Không gian văn hóa
vùng đất Mỹ Sơn chứa cả đời sống văn hóa địa phương với những giá trị đặc sắc
riêng. Nét đặc sắc này thể hiện yếu tố giao thoa văn hóa Chăm - Việt rất rõ
nét, trong đó có hội Khai Truông và lễ cúng đình Mỹ Sơn.
Lễ cúng đình Mỹ Sơn và hội Khai Truông tổ chức
vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm, được diễn ra long trọng tại thôn Bàn Sơn (xã
Duy Phú, Duy Xuyên) nhằm cầu cho cuộc sống người dân an lành, thu hút rất đông
dân làng các thôn và nhân dân xung quanh tham dự. Theo lịch sử vùng đất thì đình
làng Mỹ Sơn được xây dựng từ năm 1746, qua chiến tranh đình bị tàn phá, lễ cúng
vì vậy có thời gian bị gián đoạn. Từ năm 2011, nhân dân trong làng tổ chức
quyên góp và vận động những người con đi làm ăn xa đóng góp kinh phí xây dựng
lại khang trang. Vị trí mới cách vị trí cũ qua một cánh đồng, tại ngôi miếu Bà
của làng Mỹ Sơn thượng.
Gia phả tiền hiền trong làng ghi chép, làng Mỹ
Sơn bao gồm Mỹ Sơn hạ và Mỹ Sơn thượng với các thôn Bàn Sơn, Chánh Sơn, Trung
Sơn, Mỹ Sơn ngày nay. Theo các vị cao niên, trước đây một năm làng thường tổ
chức 4 lễ (thường gọi là 4 duyên) là lễ cúng Âm linh phái, tổ chức vào ngày 21
tháng Chạp, lễ Khai Truông vào mùng 7 tháng Giêng, lễ thờ vọng Bà Thu Bồn vào
ngày 22 tháng Hai, lễ cúng Tống Khách rằm tháng Giêng. Hiện nay, 4 lễ này được
hợp nhất thành một, tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng.
Nét đặc sắc của hội Khai Truông và cúng đình Mỹ
Sơn là phần nghi thức lễ tế có lễ cúng miếu Bà và lễ cúng Khai Truông, hạ cây
nêu ngày mùng 10 tháng Giêng. Theo truyền thuyết, vào ngày trước đêm chính lễ
Bà Thu Bồn được tổ chức vào ngày 12 tháng Hai âm lịch tại làng Thu Bồn Tây (xã
Duy Tân), người dân trong làng Mỹ Sơn thấy từ núi Hòn Đền (Mỹ Sơn) có một dải
lụa đỏ bay ra. Họ tin rằng Bà đi dự lễ. Trên đường thì dải lụa đỏ hạ xuống tại
làng. Cho rằng Bà nghỉ ngơi, thăm viếng làng cho nên tại vị trí Bà dừng chân
người dân lập miếu thờ. Dấu vết còn lại của miếu thờ là những viên gạch Chăm và
cây chai lớn (một loại cây người xưa dùng để ăn trầu) mọc trước đình. Hiện nay,
đình làng Mỹ Sơn được xây thành hai gian, một gian thờ Bà, một gian thờ Thành
hoàng. Lễ cúng đình vì vậy thường có hai phần là lễ cúng Bà trước và lễ cúng
đình sau. Trước đây, trong nghi thức lễ cúng còn có lễ cúng con trâu và nghi
thức rước nước.
Nếu lễ cúng đình Mỹ Sơn mang ý nghĩa cầu
cho cuộc sống người dân bình an thì lễ Khai Truông lại có ý nghĩa cúng thần núi
đầu năm, báo cáo với vị thần cai quản núi rừng cho phép người dân trở lại núi
rừng làm ăn, sinh sống. Theo ông Võ Đan Huyền (thôn Bàn Sơn), làng có lệ cúng
Khai Truông này từ lâu đời bởi vì đa số nhân dân trong làng sống dựa vào núi
rừng. Rừng ở đây có loại cây dầu rái cho người dân nguồn lợi kinh tế, được
người dân gọi là vàng nước, cũng là loại cây người Chăm dùng để xây tháp Mỹ
Sơn. Những dãy núi sau làng thuộc vùng thánh địa Mỹ Sơn cũng là nơi linh
thiêng, lam sơn chướng khí, núi non hùng vĩ. Người dân vào rừng thường phải qua
truông, qua đèo. Sự mênh mông của đập Thạch Bàn cùng những câu chuyện về sự
tích Cao Biền, đất thiêng Mỹ Sơn càng làm cho họ tin rằng núi rừng là nơi thần
linh ngự trị, cai quản. Việc cúng hội Khai Truông sẽ mang đến sự bình an, tránh
đi những tai ương chết sông, chết núi. Còn về lễ cúng Tống Khách theo ông Đàn
thì nguồn gốc người xưa kể lại là trước đây trong làng có cây thị cao, có ông
thần giặc ngự trị. Dân làng có nhiều người đến treo cổ chết, họ cho rằng do ông
thần giặc bắt, nên dân làng làm lễ cúng cầu an để đuổi vị thần giặc này đi.
Lễ cúng đình làng Mỹ Sơn thượng cùng lễ Khai
Truông đầu năm diễn ra trên vùng đất có những giá trị văn hóa đặc sắc Khu di
tích Mỹ Sơn như sự tích Ao vuông - Đá dựng, sự tích tảng đá hình chân tiên,
cùng nhiều truyền thuyết chứa đựng trong đời sống người dân địa phương. Bên
cạnh là các di tích lịch sử như sân bay Đức Dục, khu kỹ nghệ An Hòa, đập Thạch
Bàn, ngôi cổ tự An Hòa... là nguồn tài nguyên du lịch cần được biết đến và khai
thác trên vùng đất du lịch Mỹ Sơn.
VĂN KHOA