Đã có thời gian, làng nghề dệt Duy Trinh (huyện
Duy Xuyên)
đứng trước nguy cơ bị thất truyền bởi sản xuất không hiệu quả. Bằng nỗ lực của Ban quản trị Hợp tác xã Dệt may Duy Trinh (HTX Duy Trinh), trải qua nhiều khó khăn thách thức, đến nay làng nghề dệt có tuổi đời hơn 300 năm này đã được vực dậy.
Hỗ trợ vốn, lo đầu ra
Thời gian này, về làng dệt Duy Trinh đâu đâu cũng nghe tiếng máy dệt vang lên. Đã có nhiều hộ vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu bằng chính nghề truyền thống của mình. “Đã có lúc tưởng chừng như phải bỏ nghề dệt bởi không tìm được đầu ra cho sản phẩm, mua nguyên liệu thì đắt mà bán sản phẩm thì giá lại thấp. Nay có sự hỗ trợ từ phía HTX Duy Trinh trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, hỗ trợ người dân trong công việc nên đời sống của bà con cũng đỡ hẳn” - ông Hồ Viết Hải (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh) cho biết.
|
Nhờ chính sách hỗ trợ của HTX Duy Trinh, nhiều nông dân đã cải thiện được kinh tế gia đình từ nghề dệt. Ảnh: N.D |
Theo bà Nguyễn Thị Thoại, Chủ nhiệm HTX Duy Trinh, toàn xã có 70 hộ dân tham gia sản xuất dệt lụa cho HTX Duy Trinh. Người dân chỉ lo dệt vải, còn việc tìm đầu ra cho sản phẩm thì đã có HTX lo. Đối với những hộ dân không có vốn để đầu tư, chuyển đổi từ máy dệt vải bằng gỗ sang dệt bằng máy thì HTX hỗ trợ nguồn vốn. Tùy theo hoàn cảnh của từng hộ, HTX sẽ có mức hỗ trợ từ 30 - 70% nguồn vốn để mua sắm máy móc. Số tiền này sẽ được trừ dần khi họ dệt thành phẩm và bán cho HTX. Có những hộ không có tiền, HTX sẵn sàng hỗ trợ 100% vốn vay để người dân duy trì năng suất sản xuất. Nhờ chính sách này, HTX Duy Trinh đã vực dậy được cả làng truyền thống có nguy cơ bị mai một. “Trước đây, không thể bám trụ với nghề vì sản phẩm bán ra thấp, lại không có thị trường tiêu thụ thường xuyên nên rất bấp bênh. Chúng tôi đã có lúc bỏ xứ vào Nam để mưu sinh. Nay có sự hỗ trợ từ HTX, kinh tế gia đình đã khá hơn” - chị Hồ Thị Nhị (thôn Phú Bông) nói. Gia đình chị Nhị có 4 máy dệt, bình quân mỗi tháng dệt được 4.000m vải, sau khi trừ chi phí thu nhập hơn 7 triệu đồng. Chị cho biết thêm: “Giờ dệt bằng máy nên khỏe lắm, chỉ phải đi đi lại lại xem đừng để bị lỗi là được. Ngoài thời gian dệt, nông dân còn tranh thủ thời gian rảnh để làm những việc khác, phụ giúp kinh tế cho gia đình, chứ như trước đây thì chỉ biết cắm cúi với mấy sào ruộng nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu…”.
Giữ chân người sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thoại, để có được những thành quả như ngày hôm nay Ban quản trị HTX đã phải nỗ lực hết sức để có thể đứng vững và ngày càng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Trong giai đoạn hiện nay, ngành dệt đang gặp phải những trở ngại đáng kể. Đầu ra của sản phẩm khó, giá thành không được cao nhưng lại đòi hỏi chất lượng phải tốt. Trong khi đó, nguồn vốn của HTX lại rất hạn chế, không đủ để nâng cấp, mở rộng quy mô máy móc, công nghệ. Đó là một rào cản cực kỳ lớn đối với ngành dệt. HTX đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những cơ sở dệt tư nhân. HTX phải nộp thuế đầy đủ, hàng phải đảm bảo chất lượng. Nhưng với tư nhân thì ít làm nghĩa vụ thuế nên có thể đưa ra giá sản phẩm thấp.
Trước đây, HTX Duy Trinh có 214 hộ ngoài xã viên tham gia dệt vải cho HTX nhưng nay chỉ còn 70 hộ bám trụ. Thực trạng này đang là một bài toán mà cả Ban quản trị HTX Duy Trinh cũng như Liên minh HTX tỉnh rất quan tâm. Bởi, để duy trì được một làng nghề truyền thống, cần phải giữ chân được những người tham gia vào HTX, tạo nên sức mạnh tập thể để phát triển. “Cũng không thể trách người dân, xã viên được bởi sự chênh lệch lợi nhuận buộc họ phải có sự lựa chọn. Tuy nhiên, họ quên mất một điều rằng, cái lợi đó chỉ là trước mắt. Với doanh nghiệp tư nhân có thể giá bán cạnh tranh hơn nhưng đó chỉ là khi thị trường cần nguồn vải, còn khi thị trường “đứng” thì họ dễ rơi vào tình trạng không có việc để làm. Còn HTX luôn tạo mọi điều kiện để người dân, xã viên có việc để làm, dù ít dù nhiều họ cũng không thiếu nguồn thu nhập. Ngay cả khi xã viên không có vốn để mua nguyên liệu, chúng tôi sẵn sàng bán nợ, sau khi dệt thành phẩm mới trừ tiền hàng vào đó…” - bà Thoại phân tích.
Theo ông Nguyễn Thanh Tài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để giữ chân xã viên, đòi hỏi người sản xuất phải có niềm tin hơn vào HTX. Cần xây dựng được một thị trường tiềm năng lớn, đủ sức thu hút người lao động tham gia. Bên cạnh đó, phải biết liên kết với các loại hình kinh tế khác để tìm đường phát triển chứ nếu chỉ đơn phương một mình HTX đương đầu với những thách thức hiện nay thì rất khó có thể đảm bảo. Ông Tài nói: “Trước mắt, HTX đã được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho vay 1 tỷ đồng để nâng cấp, sữa chữa máy móc phục vụ sản xuất. Việc tiếp theo là phải củng cố bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng chiến lược kinh doanh, đảm bảo được quyền lợi cho xã viên và người lao động. Khi đó mới có thể thu hút người dân tham gia vào phong trào HTX”.
Theo Báo Quảng Nam.