Trên tuyến đường du lịch di
sản văn hóa thế giới Hội An – Mỹ Sơn có một làng nghề truyền thống chổi đót,
tuy không rầm rộ nhưng có sức sống bền bỉ, là kế sinh nhai của hàng trăm người
dân nơi đây, đó là làng nghề chổi đót Chiêm Sơn, xã Duy Trinh. Cùng với sự nhộn
nhịp của làng quê Duy Trinh thời đổi mới, sản phẩm chổi đót có nhiều khởi sắc,
góp phần cùng nhân dân địa phương xây dựng Duy Trinh hoàn thành mục tiêu xây dựng
xã nông thôn mới vào năm 2015.
Ngày xưa
trên địa bàn huyện Duy Xuyên, nhất là các vùng đồi núi cao thuộc các xã Duy
Trinh, Duy Châu, Duy Hòa, Duy Sơn.. và cả vùng giáp ranh như huyện Quê Sơn,
Nông Sơn rộng lớn đều mọc đầy loại cây đót, cây chổi là nguồn nguyên liệu chính
để người dân ở các làng Chiêm Sơn, Đông Yên xã Duy Trinh thuận lợi sản xuất chổi
quét tước vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đường sá và bán khắp nơi kiếm thêm thu nhập.
Người dân nới đây hầu hết đều làm nông. Bên cạnh công việc chính là trồng dâu,
nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, trồng lúa, vào thời điểm nông nhàn, nhất là độ tháng
giêng, tháng hai âm lịch, chưa tới thời kỳ nuôi tằm và ruộng nương đã được tỉa
dặm, bón phân xong chờ tới kỳ thu hoạch, người dân tranh thủ vào núi bứt đót, cắt
chổi trải láng phơi ngay tại chỗ. Độ ba bốn ngày sau khi cây đót, cây chổi khô
mới vào núi cuốn thành nhiều bó gánh về để làm chổi, mang đến chợ Giỏ bán.
Nhiều người trong làng cùng làm, tự nhiên hình thành nên làng nghề
vấn chổi đót, chổi chà. Các cụ cao niên nhất của làng cùng không biết nghề vấn chổi
đót tại quê hương mình có từ bao giờ. Chỉ biết, vào thời điểm năm, sáu mười năm
trước, cả làng cùng làm chổi. Nhà nào
cũng tự vào núi bứt đót, cắt chổi về để vấn chổi. Chị Lưu Thị Tám, ở thôn Chiêm
Sơn, xã Duy Trinh cho biết:“ Trước đây
ông bà già cũng làm nghề vấn chổi, con
cái bắt chước làm theo nghề truyền thống của quê mình. Thu nhập làm chổi khá
hơn so với làm nông”
Sau năm 1975, thực hiện chủ trương phát triển rừng trồng, người
dân phá bỏ cây đót( là loại cây dễ bắt lửa gây cháy rừng), nên diện tích rừng
có cây đót cùng dẫn cạn kiệt. Nên số người làm chổi ở xã Duy Trinh không còn
đông đảo như hồi xưa, nhưng cũng không dưới 200 lao động làm nghề vấn chổi đót,
chổi chà, tập trung phần lớn ở thôn Chiêm Sơn. Ngoài những hộ làm chổi nhỏ lẻ tận
dụng thời gian nông nhàn, lao động trẻ em ngoài giờ đi học và người già trong
gia đình, thì tại đây có trên 20 hộ làm ăn lớn, có thuê nhân công và chuyên môn
hóa ở từng công đoạn. Những hộ này bình quân mỗi năm sử dụng từ 20 tấn đến 50 tấn
đót nguyên liệu và cũng ngần ấy thân cây trúc làm cán chổi cùng một số phụ liệu
khác để sản xuất hoàn thành các sản phẩm chổi đạt thẩm mỹ, chắc, bền tiện lợi sử
dụng.
Theo kinh nghiệm của người thợ vấn chổi đót nơi đây thì, trung
bình 5 lạng đót phân làm 4, dùng dây mây hoặc dây nhựa cột chặt thành 4 tép sau
đó vấn đều thành lá chổi, cán chổi thì tùy loại theo yêu cầu của khách hàng, có
thể dùng chính thân cộng chổi, hoặc các chổi bằng trúc hay cán chổi bằng nhựa.
Những yêu cầu khắt khe là vấn phải đều, chắc chắn và đạt độ thẩm mỹ. Đến hẹn,
thương lái đến tận nhà để đóng bó, đưa lên xe tải chở đi bán sỹ khắp các tỉnh,
thành hoặc xuất khẩu sang các nước. Đối với chổi xuất khẩu thường vấn theo mẫu
mã khách hàng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe hơn so với chổi tiêu thụ nội địa, và
được kiểm định tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu.
Với phương thức nầy, mỗi năm người dân làng chổi đót Chiêm Sơn, xã
Duy Trinh sản xuất và tiêu thụ trên 2 triệu sản phẩm chổi, đem lại nguồn thu nhập
khá lớn cho người dân. Nghề vấn chổi đót thu hút được nhiều lao động cả người
già và trẻ em cùng tham gia.
