A+ A A-

Duy Xuyên gỡ vướng trong liên kết sản xuất

         Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Duy Xuyên gặp khó khăn khi triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, cần sớm có giải pháp khắc phục.

           

Trong 2 năm gần đây, chuỗi liên kết sản xuất ớt ở xã Duy Châu (Duy Xuyên) đã bị đứt gãy. Ảnh: NGUYỄN SỰ

            Nhiều vướng mắc

           Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho rằng cơ chế chia sẻ lợi nhuận - rủi ro còn khá chênh lệch nên việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa thật sự mặn mà. Đặc biệt, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn nhiều trở lực như cơ chế, chính sách chưa cụ thể, rõ ràng. Người dân lo ngại mất đất nên không mạnh dạn cho thuê đất...

           “Do thu nhập từ nông nghiệp thấp, bấp bênh, rủi ro cao nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vô cùng khó khăn. Đáng chú ý, do thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, chế biến sâu nên chưa đa dạng các sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng” - ông Hải nói.

          Theo ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Duy Xuyên, ruộng đất thuộc quyền sử dụng của hộ nông dân và thói quen canh tác tự phát là rào cản trong hợp tác sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Vì vậy, việc tiếp cận và tích tụ đất đai của doanh nghiệp, HTX tham gia phát triển chuỗi còn bất cập, hạn chế dẫn đến chưa thể mở rộng liên kết.

          Cạnh đó, công tác triển khai liên kết chuỗi giá trị ở một số địa phương chưa chủ động, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng phát triển cụ thể và sự kiên trì cần thiết.

         

Thời gian qua, xã Duy Sơn (Duy Xuyên) ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng nhằm phục vụ phát triển các mô hình liên kết sản xuất. Ảnh: PHI THÀNH

           Khi gặp sự cố bất lợi thì không có biện phá khắc phục để tiếp tục sản xuất theo thời gian quy định đã được phê duyệt như tại các xã Duy Thành, Duy Sơn, Duy Vinh. Đặc biệt, những năm qua tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với lúa giống, ớt, kén tằm, sen… vẫn xảy ra tại các xã Duy Phước, Duy Tân, Duy Châu, Duy Thu...

         Tại hội thảo đánh giá chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm do UBND huyện Duy Xuyên vừa tổ chức, nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp và HTX cho rằng, hiện nay việc liên kết vẫn còn lỏng lẻo, chủ yếu dựa trên thỏa thuận ngắn hạn.

        Chất lượng sản phẩm liên kết chưa đồng đều bởi việc áp dụng những tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế. Nguồn vốn và công nghệ, đặt biệt là công nghệ sau thu hoạch vẫn chưa được quan tâm, khó tiếp cận tín dụng ưu đãi...

           Đồng bộ giải pháp

         Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh cho rằng, để mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, cần tăng cường liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”, đảm bảo đầu vào - đầu ra.

            

          Những năm qua, mô hình liên kết sản xuất nếp thương phẩm ở xã Duy Thành (Duy Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Ảnh: NGUYỄN SỰ

          Mặt khác, mở rộng diện tích vùng trồng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

         Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, trước hết cần thực hiện tốt khâu quy hoạch, bố trí sản xuất nông nghiệp trên cơ sở dự báo nhu cầu và cơ chế thị trường, chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, lấy số lượng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng nông sản.

         Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Không ngừng củng cố, đổi mới hoạt động của các HTX nông nghiệp để thực sự là “bà đỡ” cho nông dân phát triển sản xuất...

              “Để nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ thì trước hết tỉnh, Trung ương cần xem xét, tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu. Đó là, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sự thông thoáng trong tiếp cận chính sách đất đai.

         Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa như tài chính, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị chế biến sâu… để tạo đòn bẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” - ông Phúc nói.

         Tính đến nay, toàn huyện Duy Xuyên đã có 37 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp được triển khai. Tổng kinh phí thực hiện số dự án/kế hoạch nêu trên hơn 26 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ 4,8 tỷ đồng. Các dự án/kế hoạch liên kết sản xuất thu hút 6 HTX, 8 doanh nghiệp và 1.182 hộ nông dân tham gia vào chuỗi. Thời gian đến, Duy Xuyên phấn đấu tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm nghiệp - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt hơn 30%.

Nguyễn Sự- Phi Thành

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

22024103
Hôm nay
Hôm qua
4673
7455