Đến cuối năm 2019, các địa phương của Quảng Nam cơ bản hoàn thành hợp nhất trung tâm VH-TT và đài truyền thanh - truyền hình (TT-TH) cấp huyện thành trung tâm VH-TT&TT-TH theo tinh thần các Nghị quyết 18 và 19, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Cũng từ đây, đã phát sinh không ít vướng mắc, nhưng chưa có sự tổng kết, đánh giá toàn diện trong phạm vi cả tỉnh để có lời giải thỏa đáng về cơ chế hoạt động của mô hình này.
Thu âm chương trình phát thanh hàng ngày ở đài huyện. Ảnh: H.T
Tâm tư nhất chính là anh em phóng viên (PV) đài huyện. Từ trước đến nay, dù đài huyện không được xem là cơ quan báo chí, nhưng PV, biên tập viên vẫn hành nghề với tư cách PV, nhiều người được cấp thẻ nhà báo và hoạt động không khác gì người làm báo chuyên nghiệp ở các cơ quan báo chí chính thức. Vậy nhưng, mọi việc bắt đầu phát sinh ngay sau khi hợp nhất 2 cơ quan.
Một PV đài huyện kể, sau khi mất cái tên đài huyện, anh bất ngờ nhận được giấy mời của cơ quan nọ, ghi “mời viên chức trung tâm VH-TT&TT-TH huyện… đến dự và đưa tin”. “Lạ và cũng… buồn cười. Đành rằng PV cũng là viên chức sự nghiệp, nhưng mất đài, mình cũng mất luôn cái danh xưng PV!” - PV này nói.
Ông Hoàng Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Duy Xuyên cũng từng kể, sau khi hợp nhất, nhiều nơi rất băn khoăn, tranh cãi nhau về “lời xướng” khi phát sóng các chương trình TT-TH của huyện. Xướng “đây là đài TT-TH” thì không ổn, vì cơ quan đài huyện không còn nữa, nhưng chẳng lẽ lại xướng “đây là trung tâm VH-TT&TT-TH”?”.
Chưa hết, rất nhiều PV, biên tập viên, kỹ thuật ở các đơn vị nói rằng, nhập lại, họ bị tước bỏ công việc mang tính đặc thù của nghề báo. Thứ nhất, về chuyên môn thì văn hóa và báo chí không hề tương đồng, một bên làm thường nhật, bên kia thời vụ; anh em PV có thể hỗ trợ làm MC, trọng tài, múa, hát, dán pano, chứ văn hóa không hỗ trợ báo chí được, nhất là công nghệ báo chí ngày càng hiện đại từ quay phim, dựng phát thanh, phần mềm, sản xuất hậu kỳ, không được đào tạo là thua.
Thứ hai, về cơ chế quản lý, tài chính. Theo Thông tư liên tịch số 17, ngày 27/10/2010 của Bộ TT-TT và Bộ VH-TT&DL thì đài huyện có chức năng, nhiệm vụ là “cơ quan tuyên truyền của đảng bộ, chính quyền huyện”, và dĩ nhiên hầu hết nhân sự của đài là PV, biên tập viên, kỹ thuật viên; họ hoạt động theo đặc thù nghề nghiệp và có nguồn thu nhập với cơ chế tài chính của cơ quan báo chí.
Nghị định 18 của Chính phủ và Quyết định 06 ngày 20/03/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định chế độ nhuận bút đối với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, bản tin trên địa bàn tỉnh quy định rất cụ thể về cơ chế chi trả nhuận bút đối với các trang tin điện tử, bản tin, cổng thông tin điện tử thuộc các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Vậy mà sau khi “nhập”, mỗi nơi quản lý tài chính và nhân sự một kiểu. Có nơi, bộ phận chuyên trách TT-TH vẫn hoạt động như cơ chế trước đây của đài: nhận lương, giao định mức, hưởng nhuận bút (sau khi hoàn thành định mức), thù lao biên tập, dựng hình, hậu kỳ…; nhưng có nơi xóa hết.
Một vị giám đốc nói thẳng, là PV đã lãnh lương thì không có chuyện nhận nhuận bút nữa, nên đài không cấp nhuận bút! Hỏi: “Ông có biết nhuận bút là quy định mang tính pháp lý không?”. Vị này ớ ra, nhưng… kiên quyết: “Có lương là đúng quy định Nhà nước rồi!”.
