Những tác phẩm điêu khắc Chăm có nguồn gốc từ thành Trà Kiệu, xứ Quảng được phát hiện từ lâu và nay trưng bày ở Huế tạo nên một điểm tham quan thú vị dành cho du khách, càng khẳng định tinh hoa của nền nghệ thuật Chăm ở miền Trung.
Vào những năm 1927 - 1928, nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Yves Claeys đã khai quật kinh đô Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên) trong 9 tháng. Ông đã phát hiện nhiều vết tích kiến trúc bằng gạch cùng với một số lượng lớn tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch từ các ngôi đền thuộc đạo Bà la môn của các vương triều Chămpa từ thế kỷ 7 - 8. Nhiều tác phẩm trong số này đã được đưa về Bảo tàng Khải Định (tức Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày nay). Sau gần 90 năm kể từ khi phát hiện, những hiện vật quý giá của kinh thành Trà Kiệu cùng với những tác phẩm điêu khắc Chăm phát hiện từ một số địa phương khác mới được giới thiệu tại một bảo tàng ở cố đô Huế. Cuộc trưng bày chuyên đề điêu khắc Chăm vào cuối năm 2016 đã hé lộ những tác phẩm điêu khắc độc đáo với nhiều chủ đề như tượng vũ nữ, nam thần, các linh vật như voi, sư tử, khỉ…, cho thấy sự phong phú và những giá trị to lớn của bộ sưu tập.
Về tượng người, đáng chú ý là tượng thần Sấm sét Indra, chất liệu sa thạch cứng, cao 77cm, trong tư thế ngồi, sau đầu có một vầng hào quang hình ngọn lửa. Bên trái vầng hào quang có ba tia lửa, bên phải chỉ còn một tia lửa phía dưới cùng, trên đầu đội một cái Kirita - Mukuta một tầng. Tai lớn đeo hai loại đồ trang sức, cái phía trên hình như búp hoa, cái phía dưới hình tam giác buông trên vai. Cổ ngắn, hơi tròn. Đây là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật điêu khắc Chămpa, là tượng thần Indra duy nhất được tìm thấy ở Kinh thành Sư Tử.
Bức tượng Đầu tượng Nam thần, cũng là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật. Đầu thần đội một cái mũ Jata - Mukuta hai tầng, chóp mũ được thắt lại bởi hai vòng hạt ngọc, phía dưới là những lọn tóc buông xuống. Trên trán có một cái miễn trang trí năm đóa hoa hình mũi giáo kép. Hai đóa hoa bên tai lớn hơn ba đóa hoa ở giữa. Hàng lông mày mỏng, miệng tươi cười, môi hơi trề ra, hai khóe môi có hai nét nhấn. Đôi tai có đeo hoa tai hình quả trám, cổ có ba ngấn. Tượng thuộc phong cách Trà Kiệu sớm.
Chủ đề vũ công có 2 tác phẩm được trưng bày. Đặc biệt là bức Phù điêu người múa. Vũ công trong tư thế đứng lệch hông về phía trái. Đầu vũ công đội một cái miễn lớn có hai lớp. Tai to đeo đồ trang sức, tay trái đưa cao ngang đầu cầm một dải lụa buông xuống chỗ khuỷu tay. Cổ tay có hai vòng trang sức, tay phải gập chéo trước ngực. Ngực nở nang, eo thon, có núm vú ở ngực bên trái. Vũ công mặc một cái sampôt ngắn trên đầu gối, có vạt trước dài và nhọn buông xuống gần cổ chân, dắt múi về bên phải. Đây là tác phẩm tiêu biểu của di chỉ Trà Kiệu, mang một vẻ đẹp đặc trưng của điêu khắc Chămpa, thuộc phong cách Trà Kiệu sớm phổ biến vào thế kỷ 7 - 8.
Chủ đề linh vật, nổi bật là hai bức tượng phù điêu voi, trong đó độc đáo nhất là bức phù điêu Voi đeo miễn, cao 59cm. Tượng voi trong tư thế đi về phía trước. Đầu voi mang một cái miễn hai lớp được chạm trổ rất kỳ công. Vòi cong về phía bên trái, đầu voi uốn cong ngược ra. Bức phù điêu trở nên sinh động bởi sự diễn tả động tác bước chân của con voi. Chân trước bên trái hơi cong lên ở chỗ cổ chân. Chân phía trước bên phải buông thẳng xuống, chân phía sau bên trái hơi đưa về phía trước, chân phía sau bên phải lùi về phía sau. Đó những nét đặc trưng trong tác phẩm điêu khắc đề tài voi ở thành Trà Kiệu.
Cùng với voi, sư tử là linh thú khá phổ biến trong kiến trúc, điêu khắc đền tháp Chămpa vào thế kỷ 10. Bức tượng hoàn hảo nhất là tượng sư tử đứng, cao 78cm. Sư tử trong tư thế đứng lệch hông về phía bên trái, bờm trên đầu sư tử tạo thành ba lớp hình tam giác chồng lên nhau trước nhỏ sau lớn. Mắt lồi tròn, mí mắt dày hình vòng cung. Hai hàng lông mày được chạm cong vút lên rồi xòe ra ở cuối thành hình những đóa hoa. Những tượng sư tử tìm thấy tại Trà Kiệu gần như thống nhất về thủ pháp với khối hình rắn chắc, đặc biệt, phần ngực và mông tạo được sức mạnh và nhịp điệu của tác phẩm.
Hình tượng linh thú khỉ Hunuman xuất hiện trong không gian trưng bày với bức Phù điêu khỉ, cao 53cm. Khỉ được diễn tả bằng một ngôn ngữ tả thực với khối hình mềm mại. Chú khỉ trong tư thế ngồi lệch hông về phía trái, đầu ngoảnh về bên phải, đầu tròn, hàng lông mày rất lớn nối liền nhau tạo thành hình số 3 lật sấp. Mắt tròn, mi mắt nổi rõ, mũi dài thấy rõ cánh mũi, miệng rộng mỉm cười. Hai khóe môi có vết nhấn sâu, vành môi trên chạm rõ. Đôi má căng tròn, cằm bạnh, hai tai vểnh lên, vành tai to, trên ngực có đeo một vòng kiềng, ở giữa là một hạt ngọc lớn hình bầu dục. Đây là bức phù điêu tạo hình khỉ hoàn chỉnh và đẹp nhất của nghệ thuật điêu khắc Chămpa đã tìm thấy được cho đến nay.
Trà Kiệu được xem là kinh đô của tiểu quốc Amaravati Chămpa (Chiêm Thành), tên là Sihapura hay Thành phố Sư Tử được đề cập trong văn khắc trên đá của Chămpa từ thế kỷ 11 trở đi. Là một kinh đô lớn, Trà Kiệu có nhiều đền tháp, thành quách và nhiều tác phẩm điêu khắc đá của người Chămpa và đã định hình nên Phong cách Trà Kiệu - một phong cách tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Cho đến nay, có khá nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm xuất phát từ kinh thành Trà Kiệu được phát hiện, lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng trong và ngoài nước. Ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, các bảo tàng khác như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đều có những bộ sưu tập hiện vật điêu khắc Chămpa Trà kiệu có giá trị lịch sử và nghệ thuật vô giá.
TẤN VỊNH