Ngày
01/07/2015, các hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự trên
địa bàn Thành phố Đà Nẵng sẽ ngừng hoạt động để chuyển sang phát tín
hiệu số. Khi đó, việc thu xem truyền hình của người dân tại phía bắc
Quảng Nam gồm các huyện: Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc sẽ bị ảnh
hưởng.
1. Số hóa truyền hình mặt đất
Là việc chuyển đổi thu/phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sang thu/phát tín hiệu truyền hình số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động (4G) và vô tuyến băng rộng.
Truyền hình số đem lại những lợi ích cho cả người dân và quốc gia mà truyền hình tương tự không có được.
2. Lợi ích cho người dân
Đối với người dân, việc thu xem tín hiệu truyền hình số mặt đất thay cho tín hiệu truyền hình tương tự đồng nghĩa với việc có thể xem được nhiều kênh chương trình hơn với chất lượng âm thanh và hình ảnh rõ và tốt hơn. Hiện tượng bóng mờ, nhiễu tín hiệu được khắc phục. Truyền hình số còn mang đến cho người dân các kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV), các kênh truyền hình sử dụng công nghệ 3D…
3. Lợi ích cho quốc gia
Truyền hình số mặt đất sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, tiết kiệm tài nguyên tần số của quốc gia. Khi hoàn thành số hóa truyền hình, một phần băng tần UHF sử dụng cho truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng, dành để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng (4G) và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác .
Bên cạnh đó, việc chuyển sang công nghệ truyền hình số cũng góp phần giảm chi phí đầu tư hệ thống phát sóng do một kênh tần số có thể phát cùng lúc nhiều kênh chương trình khác nhau.
4. Thời gian chuyển đổi
Theo kế hoạch từ ngày 01/07/2015, các máy phát sóng tương tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ ngừng hoạt động.
Khi đó, các huyện phía bắc Quảng Nam gồm: Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn và Đại Lộc sẽ không thu được tín hiệu truyền hình tương tự của Đài DRT1, DRT2, VTV1, VTV2, VTV Đà Nẵng qua hệ thống anten râu, anten giàn như hiện nay.
5. Các đối tượng bị ảnh hưởng:
Khi ngừng phát sóng tương tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào ngày 01/07/2015, các hộ dân đang sử dụng truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình qua mạng internet không bị ảnh hưởng đến việc thu tín hiệu truyền hình.
Đối với các hộ dân sử dụng anten râu, anten giàn để thu tín hiệu truyền hình, ngoại trừ các máy thu hình (tivi) có tích hợp sẵn chức năng thu tín hiệu số DVB-T2, các máy thu hình khác cần phải lắp thêm đầu thu tín hiệu số (settop box) để có thể xem được truyền hình.
Các máy thu hình (tivi), đầu thu tín hiệu số (settop box) có chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 bắt buộc phải gắn dấu hợp quy, có dãn nhãn hàng hóa, và có logo biểu trưng số hóa truyền hình trên sản phẩm.
6. Chính sách hỗ trợ của nhà nước
Để đảm bảo các hộ gia đình thuộc diện khó khăn có thể theo dõi các chương trình truyền hình số khi Đà Nẵng ngừng phát sóng tương tự vào ngày 01/07/2015, các hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo có tivi không hỗ trợ thu tín hiệu số và chưa có đầu thu tín hiệu số (settop box) sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo quy định của nhà nước.
7. Trung tâm trợ giúp
Để được trợ giúp thêm thông tin chi tiết, người dân có thể liên hệ kênh giải đáp, hỗ trợ số hóa truyền hình 1900 94 96.