Tại một địa phương, chẳng biết kế hoạch kinh phí thế nào mà huyện duyệt chi hoạt động không thấy có phần nhuận bút. Hỏi, thì ông giám đốc nói chỉ cần cấp vài trăm công tác phí là được rồi!
Hỏi: “Miền núi như huyện ông, đi cơ sở mỗi lần cả trăm nghìn đồng tiền xăng, không nhuận bút, mỗi tháng ông cấp chưa tới 500 nghìn đồng công tác phí, định mức chỉ tiêu ông đặt quá đầu con người ta, vậy PV sống bằng chi?”. Ông im.
Đó là chuyện tiền bạc, còn cơ chế quản lý công việc cũng… trăm hoa đua nở! Có PV tâm sự, ông giám đốc bắt PV lên cơ quan làm việc suốt 8 tiếng trong giờ hành chính, ngày nào cũng điểm danh, ghi sổ.
Hỏi: “Chúng tôi không đi cơ sở, lấy chi để quay phim, viết bài? Ngồi miết 8 tiếng trong phòng làm việc, tôi không viết được, tối về thức cả đêm để viết bài, ông tính sao?”.
Lại nữa, “PV ngồi tào lao ở quán cà phê, đôi khi cũng phát hiện ra đề tài hay để viết bài, làm phóng sự, ông hiểu không?”. Vị giám đốc… ngớ ra: “Vậy à?”. Nhưng rồi vẫn phán: “Anh là viên chức, tôi vẫn quản lý anh trong giờ hành chính”.
Chưa kể, có những ông giám đốc, chẳng biết chi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, PV viết bài, làm phóng sự, trình lên cứ thế mà gạch, rồi bắt sửa lại thế này, thế nọ. Có nơi, ngày truyền thống báo chí, lãnh đạo địa phương mời PV khắp nơi về dự gặp mặt đông vui, nhưng lại…. quên mất lực lượng PV, biên tập viên làm TT-TH của huyện. Anh em nản lòng!
Nói về những chuyện như trên, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Bắc Trà My cho biết: “Chỗ nào không biết, nhưng đơn vị chúng tôi thì không cào bằng. Bộ phận làm TT-TH có cơ chế tài chính và cơ chế quản lý riêng. Văn hóa làm cũng theo cơ chế riêng bên đó. Mỗi khi có nguồn cấp về, chúng tôi xem xét cân đối hợp lý, đủ cho cả năm. Càng về sau, định mức tin bài phóng viên càng ít. Cơ quan nói chung ổn”.
Như vậy, vấn đề không phải không có lối ra. Một giám đốc trung tâm cũng nói, tách nhập không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ thiết lập và vận hành cơ chế quản lý và tài chính sao cho phù hợp ở từng bộ phận chuyên môn nghiệp vụ.
Người đứng đầu nơi đó phải có khả năng tổ chức, điều hành, thấu hiểu công việc mỗi bên, có thái độ tôn trọng nghề nghiệp của cán bộ viên chức cơ quan mình. Bố trí nhân sự vẫn là khâu then chốt. Người đứng đầu thấu hiểu việc hai mảng, nhưng hai phó giám đốc thì phải là dân chuyên ngành báo chí và văn hóa. Cơ chế tài chính cũng phải mạch lạc với yêu cầu của mỗi bên.
Cần nói thêm rằng, từ trước đến nay, PV đài huyện luôn là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí chính thống ở cơ sở, nhất là báo đài địa phương. Nhiều người có năng lực, tâm huyết, dày dạn kinh nghiệm và hoạt động không khác gì một nhà báo thực thụ.
Họ chính là những người đưa thông tin một cách chân thực, nhanh chóng, tuyên truyền, quảng bá hiệu quả cho địa phương mình. Cứ xem báo, đài tỉnh thì sẽ rõ. Địa phương nào quan tâm thích đáng cho công tác TT-TH thì nơi đó, thông tin của địa phương thường xuyên “phủ sóng” trên báo, đài tỉnh và ngược lại.
TRUNG VIỆt