Kinh tế hợp tác ở huyện Duy Xuyên dù đạt được những kết quả khả quan nhưng nhìn tổng thể vẫn còn gặp khó khăn, cần kịp thời tháo gỡ nút thắt để tạo bước đột phá.
Những năm gần đây, nhiều HTX trên địa bàn Duy Xuyên đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: H.N
Hiệu quả nhờ liên kết
Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, mỗi vụ nông dân địa phương canh tác 490ha lúa, trong đó bố trí sản xuất gần 85ha nếp giống và lúa thương phẩm chất lượng cao theo hình thức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp. Mô hình này giúp nhà nông thu nhập tăng 25-30% so với canh tác lúa thường.
“Việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững” - ông Phước nói.
Những năm qua, hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác và HTX trên địa bàn Duy Xuyên đã góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đặc biệt từ khi Luật HTX năm 2012 ra đời, các đơn vị cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX từ 18 đơn vị năm 2012 nay tăng lên 33 HTX.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt xuất khẩu ở nhiều địa phương của Duy Xuyên mang lại hiệu quả khá cao. Ảnh: H.N
Theo ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, thời gian qua hầu hết HTX đã phát huy vai trò “bà đỡ” cho hộ nông dân trong các khâu dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất như làm đất, thủy lợi, cung ứng giống và các loại vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Nhiều HTX liên kết với doanh nghiệp và nông dân tổ chức sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm nếp giống, lúa giống, chăn nuôi heo, trồng nấm, dâu tằm, trồng ớt, sen.
Điển hình như HTX Duy Sơn, HTX Nông nghiệp Duy Hòa 2 liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống và nếp giống với quy mô diện tích khoảng 120ha/vụ; HTX Nông nghiệp Duy Thu và Duy Phú liên kết với người dân trồng một số loại cây ăn quả như ổi lê, bưởi da xanh với diện tích gần 60ha; HTX Nông nghiệp Duy Phú, Duy Thu liên kết với người dân trồng, tiêu thụ hạt sen với diện tích 71,7ha/vụ; HTX Nông nghiệp Lệ Bắc liên kết trồng ớt với diện tích 35ha/vụ. Hầu hết mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và các HTX.
“Hoạt động của các HTX ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là đầu mối chính liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tạo ra thương hiệu, chất lượng, chắp nối cho các sản phẩm nông sản của Duy Xuyên vươn ra thị trường” - ông Công nói.
Còn nhiều rào cản
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song so với tiềm năng, lợi thế của huyện Duy Xuyên thì tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa tương xứng.
Nguồn vốn và việc thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh là những rào cản lớn trong phát triển kinh tế hợp tác ở Duy Xuyên. Ảnh: H.N
Ông Nguyễn Chí Công nhìn nhận, hiện nay việc đổi mới mô hình kinh tế tập thể ở địa phương còn nhiều khó khăn; số lượng HTX tuy tăng nhưng số lượng thành viên bình quân có xu hướng giảm.
Đáng chú ý, ngành nghề hoạt động của phần lớn HTX chưa đa dạng, thiếu nguồn lực và chưa mạnh dạn huy động nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Đa số HTX có quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn của các thành viên còn thấp. Ngoài ra, HTX chưa khẳng định rõ nét vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường, lợi ích giữa HTX với các thành viên vẫn còn hạn chế…
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói, thời gian đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Luật HTX sửa đổi và các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đối với phát triển kinh tế hợp tác, HTX, nhất là Nghị quyết số 19 (ngày 16/6/2022) của Trung ương Đảng về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên…
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ đã và đang tạo nhiều cơ hội cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giải quyết bài toán việc làm, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững” - ông Phúc nói.
Hoài Nhi