Trở về quê hương khi mang trên mình vết thương chiến tranh, ông Võ Đức Đâu (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vươn lên có cuộc sống khấm khá nhờ làm du lịch.
Ông Đâu đàn hát cùng khách du lịch. Ảnh: VĂN VIỆT
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khổ của Duy Vinh, như những thanh niên cùng trang lứa, năm 1984 ông Võ Đức Đâu lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông trúng bãi mìn của địch và mất đi một chân.
Trở về quê hương với thương tật 71%, ông Đâu gặp nhiều khó khăn để bắt đầu cuộc sống mới. "Khi mới trở về với thân hình không lành lặn, tôi rất buồn. Dù không đến nỗi tuyệt vọng, nhưng suy nghĩ rất bi quan. Được sự động viên của người thân và bạn bè, hơn hết nhìn thấy nhiều đồng đội của mình còn nằm lại trên nước bạn nên đã cho tôi động lực sống tiếp" - ông Đâu tâm sự.
Tàn nhưng không phế, ông Đâu bắt đầu đi học nghề cắt tóc. Sau đó lập gia đình với một người phụ nữ đồng cảm với hoàn cảnh với mình. Trải qua nhiều nghề, nguồn thu nhập ít ỏi ở vùng quê nghèo không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình.
Những năm 90 của thế kỷ trước, sau nhiều lần bàn bạc cùng vợ, ông quyết định vay 5 triệu đồng để đầu tư xây hầm biogas, nấu rượu, nuôi heo - đây cũng là bước ngoặt đối với gia đình ông. Nguồn thu nhập từ việc nấu rượu, nuôi heo khá ổn định, cuộc sống gia đình từng bước nâng lên.
Sản phẩm rượu mang thương hiệu của ông Đâu. Ảnh: VĂN VIỆT
Cơ duyên đến với du lịch của ông bắt đầu từ năm 2007. Đó là một lần tình cờ sau cuộc trà dư tửu hậu, ông ký kết, nhận giấy chứng nhận hợp tác và phát triển bền vững du lịch cộng đồng với Công ty Du lịch In Partnership with Vespa Adventures.
Sau khi ký kết hợp đồng, lò rượu thủ công của ông được nâng cấp và công nhận là nhà nấu rượu truyền thống của tour du lịch cồng đồng làng quê. Qua nhiều lần tìm hiểu, tham khảo ý kiến, cùng với sự giúp đỡ của một công ty, năm 2015 ông cho ra đời thương hiệu rượu Rice Wine Mr Đâu.
Để có được những kết quả này, ông Đâu chia sẻ, rượu ngon phải tùy thuộc vào cách trộn men khoa học. Với riêng ông, loại men Làng Vân (Đà Nẵng) là sự lựa chọn hàng đầu. Thêm nữa, gạo nấu rượu thì phải chín đều, không khô hay nhão, khi trộn men cần phải đều tay. Mọi dụng cụ để ủ men và nấu rượu cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trung bình mỗi ngày ông nấu 3 nồi rượu. Đối với loại rượu 40 và 60 độ, ông đóng chai bán cho khách du lịch, mỗi chai có giá 50 - 80 nghìn đồng. Còn loại rượu 30 độ chủ yếu bán cho người dân địa phương với giá 11 nghìn đồng/lít.
Khách du lịch đến tham quan tại nhà ông Đâu. Ảnh: VĂN VIỆT
Nhiều năm trở lại đây, du lịch cộng đồng ở xã Duy Vinh phát triển khá tốt. Với sự ký kết từ nhiều công ty có tour du lịch cộng đồng, trung bình mỗi ngày ông Đâu đón 30 - 60 khách du lịch đến tham quan mô hình nấu rượu truyền thống. Du khách còn được trải nghiệm việc tắm heo, ngồi nghe ông Đâu đàn hát, kể chuyện về cuộc đời mình. Những ngày cao điểm, nhà ông đón cả trăm lượt khách.
Anh Clint Morgan (du khách Mỹ) chia sẻ: "Tôi được bạn bè chia sẻ và đã dùng thử loại rượu Mr Đâu khi còn ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cách làm ra loại rượu này. Tôi sẽ quay lại nơi này nếu tôi đến Việt Nam lần tiếp theo".
Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, ông Đâu là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó của người lính Cụ Hồ. Về mô hình nấu rượu truyền thống của ông Đâu, đây là mô hình tiêu biểu cần nhân rộng trong bối cảnh du lịch cộng đồng tại Duy Vinh ngày càng khởi. Những điểm du lịch này sẽ là động lực để địa phương tiếp tục phát triển.
VĂN VIỆT