trì lại máy móc để đảm bảo hoạt động thông suốt. Ngoài ra,
chúng tôi còn chuẩn bị một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho bệnh nhân phải
điều trị nội trú trong dịp tết, đặc biệt là bệnh nhân nghèo”. Còn bác sĩ
Nguyễn Đình Thoại, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam chia sẻ: “Vào
dịp tết thời tiết thường biến động nhiều nên lượng bệnh nhân nhi dự kiến
sẽ tăng đột biến; các cháu thường vào viện trong tình trạng sốt, ho do
viêm phế quản, viêm phổi cấp, tiêu chảy cấp, bỏng... Bởi vậy, chúng tôi
thường tăng cường nhân lực ở các khoa nhi, khoa nội và hồi sức...”.
Trưởng Hoa