Chỉ với hai ngàn đồng Việt Nam, một món tiền đôi khi không đủ để gửi xe nhưng lại đủ cho một bữa ăn sáng khá tươm tất với món mì chay đặc biệt. Nó đặc biệt bởi những giá trị nhân văn từ ý tưởng đến hành động của một người chủ quán có số phận vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nhưng ẩn chứa bên trong là một tâm hồn cao thượng, luôn sống vì mọi người.
Chị em cùng nấu mì chay ở nhà anh Ninh. A nhr: Hồ Hằng
Ngôi nhà nhỏ nhắn của hai mẹ con anh Trần Phước Ninh tại thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, cách cây Đa chợ Đình tầm 100m về phía Tây vẫn luôn nhộn nhịp người lui tới, người lớn đến uống cà phê sáng, các em học sinh đến đọc sách, học thêm Anh văn miễn phí, người đến mua vài bó nhang hay chỉ đơn giản là mua vài gói mì tôm…Có những người đến chỉ để thăm và trò chuyện cùng anh chủ quán tốt bụng, đầy nghị lực sống. Tấp nập hơn cả là vào sáng mùng một và ngày rằm hằng tháng, người ta đổ xô đến để được thưởng thức món mì chay 2000 đồng.
Lần nào cũng vậy, ngay từ tờ mờ sáng sớm, các thành viên trong xóm đã tự nguyện tập trung đến nhà để giúp anh Ninh chuẩn bị mọi thứ cần thiết đảm bảo phục vụ bữa ăn sáng cho mọi người, kẻ lặt rau, người nấu nước nhưn, soạn bàn ghế, bát dĩa ra hiên nhà…chẳng mấy chốc, mọi việc đã đây vào đấy. Họ cùng xúm lại gói hơn 40 xuất mì chay miễn phí và phân công nhau đêm đến tận nhà cho các cụ thường xuyên ốm đau, già yếu, neo đơn, đi lại khó khăn. Bà Bùi Thị Tương, một trong số các cụ được nhận mì chia sẻ: “ Hơn một năm nay, tháng nào cũng hai lần tôi được nhận mì chay mà các thành viên từ thiện từ quán chú Ninh mang đến nhà. Tôi vui lắm, trông cho chú khỏe mạnh, duy trì được việc tốt đẹp ni để những người yếu thế như tụi tui được nhờ”.
Tô mì chay đậm đà nghĩa tình. Ảnh: Hồ Hằng
Chị Nguyễn Thị Châu, một trong những người hàng xóm lâu nay vẫn đồng hành cùng quán mì anh Ninh hồ hởi cho biết: “Anh Ninh tội lắm, hoàn cảnh của anh ấy cũng không mấy đủ đầy, phải nuôi mẹ già hơn 80 tuổi, bản thân anh tật nguyền, đứng còn không vững, nói năng ngọng nghịu mà kêu gọi quyên góp rồi đi làm từ thiện. Từ thiện kiểu Trần Phước Ninh mà! Ảnh kêu hồi trước làng xóm đã đùm bọc ảnh trong cơn khốn khó. Chừ cũng đỡ rồi, ảnh ưng làm chuyện chi để tri ân, góp phần nào đó cho quê hương. Tội! Ảnh chắt chiu từng đồng mà mọi người ủng hộ, quyên góp, mở sổ ghi chép bày bản lắm! Ai cho chi, góp bao nhiêu ảnh vô sổ hết, công khai cho mọi người coi luôn. Rứa đó, chớ nghe nói nơi mô có chuyện thương tâm là ảnh “cà thọt cà nhắc” tới. Thấy anh Ninh rứa đó mà còn làm được nhiều việc tốt nên mấy chị em bảo nhau tới cùng hỗ trợ anh ấy”. Dứt lời, chị Châu nhanh nhẹn cho biết thêm “Vui lắm! Có hôm chị đi chợ về nấu mì, mấy chị em tiểu thương ở chợ Nam Phước quen quá rồi, biết chị mua quán anh Ninh nên có chị gửi cho vài ký cà rốt, chục lát đậu khuôn, mấy chai xì dầu, có chị còn cho cả can dầu phụng 5 lít nữa…có hôm mấy chị em trong xóm cùng kéo nhau đi giật búp chuối nhà nào đấy cho để về làm rau sống, tiết kiệm được chừng mô hay chừng nấy!”.
Chị Nguyễn Thị Quyến trực tiếp đứng bếp tại quán cho hay “Mỗi bữa bắt đầu bán từ 5 đến hơn 7 giờ sáng là hết trơn mì luôn, rứa mà bán được lắm, rẹt rẹt là hết 40 ký mì liền, tính luôn hơn chục ký mang đến miễn phí cho các cụ già yếu, neo đơn rồi, còn lại bán tại quán, có người đến ăn xong rồi mua đem về cho những người ở nhà nữa. Bình thường một tô như ri bên ngoài bán phải hơn 10.000 đồng nhưng quán chỉ bán 2000 đồng thôi. Ở đây không thu tiền, chỉ để cái thùng nhỏ nhỏ ở trước để mọi người ăn xong thì tự bỏ tiền vào thùng”. Nhìn những cụ già cười móm mém, tay run run cầm tờ 2000 đồng bỏ vào thùng, nụ cười trong trẻo của những đứa trẻ thơ khiến lòng tôi trào dâng một nỗi xúc động.
Để ý quan sát, tôi nhận thấy có khá nhiều những người khách đến quán, sau khi dùng xong tô mì thơm ngon, chất lượng ấy, họ lặng lẽ bỏ vào thùng những tờ tiền mệnh giá từ 10.000 đồng– 50.000 đồng và có người hào sảng cho vào thùng cả tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Thì ra, họ âm thầm lặng lẽ giúp người đàn ông tật nguyền duy trì lâu dài quán mì đầy ý nghĩa này. Phải chăng? Tính thực dụng, vô cảm dần mất đi, tôi càng có niềm tin vào lòng nhân ái, sự quan tâm, giúp đỡ người một cách vô tư, không vụ lợi của những người dân quê cuộc sống còn lắm cơ cực.
Anh Ninh cười hiền hòa“Tôi quan niệm hạnh phúc là cho đi, cho đi để nhận lại và hạnh phúc cũng là sự cảm nhận khi chúng ta biết yêu thương và sẻ chia. Vì thế, tôi quyết định mở quán mì chay 2000 đồng với mục đích quyên góp, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn và góp phần giúp đỡ những số phận cần được sẻ chia, những người già yếu, neo đơn, trẻ em nghèo…”Anh cho biết thêm, để duy trì được quán mì cũng như các hoạt động thiện nguyện khác, thời gian qua anh luôn nhận được sự hảo tâm từ bạn bè, anh em, các mạnh thường quân xa gần, kẻ ít người nhiều, họ luôn là điểm tựa để anh tiếp tục cống hiến, góp phần làm cho cây đời mãi xanh tươi.
Hồ Hằng