A+ A A-

Câu chuyện về mukhalinga

           Tục thờ sinh thực khí xuất hiện khá phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trong Ấn Độ giáo thờ ngẫu tượng linga - yoni, biểu hiện sinh động nhất của tục thờ sinh thực khí. Nét độc đáo nhất ở ngẫu tượng linga trong hệ phái Saivite thường được chạm khắc khuôn mặt của thần Shiva, gọi là linga có mặt người hay còn gọi là mukhalinga. Một mukhalinga có thể mang một hoặc nhiều khuôn mặt của thần Shiva và căn cứ theo điều đó mà có tên gọi khác nhau như: Trimukhalinga (3 khuôn mặt), Chaturamukhalinga (4 khuôn mặt), Panchamukhalinga (5 khuôn mặt). Đây là những hiện vật quý giá nhất tại các ngôi đền tháp do các vị vua Chămpa dâng lên thần Shiva.

Mukhalinga Mỹ Sơn đang trưng bày tại các bảo tàng Đức. Ảnh: T.Vịnh, Andreas Reinecke
Mukhalinga Mỹ Sơn đang trưng bày tại các bảo tàng Đức. Ảnh: T.Vịnh, Andreas Reinecke

            Ở Việt Nam, tượng mukhalinga thờ thần Shiva theo kiểu Ấn Độ giáo xuất hiện khá nhiều. Trong các di chỉ văn hóa Óc Eo ở Tây Nam Bộ (khoảng thế kỷ 4 - 5 đến giai đoạn thế kỷ 6 - 7), khuôn mặt thần Shiva được thể hiện ở dạng phù điêu trên phần trụ tròn tại vị trí đỉnh của cột thiêng. Một số bảo tàng ở miền Tây Nam Bộ, tiêu biểu như Bảo tàng An Giang, Bảo tàng tư nhân Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam) đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật thuộc loại hình mukhalinga này. Tháng 11.2012, một cán bộ làm việc tại khu di tích Mỹ Sơn đã tìm thấy ở khu tháp E một mukhalinga còn nguyên vẹn, cao 1,26m, bằng đá sa thạch nguyên khối với bố cục, tạo hình cân đối. Từ trên chóp mukhalinga này nhô ra phần cổ và phần đầu của thần Shiva. Mukhalinga phát hiện tại Mỹ Sơn được gọi là ekamukhalinga, vì đây là linga có một khuôn mặt của thần Shiva. Tác phẩm điêu khắc đá sa thạch này của người Chămpa thực sự là tuyệt tác có một không hai ở khu đền tháp thiêng trên xứ Quảng. Do đó, năm 2015, mukhalinga Mỹ Sơn đã được xếp hạng là Bảo vật Quốc gia. 

Tượng vua Pô Klaong Girai trên mukhalinga ở tháp Pô Klaong Girai.
Tượng vua Pô Klaong Girai trên mukhalinga ở tháp Pô Klaong Girai.

         Đi dần vào phía cực Nam Trung Bộ, xưa là vùng đất Panduranga, nay thuộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, tục thờ sinh thực khí của người Chăm có một sự biến đổi thú vị, khác đôi chút so với gốc gác Ấn Độ giáo của nó. Nơi đây có 2 ngôi tháp thờ vua Pô Klaong Girai và Pô Romê tồn tại 2 mukhalinga, nhưng không có đầu thần Shiva mà lại có tượng vua được gắn vào linga, đặt giữa ngôi tháp. Người Chăm gọi mukhalinga này là tượng vua Pô Klaong Girai. Ông là vị vua tài ba, anh minh, có công với người Chăm như dẫn thủy nhập điền, chăm lo đời sống cho dân được ấm no, hạnh phúc. Để tưởng nhớ và ghi công vị vua này, họ đã thờ ông dưới dạng mukhalinga. Ở tháp Pô Romê ta cũng thấy vua hóa thành thần Shiva với 6 cánh tay đầy quyền năng. Theo các nhà nghiên cứu, những vị vua Chăm ở đây đã được thần hóa, hay còn gọi là vua - thần, chỉ thấy xuất hiện ở vùng Panduranga. Đây là tác phẩm điêu khắc thể hiện sự sáng tạo, cải biến của người Chăm, có sự xen lẫn giữa tín ngưỡng thờ thần linh bản địa với tín ngưỡng thờ thần Shiva, vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Vào dịp năm mới (mbăng Ka Tê), người Chăm tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Các nghi lễ thiêng liêng như lễ tắm tượng, thay y trang được diễn ra tại mukhalinga thờ thần vua.

Linga có phù điêu thần Shiva, thuộc Văn hóa Óc Eo, hiện vật của Bảo tàng Chu Lai.
Linga có phù điêu thần Shiva, thuộc Văn hóa Óc Eo, hiện vật của Bảo tàng Chu Lai.

           Vào năm 2016, Bộ VH-TT&DL đã phê chuẩn đưa 350 cổ vật thuộc quản lý của 8 bảo tàng khác nhau tại Việt Nam đến nước Đức trưng bày. Đầu năm 2017 đến hết năm 2018, các bảo tàng ở Đức như Bảo tàng Khảo cổ học ở thành phố Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia tại Chemnitz và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim lần lượt giới thiệu bộ sưu tập hiện vật này. Phòng trưng bày văn hóa Chăm ở các bảo tàng này giới nhiều hình ảnh và một số tác phẩm điêu khắc đá như thần Shiva, thần bò Nadin, sư tử, trong số đó, phải kể đến bức tượng mukhalinga Mỹ Sơn được phục chế với tỷ lệ 1/1. Nơi trưng bày dành cho các di vật quý giá của người Chăm được lên ý tưởng thiết kế và thực hiện trong nhiều năm. Bên cạnh hiện vật, một mô hình tháp Chăm cao 8m trong cụm tháp Pô Klaong Girai được phục dựng để tạo cho khách tham quan cảm giác như được đi qua ngôi đền thực sự. Ngoài các hiện vật gốc, để phục vụ trưng bày, các bảo tàng ở Đức đã dùng phương pháp đo ảnh số cho ra bản in 3D chân thực sống động. Qua cuộc trưng bày này, khách tham quan ở châu Âu có thể tìm hiểu về văn hóa Chămpa và nền văn hóa của đất nước Việt Nam.

           Bên cạnh những di tích kiến trúc, miền Trung là vùng đất ẩn chứa nhiều di sản quý giá của nền văn hóa Chăm mà tiêu biểu là tượng mukhalinga. Trong các cổ vật được xếp hạng, mukhalinga Mỹ Sơn chẳng những là bảo vật của xứ Quảng mà còn là tài sản được xếp vào hàng “quốc gia chi bảo”. Điều đặc biệt là trong thời gian ngắn sau khi được phát hiện, Mukhalinga Mỹ Sơn đã được xuất ngoại, dù chỉ là mô hình phục chế để đến với khách tham quan ở châu Âu và nước Đức, cho thấy giá trị thượng hạng của cổ vật này. Mukhalinga và những câu chuyện thần thoại về thần Shiva xứng đáng để du khách thưởng ngoạn, khám phá khi đến với các di sản của người Chăm trên dải đất miền Trung Việt Nam.

TẤN VỊNH

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19807474
Hôm nay
Hôm qua
2847
8748