Năm năm qua,
thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng của Duy Xuyên là kết quả thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Khương - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, các doanh nghiệp
nước ngoài đầu tư vào làm ăn ở Duy Xuyên đều có chung nhận xét: “Chính quyền
địa phương rất thân thiện”.
Mở cửa gọi mời
Lễ khởi công nhà máy sản xuất sợi chỉ ở Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung). Ảnh: H.T
Chỉ chưa đầy ba năm, Duy Xuyên đã thu hút
được 10 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 850 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án FDI
với tổng vốn 39 triệu USD, tổng diện tích đất sạch đã giao cho các doanh nghiệp
hơn 50ha. Có 20 doanh nghiệp ngành dệt may và 13 doanh nghiệp ngành sản xuất
vật liệu xây dựng và cơ khí đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở các Cụm công
nghiệp Tây An (Duy Trung), Đông Yên (Đông Yên), Gò Mỹ (Duy Tân), giải quyết hơn
7.715 lao động địa phương. Nhiều chàng trai cô gái Duy Xuyên không còn tha
phương để tìm kiếm việc làm mà quay về quê nhà vào làm việc ở các phân xưởng,
nhà máy. Phương châm “ly nông bất ly hương” đã hiện hữu một cách sinh động trên
vùng đất Duy Xuyên. Năm năm qua, tổng giá trị ngành công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp Duy Xuyên đạt 9.233 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 22,7%/năm, vượt 0,7%
so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng phòng
Kinh tế - hạ tầng Duy Xuyên cho biết, để đạt được những thành quả trong phát
triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua địa phương đã nỗ lực
đẩy mạnh và đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư bằng việc làm cụ thể,
khả thi, như chủ động xác định địa điểm một số dự án cần kêu gọi đầu tư, nhất
là những dự án đầu tư ngoài cụm công nghiệp để giúp nhà đầu tư rút ngắn thời
gian đưa ra quyết định đầu tư. Hàng năm UBND huyện đều tổ chức họp mặt, đối
thoại với các doanh nghiệp để nắm tình hình sản xuất - kinh doanh, giải quyết
các vướng mắc, chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Không những
thế, Duy Xuyên còn coi trọng cung cấp thông tin, quảng bá trên các phương tiện
thông tin đại chúng về chính sách ưu đãi đầu tư, tuyển dụng lao động, phối hợp
tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại.
Thành công trong thu hút đầu tư còn có yếu
tố quyết định, đó là sự năng động, sáng tạo, tinh thần, thái độ, trách nhiệm và
tâm huyết với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Cơ chế “một cửa” và “một
cửa liên thông”, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư,
kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết suôn sẻ, nhanh chóng công tác
bồi thường, giải phóng mặt bằng... Đây thực sự là “cánh cửa” luôn luôn mở để
thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Duy Xuyên làm ăn. Ông Nguyễn Công Dũng -
Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Việc thu hút các nhà đầu tư vào Duy Xuyên
để làm ăn theo phương châm “Chúng ta sẵn sàng đáp ứng những gì các doanh nghiệp
cần chứ không phải những gì chúng ta có”. Chính quyền không chủ quan, ngồi nhờ
cơ hội tự nhiên đến mà vận hành năng động, linh hoạt trong cơ chế, chủ động
trong thu hút đầu tư”.
Xây dựng nguồn nhân lực
Trong công tác thu hút đầu tư của Duy
Xuyên bên cạnh sự thành công còn đặt ra nhiều thách thức. Lần đầu tiên, Duy
Xuyên đối mặt với khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động cho sự phát triển các dự
án đầu tư công nghiệp trên địa bàn. Một bài toán hóc búa đang đặt ra cho chính
quyền huyện là thiếu hụt hàng nghìn lao động có tay nghề. Theo kế hoạch mở rộng
sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn đang cần tuyển dụng khoảng 4.700 lao
đông, nhưng nguồn lao động có tay nghề tại địa phương không đáp ứng được. Đơn
cử Công ty TNHH MTV SEDO VINAKO (Hàn Quốc) cần tuyển dụng hơn 1.000 lao động;
Công ty TNHH HiTech Việt Nam APPAREL (Thái Lan) cần tuyển dụng 790 lao động;
Công ty TNHH Phước Hữu Duyên cần tuyển dụng 650 lao động... Công ty TNHH Sản
xuất sợi chỉ Rio (Hàn Quốc) đang gấp rút xây dựng nhà máy trên mặt bằng 4,5ha,
công suất 300.000 tấn sợi chỉ/năm với vốn đầu tư khoảng 6 triệu USD. Dự kiến
đầu năm 2016 công ty này sẽ đi vào sản xuất, cần tuyển 500 lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, chính quyền
huyện Duy Xuyên đang đề ra nhiều giải pháp về thu hút lao động tại địa phương,
gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phấn đấu đến năm 2020
có 80% lao động phi nông nghiệp. Cụ thể, địa phương đổi mới phương thức, kết
hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho lao động hiệu quả, theo
phương châm đào tạo những nghề doanh nghiệp cần; thực hiện tốt công tác xúc
tiến đầu tư, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo
về điều kiện và môi trường đầu tư của huyện; mở rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư
có tên tuổi hoặc có độ tin cậy cao, có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ
trợ đầu tư vào làm ăn ở Duy Xuyên. Ngoài ra địa phương tập trung nguồn lực hoàn
thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Tây An (Duy Trung), Đông Yên (Duy
Trinh), Cồn Đu (Duy Châu), Gò Mỹ (Duy Tân), Lang Châu (Duy Phước)... Chính
quyền sẽ vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh duy trì ổn định các ngành nghề hiện
có, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành may mặc, gia công da giày.
Duy Xuyên sẽ gia tăng năng lực quản lý, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về
thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh khuyến công, đào tạo nghề… đáp ứng nhu
cầu lao động có đủ tay nghề cho các dự án nâng cao năng lực sản xuất…
HOÀNG THƠ