Hiện
nay ở vùng nông thôn, bên cạnh những kênh thông tin, tuyên truyền có kênh thông
tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Mặc dù, trong xu hướng hội
nhập toàn cầu, công nghệ thông tin bùng nổ, các loại hình báo chí phát triển
như vũ bão nhưng không thể thiếu hệ thống truyền thanh cơ sở.
Bởi vì, báo chí
trung ương, địa phương cập nhật những thông tin thời sự toàn cầu, những vấn đề
đại sự quốc gia nhưng không thể nói đến những chuyện thường ngày ở xã, chỉ có
trạm truyền thanh cơ sở mới đáp ứng được yêu cầu này. Trạm truyền thanh nói
những chuyện ở xã, ở thôn; nói những việc làm cụ thể diễn ra sinh động ở cơ sở,
phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân và chuyển tải những chủ trương, chính
sách của cấp uỷ, chính quyền cơ sở đến tận người dân. Chính vì vai trò không có
thể thay thế được nên hệ thống truyền thanh cơ sở, mặc dù trải qua những khó
khăn nghiệt ngã nhưng vẫn mãi mãi là bạn đồng hành của bà con nông dân.
Dù
hơn 38 năm, trải qua biết bao đổi thay trong cơ chế vận hành của đất nước, từ
thời tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, từ thời thiết bị, máy
móc của truyền thanh chạy đèn công suất, dây lưỡng kim, loa công suất lớn, băng
từ catsete cồng kềnh, đồ sộ cho đến thời nay thiết bị máy phát sóng FM, cụm loa
không dây điều khiển từ xa, thu phát, lưu trữ chương trình bằng phần mềm vi
tính, sử dụng đĩa CD tinh gọn, tiên tiến, hiện đại thì tiếng loa truyền thanh
vẫn vang vọng hàng ngày ở mọi đường thôn nẻo xóm.
Dù
thời còn bao cấp làm cho HTX nông nghiệp được chi trả tính bằng thóc hoặc bây
giờ làm cán bộ truyền thanh được xếp vào diện không chuyên trách ở xã, phường được
chi trả chế độ phụ cấp hệ số 1 mức lương tối thiểu thì những cán bộ truyền
thanh cơ sở vẫn miệt mài ngày đêm với công việc và tự trang bị, bồi dưỡng kiến
thức chuyên môn của mình để tiếp cận và làm chủ công nghệ số, công nghệ thông
tin điện tử đang ngày càng phát triển nhanh chóng.
Huyện Duy Xuyên hiện tồn tại hai hệ thống
truyền thanh: hữu và vô tuyến. Hệ thống hữu tuyến với 130 Km dây dẫn, 18 máy
tăng âm, công suất mỗi máy 500 W. Hệ thống vô tuyến với 110 cụm loa không dây
với 450 loa công cộng. 11 máy phát sóng FM và cụm loa không dây được cài đặt số
( điều khiển từ xa) rất thuận tiện cho việc vận hành, xử lý toàn bộ hệ thống. 8
trạm truyền thanh: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Phước, Thị trấn Nam Phước,
Duy Trung, Duy Châu và Duy Phú được trang bị vi tính có cài đặt phần mềm thu,
phát chương trình, nâng cao chất lượng thu, phát chương trình và nâng cao kỹ
năng tác nghiệp cho cán bộ truyền thanh. Các trạm truyền thanh còn được trang bị
đường truyền Internet thuận lợi cho việc khai thác mạng phục vụ cho công tác
tuyên truyền và cộng tác tin bài với đài cấp trên.
Việc duy trì song hành hai hệ thống
truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến đảm bảo cho truyền thanh cơ sở hoạt động
trong mọi điều kiện lũ lụt, mưa bão. Khi xảy ra bão lớn và lũ lụt, điện lưới bị
cắt, hệ thống vô tuyến ngừng hoạt động, cán bộ truyền thanh sử dụng nguồn máy
phát điện dự phòng cung cấp cho máy tăng âm hoạt động, phục vụ công tác chỉ huy
phòng chống bão lụt. Ngược lại, hệ thống vô tuyến với cụm loa không dây sẽ đảm
nhận phủ tiếng loa truyền thanh ở những vùng không thể kéo dây đến được.
