A+ A A-

Lễ hội mang tên dòng sông Thu

Hàng năm, vào ngày 10,11 và 12 tháng hai âm lịch, tại xã Duy Tân lại diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn. Năm nay, lễ hội được chính quyền và nhân dân xã Duy Tân tổ chức với qui mô lớn hơn năm ngoái. Lễ hội Bà Thu Bồn trở thành hoạt động truyền thống tâm linh và văn hoá tôn giáo của cư dân hai bên bờ sông Thu Bồn.
Truyền thuyết về bà Thu Bồn được kể theo nhiều cách khác nhau trong dân gian. Nhưng bài vị thờ trong lăng bà thì ghi là Bô Bô phu nhân, căn cứ theo sắc phong “Mỹ Đức Thục Hạnh Bô Bô phu nhân Thượng đẳng thần” từ thời vua Minh Mạng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hồng, dù là Bô Bô phu nhân theo tên Chăm hay bà Thu Bồn theo cách gọi Việt, thì đó vẫn là “sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố Chăm-Việt trong tín ngưỡng, thể hiện ở chỗ bà được xem là vị thần bảo hộ cho cả cư dân sống trên cạn lẫn cư dân sống bằng nghề sông nước...”.
Có lẽ chính vì vậy mà những người dân nơi đây truyền tụng những truyền thuyết về “Bà mẹ xứ sở” mang sắc mầu thần bí nhưng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng thái bình, ấm no, thịnh vượng của dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước và mở hội tế lễ hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, cư dân làng Thu Bồn cũng như bà con sống xa xứ, khách thập phương tấp nập về đây trẩy hội. Ðây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).
Lễ rước Sắc về Lăng được tổ chức vào 15 giờ ngày 11 tháng 2 âm lịch với 9 đội hình trông rất oai nghiêm, gồm các đội hình: Lân; Cờ đại; Cờ ngũ sắc; Nhạc cổ; Trống chiêng; Kiệu rước Sắc; Lính hộ tống;’ đội hình Phụ nữ và Bô lão. Ông Thái Văn Lịch, 80 tuổi, được dân làng tín nhiệm cất giữ “Chiếu phong” và gọi ông là “Thủ Sắc”. Lễ rước Sắc từ nhà ông Lịch về lăng cách khoảng 500 mét.
Lễ Rước nước vào khoảng 4 giờ sáng, ngày 12/2 âm lịch với hơn 150 người trong trang phục truyền thống, mang cờ ngũ sắc, với 5 kiệu ngũ hành Tiên nương, dân vũ Chăm tiến ra bờ sông Thu. Ngoài bờ bãi, trên dòng sông, không gian như bồng bềnh theo sóng nước sông Thu hoà quyện với tiếng trống giục mọi người chuẩn bị ghe thuyền ngược dòng sông Thu lên Phường Rạnh lấy nước. 5 giờ thuyền đến Dinh bà thuộc thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Tại đây, các vị Bô lão tiến hành cúng tế rồi cùng phường bát âm ra giữa dòng Thu Bồn lấy nước rước về Lăng để tắm rửa Thần vị và làm nước cúng. Ðúng 7 giờ thuyền về bến, trên bến dưới sông đã đông nghịt người chờ đón đám rước với 5 chiếc kiệu “Ngũ hành tiên nương”, dân vũ Chăm tiến ra bờ sông Thu, 5 mâm ngũ quả đẹp nhất do 5 người con gái đẹp bưng theo. Ðám rước nước với khoảng 150 người, từ người già đến các em thiếu niên trong trang phục truyền thống dân tộc mang cờ ngũ sắc đi từ bờ sông lên làng vào trước Lăng Bà và kết thúc ở Lễ Đại tế tại Lăng Bà. Phần tế có một con trâu đực đã làm sạch lông, da phết huyết cùng các loại bánh trái của dâng làng, khách thập phương dâng lên cúng Bà.
Đến ngày lệ Bà chị em trong làng Thu Bồn tất bật làm các loại bánh truyền thống, hoa quả dâng lên cúng Bà. Hộ gia đình đóng góp tiền vào hòm công đức để tôn tạo cảnh quang Lăng bà, xây dựng cơ sở vật chất để lễ hội ngày càng trang nghiêm.
Phần hội với nhiều trò chơi dân gian, nhiều cuộc tranh tài sối nổi như: thi đấu bóng chuyền, hô bài chòi, hát tuồng, thi kéo co, bịt mắt bắt vịt, đánh nẻ, cờ tướng, đua thuyền trên sông. Ngoài ra còn có Khu chợ ẩm thực với các món đặc sản của vùng quê xứ Quảng như: cháo lương, mì Quảng, bánh tráng đập, bánh đúc, bánh bèo, bánh xèo, bánh ít lá gai được bày bán trong khu vực lễ hội để phục vụ du khách về dâng hương cúng Bà.
Qua các hoạt  động diễn ra tại lễ hội cho thấy, lễ hội Bà Thu Bồn thể hiện tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa tâm linh giữa hai dân tộc Chăm - Việt. Sự tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc mà vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình là điều rất đáng trân trọng, một biểu tượng đẹp của khát vọng tình yêu thương con người, thiên nhiên và ý chí vươn lên chiến thắng đói nghèo hướng tới xây dựng nông thôn mới.
Kết thúc lễ hội là cuộc đua ghe truyền thống của các đội nam, nữ với những bộ áo quần nhiều màu sắc đẹp mắt in trên làn nước trong xanh và hàng chục ghe thuyền “lênh đênh” trên sông hò reo, cổ vũ thể hiện cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp.
                                                                                                                    Hoàng Thơ
 
 
 
 
 
 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19793462
Hôm nay
Hôm qua
7743
6731