Không thấy buồn trong mắt ông, dù chuyện mà chúng tôi đang nghe đã là của 40 năm về trước, của thế hệ tưởng chừng quá vãng. Ông vẫn ở đó, một sự hiện diện cố hữu, bằng một thói quen cố hữu, dự phần cho ký ức không thể tách rời của bao lớp người đã lớn lên, rời đi và có dịp quay về. Ký ức đó, được gọi tên bằng một trò chơi xuân rất quen và vẫn còn được giữ: lô tô phố chợ.
Lồng cầu lô tô và bộ số đã theo ông Nam hàng chục năm nay. Ảnh: CV
1. Ông là Nguyễn Trung Nam (62 tuổi, khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên). Nơi mà chúng tôi vừa nhắc cũng là phố chợ Nam Phước, nơi ông đã gắn bó cuộc đời mình. Căn nhà cũ như chủ nhân, với mớ đồ kỷ niệm đặt trong chiếc tủ gỗ cũng cũ không kém. Mưa rả rích tháng Chạp, buồn ngao ngán, nhưng giọng kể của ông thì ngược lại, đầy sôi nổi về những ngày đầu “làm lô tô”. Ông quả quyết, rằng lô tô xuất hiện ở nơi này từ trước giải phóng, nhưng chỉ tổ chức được đúng… 3 ngày, rồi dẹp.
Dân háo hức, sau giải phóng địa phương giao cho đội văn nghệ nghiệp dư xã Duy An (Nam Phước lúc bấy giờ gọi là Duy An) chịu trách nhiệm tổ chức lô tô. Cũng cầm cự được 3 năm, sau lại không đủ sức hoạt động. Đến khi ông Nam làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã, anh em chung sức quyết tâm tổ chức lại đội lô tô. “Hồi đó, tất thảy có 16 người, đều là chi hội ca nhạc của Đoàn xã. Máu lửa lắm. Tụi tui đi mượn từng miếng ván kê sân khấu, kéo dây điện thắp, dựng rạp suốt gần hai tuần liền. Phần thưởng đầu tiên là cái bình thủy và một chiếc lốp xe đạp. Rồi sau nâng dần lên, có năm treo thưởng lớn, trúng tới chiếc “Honda”. Thành ra, thương hiệu cũng lớn lên từ đó. Dân Quế Sơn, Điện Bàn, Hiệp Đức…, tết đạp xe xuống tới Nam Phước chơi lô tô là từ thời đó” - ông Nam kể.
Tuổi trẻ và đam mê là điểm chung của họ, để rồi gặp nhau, gắn bó thành một “kíp” cho đến tận bây giờ. Năm tháng lấy đi nhiều thứ, nỗi lo bộn bề hơn khi không ai còn trẻ, nhưng họ không mất đi niềm đam mê của một thời thanh xuân sôi nổi. Người đánh đàn vẫn đánh đàn, người hô hát vẫn hát, người làm ban tổ chức, như ông Nam, thì vẫn đều đặn tới lui dù phần việc của mình giờ đã có lớp trẻ bắt đầu ghé vai kế thừa.
Những cái tên như Minh “ròm”, Tuấn “lô tô”, Trần Tư… thì quen, tới độ dân cả xã, cả huyện, tới mấy vùng lân cận cũng biết. Làm riết thành lệ, tháng Chạp mới chạm ngõ, đã có người đạp xe ngang cửa hỏi vọng vô ông Nam ơi hồi mô dựng rạp. Hay có người bạn ông Nam làm nghề chơi nhạc, ngã bệnh mấy năm nay, vừa chơm chớm khỏe đã liên lạc với ông kêu năm nay quyết tâm về lại với anh em chơi thêm bữa tết. Một niềm đam mê khó đặt tên, nhưng chưa bao giờ cũ…
2. Với lớp người như ông Nam, lô tô phố chợ như một niềm tự hào. Với nhiều người khác, như Trần Văn Pháp - Bí thư Đoàn thị trấn Nam Phước, đó lại là một góc nhớ mênh mông. Anh nhớ tiếng loa đầu tiên vang lên từ phía rạp lô tô của ông Nam suốt một thời thơ ấu. Nhớ những cái tết trôi qua, không quá đủ đầy như hiện tại, nhưng chưa bao giờ thiếu tiếng hô lô tô rộn ràng ngay sát nhà mình. Thanh niên lứa Pháp, như cánh cò theo cuộc mưu sinh rồi trở chiều quay về bờ tre cũ, tết đến về nhà, cứ tìm đến gian lô tô nhỏ ở phố chợ, như một thói quen. Tìm niềm vui ngày cũ, tìm bạn bè và tìm một chút vận may cho ngày đầu năm mới. Họ đến đó, hòa cùng đám đông đứng ngồi chộn rộn trước sân khấu nhỏ lấp lánh ánh điện mua cho mình một tờ vé, rồi cứ thế chờ từng con số từ người hô hát trên sâu khấu.
