Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2015, 4 xã điểm của huyện Duy
Xuyên là Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước phải đạt chuẩn nông thôn mới
(NTM). Tuy nhiên, chặng đường về đích của các địa phương đang gặp nhiều trở
ngại khi một số tiêu chí khó hoàn thành.
Nhiều vướng mắc
Xã Duy Trinh mới được chọn bổ sung vào danh sách các xã điểm nhưng
đến nay địa phương đã thực hiện hoàn thành 17 tiêu chí NTM, gồm: quy hoạch,
giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện,
nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình
thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường, hệ thống chính trị vững mạnh
và an ninh trật tự xã hội. Như vậy, thời gian tới Duy Trinh chỉ còn hoàn tất
tiêu chí văn hóa và thủy lợi nữa là cán đích. Tuy nhiên, điều lo lắng của chính
quyền địa phương hiện nay là khó đạt tiêu chí văn hóa. Bởi, theo quy định, để
đạt được tiêu chí này thì đòi hỏi phải có ít nhất 70% số thôn trên địa bàn xã 3
năm liền được công nhận thôn văn hóa. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã
cho hay, để về đích đúng kế hoạch thì liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015 Duy
Trinh phải có 3/4 thôn đạt thôn văn hóa. Đây là điều rất khó khăn bởi tiêu chí
này phụ thuộc rất lớn vào người dân. Còn ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch UBND xã
Duy Sơn thì cho biết, địa phương có đến 8 thôn nhưng phần lớn các thôn đều chưa
đạt thôn văn hóa 3 năm liền, do tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vượt quá mức cho
phép và bị rơi vào “điểm liệt” vì án hình sự xảy ra trên địa bàn. Trong số 4 xã
điểm NTM của huyện Duy Xuyên thì hiện chỉ có xã Duy Phước nhiều khả năng hoàn
thành tiêu chí này là nhờ năm 2012 và 2013 toàn xã có 6/8 thôn đạt tiêu chuẩn
thôn văn hóa.
4 xã điểm cần 84 tỷ đồng vốn đầu tư trong năm 2015
Theo kết quả khảo sát mới nhất tại huyện Duy Xuyên đến nay xã Duy
Hòa đã hoàn thành 13 tiêu chí, Duy Sơn 15 tiêu chí, Duy Trinh và Duy Phước cùng
đạt 17 tiêu chí; 7 xã khác đạt 4 - 10 tiêu chí. Dự kiến, năm 2015, 4 xã điểm
của huyện cần khoảng 84 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Trong đó, vốn trái phiếu chính phủ và tỉnh là 15,7 tỷ đồng, ngân sách huyện và
xã 5,8 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các dự án, chương trình hơn 52 tỷ đồng, còn
lại là huy động các nguồn lực khác. “Để 4 xã điểm về đích đúng theo lộ trình đề
ra thì ngay từ bây giờ huyện Duy Xuyên cần khẩn trương rà soát lại các tiêu chí
đã đạt được. Đối với những tiêu chí chưa đạt, nhất thiết phải có giải pháp thực
hiện cụ thể, rõ ràng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa
việc huy động các nguồn lực đầu tư. Về phía tỉnh, chúng tôi sẽ sớm tham mưu bố
trí nguồn vốn để Duy Xuyên thực hiện hoàn thành 2 tiêu chí là giao thông và th lợi”.
Theo ông Ngô Phi Thâm, từ nay đến cuối năm 2015, để hoàn thành
tiêu chí về thủy lợi, Duy Sơn cần kiên cố hóa thêm 5 tuyến kênh mương trọng yếu
tại các thôn Phú Nham, Chiêm Sơn, Trà Kiệu Tây với tổng chiều dài hơn 3km nhằm
đảm bảo việc tưới tiêu cho toàn bộ 515ha đất sản xuất nông nghiệp mỗi vụ của
xã. ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho hay, hiện địa phương cần
hoàn thành ít nhất 6km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và 5,6km
kênh mương thủy lợi, tập trung chủ yếu ở các cánh đồng Lang Châu Nam, Hà Nhuận,
Triều Châu, Mỹ Phước… Tương tự, 2 xã điểm còn lại là Duy Trinh và Duy Hòa cũng
đang cần một nguồn kinh phí tương đối lớn để thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu
phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Vậy, muốn về đích, các địa phương này lấy
tiền ở đâu để thực hiện những khâu cần phải làm?
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về tiêu chí số 16 (văn hóa) thì
tại 4 xã điểm nêu trên, các tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật
chất văn hóa cũng rất khó đạt. Bởi, muốn hoàn thành đòi hỏi phải có nguồn kinh
phí lớn để bê tông hóa các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng,
kiên cố hóa hệ thống kênh mương và xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn
hóa xã. Ông Ngô Phi Thâm nói: “Từ nay đến cuối năm 2015, để thực hiện hoàn
thành tiêu chí giao thông và thủy lợi theo quy định thì Duy Sơn cần phải đầu tư
không dưới 21 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, ngân sách xã không thể kham
nổi”. Ngoài ra, theo thống kê, hiện nay ở 4 xã điểm của huyện Duy Xuyên có tổng
cộng 29 nhà sinh hoạt văn hóa thôn. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về công trình vệ sinh,
tường rào, cổng ngõ chưa được đầu tư nâng cấp, sân chơi thể thao thì tạm thời
sử dụng các khu đất trống nên không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người
dân...
Tháo gỡ bằng cách nào?
Về vấn đề trên, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó
ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Duy Xuyên cho biết, để hoàn thành tiêu chí giao
thông và thủy lợi, các ban ngành, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ với các địa
phương tích cực vận động nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo
vệ công trình. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra công trình hạ
tầng nông thôn, đảm bảo đúng các yêu cầu kỹ thuật như bộ tiêu chí quy định. Ông
Năm nói: “Cùng với số vốn cấp trên phân bổ hằng năm, UBND huyện đã có chủ
trương lấy nguồn kinh phí sự nghiệp phát triển nông nghiệp đầu tư vào 4 xã điểm
nêu trên. Cạnh đó, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ những chương
trình, dự án và huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân để
thực hiện việc đổ bê tông các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương
thủy lợi”. Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, huyện Duy Xuyên đang
triển khai xây dựng nhà văn hóa kết hợp với hội trường xã tại Duy Trinh và Duy
Sơn. Tổng mức đầu tư 2 công trình này là hơn 12 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà
nước. Bên cạnh đó, địa phương cũng tập trung sửa chữa và nâng cấp 16 nhà sinh
hoạt văn hóa thôn ở 4 xã điểm. Như vậy, nhiều khả năng đến cuối năm 2014 các xã
điểm đó sẽ cơ bản thực hiện hoàn thành tiêu chí này.
Trong khi đó, tại các cuộc họp và những buổi tọa đàm bàn hướng
tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng NTM ở huyện Duy Xuyên, hầu hết ý kiến đều cho
rằng việc hoàn thành tiêu chí văn hóa là khó khăn chung tại nhiều địa phương.
Muốn thành công, cần tập trung cho khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong
nhân dân về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng
và Nhà nước trên tất cả lĩnh vực, nhất là văn hóa. Thường xuyên tổ chức các
hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, chú trọng cả hình thức, nội dung và
phương thức hoạt động nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần
của người dân. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm tăng tỷ lệ thôn văn hóa, gia đình văn hóa.
Không chỉ vậy, các địa phương cần thực hiện việc xã hội hóa trong xây dựng các
thiết chế văn hóa. Ngoài ra, phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và
hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa, nhất là ở
tuyến cơ sở.
THÀNH NHI
;