Mỗi một khi hệ thống truyền thanh cơ sở
phát triển từ hữu tuyến đến vô tuyến, cài đặt số thì đòi hỏi cán bộ truyền
thanh phải tự chuyển đổi tư duy nhận thức, nâng cao trình độ chuyên môn và sửa đổi
tác phong tác nghiệp. Nghĩa là, khi vận hành hệ thống truyền thanh hữu tuyến, với
máy tăng âm, dây dẫn, máy catstes chủ yếu hoạt động theo nguyên lý cơ học. Trường
hợp chập chạm dây loa sẽ báo về máy tăng âm, cán bộ truyền thanh dễ dàng xử lý.
Còn hệ thống vô tuyến với máy phát sóng FM, cụm loa không dây được điều khiển
qua bộ giải mã cài đặt mã số mặc định, gởi qua sóng từ máy phát sóng đến cụm
loa không dây. Trường hợp cụm loa không dây xảy ra sự cố, như lệch tần số tiếp
nhận hoặc mất điện thì khó phát hiện. Vì vậy, cán bộ truyền thanh vận hành hệ
thống vô tuyến phải có sự hiểu biết cơ bản, thường xuyên kiểm tra các cụm loa
không dây và xử lý kịp thời sự cố.
Chưa hết, cán bộ truyền thanh cơ sở
trong thời công nghệ điện tử phải không ngừng nâng cao trình độ sử dụng vi tính,
sử dụng Internet. Khác xa, cài thời tin, bài viết tay và gởi cộng tác qua đường
bưu điện mãi hai ba ngày sau chưa đến được đài huyện, ngày nay cán bộ truyền
thanh sử dụng vi tính thành thạo, viết tin, bài trên máy vi tính chỉ cần một cái
nhấp chuột, Enter là chỉ trong tích tắc Đài huyện đã nhận được. Hơn thế nữa, sử
dụng phần mềm thu, phát, lưu trữ chương trình trên máy vi tính, cán bộ truyền
thanh rất tiện lợi cho việc tác nghiệp, cùng lúc làm được nhiều việc, như vừa là
phóng viên, phát thanh viên, vừa là kỹ thuật viên, biên tập viên xử lý chương
trình và có khả năng lưu trữ chương trình, âm nhạc rất lớn. Như vậy, khi cán bộ
truyền thanh được trang bị vi tính, Internet thì dễ dàng tác nghiệp 4 trong một:
phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên và biên tập viên.
Nhờ sự phát triển vượt bậc công nghệ số
của nhân loại mà cán bộ truyền thanh vươn lên hoàn thành được nhiệm vụ thông
tin, tuyên truyền của cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Cán bộ truyền thanh cơ sở giỏi
thật, chỉ có hoặc hai người mà làm được rất nhiều việc, sản xuất mỗi tuần từ 2
– 3 chương trình, mở thêm chuyên mục “Tìm hiểu chính sách và pháp luật”; “Những
điều nhà nông cần biết” “ Sức khoẻ và đời sống”; “ Dân số và phát triển”
...v...v.... Đó là chưa nói đến, cán bộ truyền thanh tác nghiệp khi xảy ra bão
lụt. Trong tình huống bão lụt, truyền thanh là công cụ đắc lực nhất, nhanh
nhất, rộng rãi nhất cho việc chỉ huy phòng chống bão lụt của các cấp. Lúc này,
toàn bộ hệ thống điện lưới bị cắt, các trạm truyền thanh xã, thị trấn sử dụng
nguồn điện máy nổ dự phòng hoạt động liên tục, cập nhật thông tin về diễn biến
bão lụt và chuyển tải kịp thời thông tin chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả
bão lụt đến với người dân.
Cán bộ truyền thanh trong thời công nghệ số là như vậy
đấy. Hàng ngày ở khắp mọi miền quê Quảng Nam ta vẫn nghe tiếng loa truyền
thanh, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.