A+ A A-

Tản mạn tre làng

alt
Đã qua những ngày đông buồn, xanh xám, lạnh lẽo. Mùa xuân như có phép màu gọi nắng ấm vàng tươi thổi vào trời đất cho cây cỏ tươi xanh.
Từng quả hạt trong lòng đất cũng rạo rực tách vỏ, nảy mầm, nhú lộc, đâm chồi. Làng quê cảnh sắc đổi thay như cô gái làng bất ngờ một sáng kia khoác lên mình bộ cánh mới bước ra phố phường. Những ngõ tre làng với nỗi niềm đông cũ, rả rích mưa phùn trên lối đường bùn đất, những phiến lá vàng úa đã không còn. Thay vào đó là những lũy tre thanh thoát vươn cao, vi vút ngọn gió đồng cuốn theo đôi tiếng chim buổi sớm trong lành. Ôi thân thiết biết mấy những lũy tre, những cây tre thủy chung một đời cùng người dân quê  tôi “một nắng hai sương”.

Tản mạn cùng tre, tôi chợt nhớ bút ký của nhà văn Thép Mới được trích giảng học thời phổ thông. Đây cũng chính là lời bình phim tài liệu nói về dân tộc Việt Nam thông qua hình ảnh cây tre được thực hiện vào năm 1958 của Thép Mới và một đạo diễn người Ba Lan khi sang Việt Nam. Những câu văn và hình ảnh cây tre vừa đẹp đẽ vừa gần gũi, tình cảm đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc, dự cảm tốt đẹp: “Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt thép và xi măng cốt sắt. Nhưng nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc hòa bình. Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi”...

Tôi nhớ ngày quê hương giải phóng, sau bao năm loạn lạc, ba dắt díu mấy chị em tôi về lại quê cũ. Làng mạc lúc bấy giờ sau bao năm chiến tranh tàn phá là dấu tích những vết đạn trên thân dừa trước ngõ ngôi nhà của nội, là mấy cột gỗ cháy rụi, những mảnh vườn hoang, cây cỏ lút đầu. Đêm nằm trên mấy tấm ván cửa, khi chưa dựng được nhà, hễ nghe đất lở cái ào, ba tôi lại thấp thỏm vào ra, ông bảo bụng nóng quá không sao ngủ được. Tôi biết ông lo mồ mả ông bà trên những mảnh vườn bị đất lở cuốn đi. Thế là ngày này qua ngày khác ba tôi kiên trì trồng tre khắp các bờ vườn để giữ đất. Mà đúng thật, không có loài cây nào giữ đất bằng tre. Tre phát triển thành tường rào rất chắc chắn. Chim chóc về xây tổ, đặc biệt có loài chim dột dột cần mẫn về làm tổ ở tận chót vót ngọn tre rất đẹp. Tổ chim có thể coi là công trình kiến trúc độc đáo, gió đưa bay vi vút theo ngọn tre nhưng không bao giờ hư hỏng.

Tuổi thơ rồi cũng qua đi. Lũ trẻ chúng tôi lũ lượt lớn lên, như loài chim non ra ràng lại đi xa tổ. Nhưng làm sao quên những trưa hè đầu trần dang nắng đi khắp vườn tìm tổ bắt chim. Làm sao quên tiếng cuốc lẻ bạn canh khuya vọng vào từ những lũy tre xanh…

Về quê giờ đây những bờ tre đã ít đi nhiều. Có lẽ do lợi ích kinh tế, tre bị phá bỏ để con người trồng vào đó các loài cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đúng như tiên đoán của nhà văn Thép Mới, tre hôm nay đã ít đi, thay vào đó là các công trình sắt thép xi măng, nhưng cây tre vẫn còn gắn bó với con người, tre vẫn ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.

Vật dụng gần gũi nhất của cây tre, dân quê ai mà không biết đến cây đòn gánh. Thuở thời ba tôi rất khéo tay đẽo đòn gánh. Bà con trong xóm ai cũng nhờ, nhất là những người chuyên bán hàng gánh. Kinh nghiệm của ba mà tôi biết, tìm gốc cây tre đẽo đòn gánh không cần to lắm, không cộc ngọn, không bị kiến làm tổ trong ống. Đó là đoạn tre gốc, phải có đốt đều nhau, lóng dài thì bảy đốt, lóng trung bình thì chín đốt… Mọi người kiêng đòn gánh có đốt chẵn, đòn gánh vênh. (Đòn gánh chẵn đốt thì không có lộc buôn, lộc bán; đòn gánh vênh nghiến vào đau vai và gặp nhiều chuyện không hay). Nghe đâu chuyện từ cây đòn gánh, một nhà văn nước ngoài đến Việt Nam đã hào hứng mô tả, những bà hàng rong có thể nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ. Và nhà văn đó đã kết luận cây đòn gánh là vật lãng mạn nhất phương Đông.

Lưng cây đòn gánh mòn trơn/ Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già”. (Không rõ tác giả).

Cây tre khi đã hóa thân thành cây đòn gánh cũng đã trở thành nét đẹp của tính cách Việt Nam. Làng tôi một bên núi một bên sông, hầu hết gái làng đều biết gánh nước. Tắm giặt có thể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn. Với bản tính chịu thương chịu khó, con gái nhà nào lớn lên cũng biết gánh gồng nên chỗ vai áo thường sờn là vậy.

          Nhớ nhất thời nhà tranh, phên tre. Chuẩn bị đón tết cũng là lúc ba tất bật đốn tre, chẻ tre đan những tấm phên tre mới. Tuổi thơ, sự háo hức trông đợi của tôi chạy theo những con nang ba đan để có tấm phên mới cho ngôi nhà đón tết.

Chợt nhớ nhà thơ Nguyễn Duy có bài thơ viết về cây tre, một biểu tượng hồn cốt của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam mà theo người viết bài này có lẽ chưa có bài thơ nào hay hơn thế: “Tre xanh xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh…”.

Và cây tre cũng giống như con người Việt Nam ở những đức tốt đẹp.

“…Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù/ Vươn mình trong gió tre đu/ Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành/ Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/ Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm…”.

Tre gần gũi với con người biết bao. Tre là nguồn vui cho trẻ thơ từ chiếc thuyền lá tre ngày mưa đến que chuyền đánh chắt. Lớn lên, tre bắc cầu cho tình duyên đôi lứa. Dưới bóng trăng thanh treo đầu ngọn tre, các chàng trai cô gái trao nhau những lời giao duyên, tình tứ:  “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng được chưa?”. Còn khi đôi lứa đã bén duyên: “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…”.

VÕ VĂN TRƯỜNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19798729
Hôm nay
Hôm qua
2850
10160