Lô tô trở thành ký ức của bao người dân phố chợ. Ảnh: CV
Pháp kể: “Em nhớ năm 2000, sân khấu còn sơ sài lắm, nhưng từ sáng mùng Một đã thấy đông nghịt người chỗ lô tô. Cái kiểu hô lô tô ở đây rất lạ. Họ không hát chế lời lung tung như các đoàn bê-đê hay kéo đi tứ xứ, mà hát rất bài bản, kể chuyện tích này thoại kia, rồi hát về quê hương, về mấy địa danh của Duy Xuyên, Nam Phước, thành thử ai nghe cũng ghiền, cũng biết là lô tô chính hiệu quê mình. Bây giờ thì rõ ràng không đông như hồi xưa, nhưng mỗi đêm ít cũng chừng vài trăm người tới chơi lô tô, chứng tỏ sức sống của trò chơi này. Địa phương “mặc định” lô tô phố chợ như một hoạt động văn hóa vui tết đón xuân, giao hẳn cho Đoàn thanh niên đứng ra tổ chức cho người dân vui chơi”.
Địa điểm thì cứ xoay vòng quanh, từ khu chợ Nam Phước qua sân trường Lý Tự Trọng, xuống bến xe, rồi lên lại sân vận động huyện, khoảng mươi năm trở lại thì qua hục Trình (nhà văn hóa khối phố Long Xuyên 3), nhưng cứ hễ thấy rục rịch dựng rạp, kê mấy đầu quầy, kéo điện ra sân cho đoàn lô tô, là biết, xuân đã rất gần…
3. “Bà con cô bác, lẳng lặng mà nghe, tôi rao con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây, em nhẹ tay quay, cờ ra mà anh bắt, bà con cô bác, lẳng lặng mà nghe con gì nó ra đây”… Tiếng hô vui nhộn của hội lô tô thành một thứ âm thanh đặc trưng cho tết ở nơi này. Đêm hội, bà con gặp lại những gương mặt cũ. Cũng là ông Thắng đánh chìa khóa hay ngồi thừ ở góc ngã ba phố chợ, hay ông Tư, ông Quảng, đi đường gặp không biết bao nhiêu lần, mà giờ mấy ông già đóng vest hẳn hoi, trở thành trung tâm của đám đông. Họ bước xuống từ sân khấu, đến đoạn gần ra con “cờ kinh” (là con số cuối trong dãy 5 con số một hàng cho chiếc vé trúng thưởng) là vừa hát vừa pha trò cho tăng phần hồi hộp. Nhiều người cầm tờ vé đã trúng hẳn 4 số, chỉ chờ con số cuối là con “cờ kinh”, con số may mắn của mình trong năm mới. Mấy ông già cũng lắm chiêu, dạo một vòng xem số, biết thóp những con “cờ kinh” mà khán giả đang chờ để rao “nhứ”, rồi lại “bẻ lái” sang con số khác, đến giờ cuối mới công bố. Xổ lô tô, vui nhất là giờ khắc đó.
Phần thưởng, bao giờ cũng là một tặng vật. Ban tổ chức đặt hàng ở một cửa tiệm lớn của phố chợ, treo thưởng từ nhỏ tới to tùy theo giá trị vé. Vé 10 nghìn đồng thì trúng một chiếc xe đạp, hoặc máy quạt hơi nước, vé mệnh giá lớn hơn thì trúng máy giặt, tủ lạnh, ti-vi. Hi hữu lắm, khi hai người cùng trúng thưởng, ban tổ chức mới đứng ra cho họ thương lượng bên nhận tiền bên bù tiền để lấy tặng vật, gọi là chia nhau chút lộc đầu xuân. “Tôi nhớ, năm đoàn lô tô phố chợ treo thưởng lớn nhất là cái xe Honda, ông Hùng buôn đồ điện ở đây trúng. Năm sau, ông nớ trúng tiếp cái ti-vi. Đồ trúng lô tô là may mắn dữ lắm, ai trúng là khoe khắp, nhà tôi trúng lô tô được cái nớ đó. Có năm, người Quế Xuân trúng liên tiếp 3 đêm, y như rằng mấy đêm sau họ tới đông kín. Giờ thì điều kiện khá hơn, họ có xe máy đi chơi xa chỗ này chỗ kia, chứ hồi trước hầu như chỉ có chơi lô tô, xổ cả ngày lẫn đêm mấy chục bộ” - ông Nam nhắc nhớ về những ngày tháng cũ.
“Ai lên La Tháp, ghé lại Vĩnh Trinh, mới thấy công trình đào mương thủy lợi…”, câu lô tô cũ về đất Duy Xuyên vẫn còn được hát mỗi dịp tết đến xuân về. Ông Nam soạn sửa từ chiếc tủ cũ, lấy ra một bộ vé lô tô được in từ thời chưa chia tách tỉnh, là bộ vé “gốc” ông giữ để in mỗi dịp tết cho đội lô tô của phố chợ. Cả chiếc lồng cầu với 99 con số đã qua hàng chục năm tuổi, vẫn sống tròn phần hồn của nó đủ ba ngày tết bảy ngày xuân. Ít ai biết, 27 năm ròng, ông Nam vừa là cha, vừa mẹ cho mấy đứa con, sau khi vợ ông bị tai nạn. Ngày tết, tìm ông, thì cứ lên chỗ đoàn lô tô…
Có gì đáng vui hơn ai cũng nhớ mặt gọi tên, dù đã bước qua những năm tháng “lục thập nhi nhĩ thuận” của đời người… Ông Nam và những người bạn của ông có quyền tự hào, và vui, với đoàn lô tô phố chợ, với những năm tháng góp sức mình mang một chút hương xuân, cho bao lớp người quê xứ. Họ còn chút này, cho tết…
THÀNH CÔNG - PHAN VINH