Sáng 26.10, Sở VH-TT&DL phối hợp cùng UBND huyện Duy Xuyên tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ Quảng Nam".
Quang cảnh hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ Quảng Nam". Ảnh: X.H
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ từ nhiều nhà hát tuồng của miền Trung cũng như đại diện ngành văn hóa các huyện đồng bằng. Chủ trì hội thảo có Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Ủy viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; GS-TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia; ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL; ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên.
Một trích đoạn tuồng cổ được biểu diễn tại huyện Duy Xuyên tối 25.10. Ảnh: X.H
Nghệ thuật tuồng xứ Quảng được Bộ VH-TT&DL ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hồi năm 2015, với những giá trị sở hữu rất độc đáo. Một vở tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật, từ kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang, phục trang... Cùng với đặc điểm nghệ thuật chung của tuồng cả nước, tuồng xứ Quảng có những đặc trưng riêng với những tên tuổi tiêu biểu như Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai...
Hiện tại ở Quảng Nam vẫn còn khá đông người mê tuồng, ở một số địa phương vẫn tổ chức các Liên hoan Nghệ thuật tuồng - dân ca hằng năm như Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc... Tuy nhiên, nghệ thuật tuồng vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một, từ việc thiếu vắng lực lượng biểu diễn kế cận đến các không gian diễn xướng...
Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng cổ một cách có hiệu quả hơn; kêu gọi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền nhằm khuyến khích, tạo "đất sống" cho tuồng. Trước đó, tối 25.10, các trích đoạn nghệ thuật tuồng cổ nằm trong chương trình biểu diễn thực hành di sản đã được các nghệ sĩ, nghệ nhân, người yêu tuồng biểu diễn ra mắt tại Duy Xuyên.
XUÂN HIỀN