Thực hiện Chỉ thị số 40 (ngày 22/11/2014) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, thời gian qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết bài toán việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Đinh Công Đức ở thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thành công thương hiệu nước mắm nhỉ Cửa Đại. Ảnh: H.N
Tháng 8/2023, ông Đinh Công Đức ở thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo chương trình giải quyết việc làm.
Với số tiền trên, ông Đức có thêm điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu nước mắm nhỉ Cửa Đại. Năm 2023, cơ sở của ông Đức cung ứng ra thị trường Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ và một số huyện lân cận hơn 38.000 lít nước mắm nguyên chất, doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân xây dựng nhà ở. Ảnh: H.N
“Được tiếp cận chương trình tín dụng chính sách, tôi có nguồn vốn để thu mua nguyên liệu, nâng cấp cơ sở sản xuất nước mắm nhỉ Cửa Đại, giữ vững thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Từ đó, tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, cho con cái học hành đàng hoàng. Đồng thời, cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng” – ông Đức chia sẻ.
Không riêng gì ông Đức, nhiều trường hợp khác trên địa bàn Duy Xuyên cũng được tiếp sức phát triển kinh tế hộ. Theo ông Nguyễn Bá Tùng – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện bài toán giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ’’, trong 10 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 1.934 hộ xóa được nhà tạm bợ, dột nát theo chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; 13.355 công trình nước sạch được xây dựng; 13.300 công trình vệ sinh đạt chuẩn giúp người dân cải thiện môi trường sống; hơn 2.983 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học; 18.534 lao động vay vốn tạo việc làm; 20 trường hợp đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài và 12 lao động chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.
Nhiều hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi bò theo phương thức sản xuất hàng hóa. Ảnh: H.N
“Tính đến đầu tháng 7/2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên tạo điều kiện cho 14.382 khách hàng vay vốn với dư nợ 471,9 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Thực tế đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Duy Xuyên đạt 55,5 triệu đồng, tăng 5,3 triệu đồng so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,06%, giảm 0,33% so với năm 2022” - ông Tùng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Tùng, để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc việc giao dịch tại xã, thị trấn theo lịch cố định.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi. Ảnh: H.N
Tại mỗi điểm giao dịch đều có hộp thư góp ý để người dân đến giao dịch phản ánh kịp thời những vướng mắc về thủ tục và thái độ của cán bộ tín dụng chính sách. Qua đó, giúp người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc thực hiện tín dụng chính sách.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm soát, giám sát việc sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn; không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, ngăn ngừa tiêu cực, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn; đồng thời còn là nơi để người dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, đầu tư hiệu quả hơn...
Hoài Nhi