Là vùng đất di sản với nhiều tài nguyên nhân văn, thiên nhiên đa dạng nhưng bao năm qua du lịch Duy Xuyên vẫn là điểm mờ trên bản đồ du lịch Quảng Nam.
Không chỉ có Mỹ Sơn
Tuy là huyện đồng bằng nhưng Duy Xuyên hội tụ đầy đủ các loại hình địa mạo như đồi, núi, sông, đồng bằng, biển… cùng hệ thống hạ tầng giao thông tương đối thuận tiện. Cùng với đó là một trầm tích văn hóa có bề dày lâu đời từ Sa Huỳnh đến nền văn minh Champa, Đại Việt mà dấu vết nổi bật chính là hệ thống các di tích lịch sử dày đặc kéo dài từ kinh đô Trà Kiệu, Khu đền tháp Mỹ Sơn đến khu phế tích Chiêm Sơn, quần thể lăng mộ các bà hoàng chúa Nguyễn cùng hàng chục làng nghề, lễ hội dân gian và các danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, dân sinh độc đáo. Qua đó tạo cơ sở để huyện kêu gọi nguồn lực đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, với việc phân vùng quy hoạch du lịch Duy Xuyên thành những vùng trọng điểm như vùng đông dành cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; vùng tây phát triển du lịch sinh thái Mỹ Sơn – Thạch Bàn làm vệ tinh lan tỏa đến các vùng phụ cận kết hợp với xây dựng, phát triển các điểm du lịch làng nghề truyền thống như chiếu cói Bàn Thạch, tơ lụa Mã Châu, Đông Yên - Thi Lai, gốm sứ La Tháp; khu sinh thái Trà Nhiêu, thủy điện Duy Sơn… đã phần nào định hình được bức tranh du lịch Duy Xuyên càng rõ nét.
|
Việc đầu tư hạ tầng du lịch tại làng Trà Nhiêu, Duy Xuyên vẫn chưa được chú trọng. Ảnh: V.L |
Dù vậy, việc triển khai các kế hoạch thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong đó, hạn chế nhất chính là chưa thể thu hút được nhà đầu tư đủ năng lực nhằm biến những tiềm năng văn hóa, sinh thái địa phương thành một sản phẩm du lịch thực thụ, dẫn đến cơ sở hạ tầng dịch vụ chưa được đầu tư phát triển; hệ thống sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, khó thu hút khách tham quan… Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thừa nhận, du lịch địa phương ngoài Khu đền tháp Mỹ Sơn hầu như các điểm còn lại vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có. Nguyên nhân chính là công tác quảng bá, giới thiệu và liên kết bên ngoài, nhất là việc kết nối với các công ty lữ hành còn thấp, nếu có thì hiệu quả đầu tư cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Trong đề án phát triển du lịch Duy Xuyên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020, nhất là Nghị quyết 11 HĐND huyện năm 2011 cũng đã xác định trọng tâm chính vẫn là xây dựng quy hoạch, liên kết các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, các điểm du lịch có tiềm năng kết hợp với bố trí nguồn vốn để triển khai quy hoạch này. Nên mong muốn của huyện hiện nay là kêu gọi đầu tư công tư, Nhà nước thực hiện chức năng về quản lý, còn các doanh nghiệp sẽ đầu tư và tổ chức hoạt động kinh doanh” - ông Cường cho biết.
Tăng cường liên kết
Có thể nhận thấy, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay của Quảng Nam, việc hình thành các điểm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng đang là hướng đi chủ đạo. Với lợi thế của mình, du lịch Duy Xuyên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, nhất là đặt trong mối quan hệ mật thiết và liên kết với vùng du lịch Hội An và Đà Nẵng. Theo ông Lê Trung Cường, với nguồn tài nguyên đa dạng, nổi bật là tài nguyên nhân văn, du lịch Duy Xuyên bên cạnh xác định hướng ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng… thì vấn đề liên kết vẫn là yếu tố đóng vai trò then chốt. Đó là liên kết giữa các điểm trong huyện với nhau; giữa đơn vị quản lý du lịch với cộng đồng xung quanh tham gia vào hoạt động du lịch; giữa điểm đến với doanh nghiệp du lịch lữ hành; giữa địa phương với bên ngoài… “Hiện nay, liên kết phát triển du lịch là nhu cầu tất yếu của các điểm du lịch, bởi nếu không có sự liên kết hỗ trợ thì tiềm năng du lịch tại mỗi điểm du lịch sẽ không được biết đến, sản phẩm tạo ra không có nguồn tiêu thụ do thiếu thông tin, dễ dẫn đến sản phẩm trùng lặp. Do đó, liên kết chính là hỗ trợ lẫn nhau nhưng cũng là để xây dựng, phát triển” - ông Cường khẳng định.
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để triển khai liên kết trước hết chính quyền phải thể hiện sự quyết tâm trong việc xác định phát triển du lịch là yêu cầu cần thiết. Điều này thể hiện qua việc ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng dịch vụ (nhà đón tiếp, bãi đổ xe, bến thuyền, nhà trưng bày…) và quan trọng là nguồn nhân lực. Duy Xuyên may mắn có di sản Mỹ Sơn nhưng vẫn chưa thể trở thành hạt nhân lan tỏa, điều này khác với Hội An khi có thể lan tỏa giữa đông và tây, nam và bắc. Thậm chí, quy hoạch phát triển du lịch của Duy Xuyên và Mỹ Sơn đến nay cũng chưa có động tĩnh gì, dù bây giờ đã quá muộn. Nên có thể nói cái thiếu nhất vẫn là nguồn nhân lực và quản lý nhà nước trong việc hoạch định được một kế hoạch phát triển du lịch căn cơ cho Duy Xuyên. Lâu nay cứ thế thu vào còn lại việc đầu tư, quảng bá, kết nối với các điểm khác thì chưa làm nhiều. “Cứ nói đập Vĩnh Trinh đẹp, thủy điện Duy Sơn đẹp nhưng chỗ nào để ngắm cảnh, chỗ nào để chụp hình, chỗ nào để viếng, chỗ nào để ăn, chỗ nào tắm…, rồi ra hồ Thạch Bàn bơi bằng cái gì, giá trị nổi bật của Thạch Bàn ra sao… vẫn chưa được đầu tư, quy hoạch, phân tích cụ thể. Tôi cho rằng, để biến những tiềm năng của Duy Xuyên thành sản phẩm du lịch chắc chắn phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương với những cơ chế chính sách thông thoáng, ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp cùng vào cuộc. Vì suy cho cùng, đánh thức tiềm năng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nhưng phát huy tiềm năng, biến nó trở thành một sản phẩm dịch vụ phải là doanh nghiệp vì doanh nghiệp mới là người đáp ứng mong đợi của khách hàng nên sẽ biết cần phải xây dựng sản phẩm gì, tour tuyến ra sao cho phù hợp” - ông Hồ Tấn Cường nói.
Vĩnh Lộc ( Báo Quảng Nam)