Xã Duy
Tân có tổng diện tích đất lúa là 280 ha, đa phần số thửa nhỏ, manh mún, diện
tích đồi gò nhiều, 60% số diện tích là ruộng bậc thang.
Toàn xã có 1453 hộ dân
trong đó 90% là sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết cơ bản tình trạng ruộng đất
manh mún và phân tán, góp phần thực hiện cơ giới hoá, giải phóng sức lao động,
giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Xã Duy
Tân đã thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, đầu tiên chọn làm điểm thôn Thu
Bồn Đông vào năm 2006, bởi ở đây phần lớn diện tích các cánh đồng đều bằng
phẳng là điều kiện thuận lợi để làm điểm
và sau đó nhân rộng ra toàn xã. Sau thời gian thực hiện dồn điền đổi thửa đến
nay toàn xã đã thực hiện được 15/ 18 tổ sản xuất với trên 1.200 hộ nhận
đất với tổng diện tích là gần 230 ha. Còn lại 3 tổ với trên 50 ha nữa sẽ phấn
đầu hoàn thành vào cuối năm 2014.
Nhờ dồn
điền đổi thửa, Duy Tân có điều kiện để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá
tập trung phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương, góp phần làm tăng hiệu
quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Dồn đổi đất đã góp phần đưa số thửa canh tác
của hộ giảm, các thửa ruộng có chiều ngang từ 20 - 50 m thuận tiện cho việc
canh tác bằng máy móc và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cũng từ thực hiện dồn điền đổi thửa, Duy Tân đã quy hoạch lại được hệ thống
thuỷ lợi, giao thông nội đồng thuận tiện cho sản xuất và thu hoạch, nhất là vận
chuyển sản phẩm thu hoạch giảm được rất nhiều sức lao động.
Những con đường giao thông nội đồng lầy
lội mỗi khi mưa gió trước đây nay đã được nâng cấp, đổ bê tông phẳng lì, máy
móc vào đến tận bờ ruộng. Một nông dân vui vẻ cho biết: Trước đây gia đình anh
có 5 sào lúa nằm phân tán trên 3 cánh đồng với khoảng cách khá xa. Mỗi khi vào
vụ sản xuất, chỉ riêng việc kéo phân đi bón lót rồi “chạy đi” phun thuốc trừ
sâu cũng mệt chứ chưa nói đến đến những khó khăn trong quy trình thâm canh,
theo dõi sâu bệnh và thu hoạch. Còn bây giờ, từng ấy diện tích được dồn lại một
nơi nên rất thuận lợi cho sản xuất, lại có hệ thống giao thông, kênh mương tưới
tiêu nên rất thuận lợi.
Hiện nay, xã Duy Tân đã quy hoạch được
2 vùng chuyên canh sản xuất lúa giống với gần 15 ha chủ yếu là giống Khang dân
18, HT1 và một số diện tích cây mầu như Đậu phụng, đậu xanh, Ngô, ớt...,hàng
năm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nhân dân, xây dựng cánh
đồng mẫu lớn với diện tích gần 20ha tại thôn Thu Bồn Đông. Sau dồn điền đổi
thửa, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã xây dựng bê tông
được 3,5 km đường nội đồng, mặt đường rộng 3,5 m và 12km kênh mương cấp 1, cấp
2 phục vụ cho tưới tiêu, ngoài ra đã đắp mới gần 5 km giao thông nội đồng. Với
hiệu quả sau dồn điền đổi thửa, kinh nghiệm ở Duy Tân cho thấy Đảng bộ, chính
quyền xã đã luôn đề cao công tác tuyên truyền, vận động, kiên trì thuyết phục
để người nông dân hiểu được lợi ích của việc dồn điền đổi thửa nên công tác này
đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.
Một điều
đáng ghi nhận ở Duy Tân trong triển khai công tác dồn điền đổi thửa đó là sự
chủ động, tập trung cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, không trông
chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Thiết nghĩ, đây là kinh nghiệm hay để
các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thành công
trong công tác dồn điền đổi thửa cùng bài học lớn rút ra là phải huy động sự
đoàn kết thống nhất toàn dân góp phần để Duy Tân ngày càng vững vàng trong thực
hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Hồ Ngọc
Tuấn – Cán bộ VHXH Duy Tân