Bà Lưu Thị Liệu, 77 tuổi, ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh cho biết:“ Trước đây tôi cũng làm chổi, giờ đã 77 tuổi,
già rồi không làm nổi nữa chỉ làm việc nhẹ là tước đót, mỗi ngày kiếm năm bảy
chục ngàn thêm tiền mắm, tiền muối và mua trầu cau ăn. ...Tới đây không làm được
việc nặng thì làm việc nhẹ cũng có tiền. Khỏe thì làm nhiều có tiền nhiều, yếu
làm ít có tiền ít, rứa đó ”.
Hiện nay cứ vào độ tháng chạp, tháng giêng âm lịch là mùa thu hoạch
đót các hộ sản xuất quy mô sản xuất chổi đót lớn phải đến các địa phương khác
như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi hoặc vào tận Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông hoặc qua tận Lào để
mua đót dự trữ cho việc tổ chức sản xuất cả năm. Đót khai thác vào thời điểm nầy
có chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất, nếu hộ nào ít vốn không đủ mua dự trữ
thì lúc cần sản xuất mới
Bà Từ Thị Thu Trinh, là chủ cơ sở sản xuất chổi đót cho biết, cơ sở
sản xuất chổi đót có 8 lao động, mỗi người thu nhập từ 100 ngàn đồng đến 120
ngàn đồng/ngày.
Trong những năm gần đây chổi đót truyền thống ở xã Duy Trinh còn
được một số công ty thương mại đặt hàng để xuất khẩu qua Đài Loan và một số nước
khác. Cơ sở của ông Nguyễn Nhất Tuấn ở Đội 13, thôn Chiêm Sơn sản xuất chổi đót
lớn nhất xã Duy Trinh với gần 30 người làm công, sản xuất đủ các loại từ chổi bện
mây truyền thống đến chổi quấn dây thép hoặc dây cước, cán thân đót hoặc cán nhựa
bắt vít…
Ông Nguyễn Nhất Tuấn. Chủ cơ sở sản xuất chổi đót Nhất Tuấn, xã Duy
Trinh chia sẻ: Nói chung thu nhập cao hơn
so với làm nông nghiệp. Hiện nay nghề ươm tơ ở Duy Trinh đã mất đi, nhưng đổi lại
có nghề vấn chổi đót có thể phát triển được kinh tế; góp phần phát triển ngành
nghề, giải quyết lao động nông nhàn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho lao động, góp
phần thực hiện tiêu chí về hình thức sản xuất xây dựng xã nông thôn mới”.
Ở thôn Chiêm Sơn cũng như nhiều thôn khác của xã Duy Trinh ngoài
việc vấn đót, còn có đông đảo bà con làm chổi chà bằng cây chổi có sẵn tại địa
phương. Chổi chà tiêu thụ khá mạnh, chủ yếu là thị trường nội địa tại các chợ,
bà con khắp nơi mua về quét tước sân, vườn, làm vệ sinh nơi công cộng rất hiệu
quả. Làng nghề chổi đót Chiêm Sơn, xã Duy Trinh nằm trên trục đường du lịch Hội
An- Mỹ Sơn, nên thường có khách du lịch người nước ngoài ghé vào tham quan, tỏ
ra rất thích thú.
“Để nghề sản xuất chổi đót tiếp tục
duy trì và được nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống, địa phương đang lập
các hồ sơ đề nghị ngành chức năng hỗ trợ và tạo điều kiện để công nhận làng nghề
truyền thống vấn chổi tại thôn Chiêm Sơn. Trên cơ sở công nhận làng nghề truyền
thông, địa phương tiếp tục xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, đăng ký thương hiệu
để ngành nầy tiếp tục phát triển hiệu quả, nâng cao thu nhập”- Ông Đoàn
Công Vân- Phó chủ tịch UBND xã Duy Trinh khẳng định như vậy.
Ở những làng chổi khác, bám trụ với nghề chỉ có người già, phụ nữ,
còn ở Chiêm Sơn vẫn có người trẻ tuổi. Ở đây, làng nghề đã tận dụng những lao động
nông nhàn, còn giúp cho đời sống người dân thêm khấm khá. Bằng cách làm ăn theo
sản phẩm, trung bình mỗi người cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng/ngày dù
làng nghề vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nếu làng nghề được vực
dậy thì sẽ đẩy mạnh được việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hơn nữa, không chỉ nằm trên tuyến du lịch Hội An – Mỹ Sơn, ngoài làng nghề chổi
đót, làng Chiêm Sơn có nhiều di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia như lăng Đoàn Quý
Phi, Mạc Thị Giai, chùa Vua, dinh bà Chiêm Sơn, di tích khảo cổ học Triền
Tranh, Gò Lội – Gò Lụi, khảo cổ học Gò Gạch. Như vậy, việc phát triển làng nghề
vấn chổi đót Chiêm Sơn cũng là tạo thế mạnh
cho phát triển du lịch của xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng
Nam nói chung./.
Quang Giác