Từ 2 năm nay, ngôi nhà của cụ Nguyễn Bá Phước
(92 tuổi, tổ 8B, thôn Trung Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) là điểm đến của
du khách. Tới đây, ngoài không khí yên ả của làng quê, du khách còn được miên
man theo tiếng đàn của cụ - người chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ cổ truyền
Điểm
đến homestay
Con
đường mòn “xẻ” cánh đồng lúa vàng khép mình dưới chân núi dẫn đến một ngõ cau,
đưa lối vào căn nhà nhỏ, trước sân có giếng nước mát rượi. Đó là khuôn viên nhà
cụ Nguyễn Bá Phước. Vòng ra sau hè, nào là chôm chôm, mãng cầu, mận, xoài…, sâu
thêm nữa, thấp thoáng những choái tiêu chạy dài. Cảnh quan quá đẹp, vậy nên, từ
2 năm nay, nhà cụ Phước trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước
khi ghé thăm Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Khi tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)
triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn, lượng khách đến nhà cụ nhiều
hơn. “Trung bình 1 tuần có 2 đoàn khách đến tham quan nhà của ba tôi. Nhiều
đoàn còn lưu trú qua đêm” - anh Nguyễn Văn Lực, con trai của cụ Phước, cho
biết. Để phục vụ mô hình du lịch này, hồi đầu năm, anh Lực đã đầu tư gần 30
triệu đồng xây một căn phòng nhỏ, có đầy đủ tiện nghi cho khách lưu trú. Từ đây
đến cuối năm, anh dự tính xây thêm 1 phòng nữa.
Ông
Nguyễn Đức Nha - Trưởng ban Du lịch cộng đồng homestay Mỹ Sơn cho biết: “Nhà cụ
Phước là một trong 25 nhà nằm trong diện gia đình tiềm năng của mô hình du lịch
homestay Mỹ Sơn, có số lượng khách ghé thăm thường xuyên và ổn định nhất. Ngoài
cảnh vật, du khách muốn tới đây để được nghe tiếng đàn của cụ”. Còn gì hơn là
được nghe tiếng đàn của một cụ già hòa lẫn trong cái mát mẻ của cảnh quan vườn
tược dân dã... Những âm thanh cô tịch của đàn bầu, réo rắt của đàn tranh, ai
oán của đàn nhị… sẽ hút hồn, khiến du khách không muốn rời chân. Từ nam ai, hò
khoan, hát ru… bất cứ làn điệu nào khách yêu cầu cụ đều làm họ thỏa mãn.
Sống
vì tiếng đàn
Đàn
bầu, đàn trường, đàn nhị, kèn ai, kèn chiếu... cụ Phước đều biết. Cụ biết chơi
tổng cộng 9 loại nhạc cụ cổ truyền. Người ta nói cụ là người biết nhiều loại
nhạc cụ cổ truyền nhất ở Duy Xuyên. Cụ thì nói: “Chẳng qua là tôi học lóm”. Chỉ
học lóm, nhưng năm 17 tuổi, cụ đã có thể chơi nhiều nhạc cụ, tham gia biểu diễn
cùng các đoàn tuồng, cải lương, hát bài chòi… Hồi đó, trong xóm có một ông thầy
tên Hiệp người Đại Lộc qua Duy Xuyên sinh sống, hành nghề đàn ca tài tử… Cụ
nghe tiếng đàn của thầy hay quá rồi tập tành học theo. Đến năm 25 tuổi, cụ đã
thông thuộc các làn điệu từ nam ai, vọng cổ, hát ru… Cụ còn học cách chế tác
nhạc cụ. Ở nhà cụ Phước bây giờ, những cây đàn tranh, đàn nhị đều do chính tay
cụ chế tác.
Cụ
Phước vốn là thương binh, từng trải qua những năm tháng lao tù ở Đức Dục, Hòn
Bằng… Sau năm 1954, cụ về địa phương làm thông tin văn hóa kiêm giáo viên bình
dân học vụ. Sau 1975, cụ lại rong ruổi khắp nơi, theo các đoàn ca tài tử lên
tận Tây Nguyên, vô tận Sài Gòn… Từ hơn 10 năm trở lại đây, cụ mới về quê. Xóm
làng có đám đình, lễ hội, hoặc nhà nào có việc ma chay, cụ đều tham gia nhưng
không bao giờ nhận tiền thù lao. “Tiếng đàn không giúp tôi sống. Tôi chỉ muốn
sống vì tiếng đàn” - cụ bộc bạch. Ông Nguyễn Đức Nha nói: “Ở xã Duy Phú này, cụ
Phước được coi như một người đang gìn giữ trong mình vốn văn hóa nghệ thuật
truyền thống của địa phương. Tiếng đàn của cụ sẽ giúp ích rất nhiều cho mô hình
du lịch cộng đồng đã được triển khai ở Mỹ Sơn”.