Hiện đang là thời điểm giá ớt tươi cao ngất ngưởng nhưng trên nhiều cánh đồng ớt ở Lệ Bắc, Lệ An, Thanh Châu, Thọ Xuyên (xã Duy Châu, Duy Xuyên) lại mất mùa. Bên cạnh yếu tố thời tiết, việc chọn trồng giống ớt trôi nổi là nguyên nhân dẫn đến mất mùa.
Thời điểm này, nông dân ở các thôn Thanh Châu, Lệ Bắc, Lệ An, Thọ Xuyên đứng ngồi không yên khi nhiều ruộng ớt đang mùa thu hoạch bỗng chết cây, còi cọc, cây chỉ cao bằng 1/3 so với cây ớt mọi năm, dù đã nỗ lực chăm tưới. Đầu vụ, giá ớt tươi từng lên tới 35 - 37 nghìn đồng/kg, cao ngất ngưỡng, song nhà nông lại rầu lòng vì ớt mất mùa. Trên các cánh đồng này, trong khi một bộ phận nông dân nhờ chọn đúng giống, chăm sóc tốt đã có vụ mùa bội thu thì lại có không ít hộ điêu đứng khi các cánh đồng ớt thất thu. Bên cạnh yếu tố thời tiết, việc mua giống ớt trôi nổi từ tiểu thương trên địa bàn để ươm trồng là nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa. Dù đang ở thời điểm đầu vụ nhưng nhiều ruộng ớt đã có dấu hiệu già cỗi, cây thấp lùn, chết héo, trái rụng nhiều.
Loay hoay trên ruộng ớt còi cọc, bà Đào Thị Nghiệp (thôn Thọ Xuyên) nói: “Với 2 sào ớt trúng như mọi năm, tôi thu hơn 4,5 tấn. Với giá ớt 20 nghìn đồng/kg tươi, tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng nhưng do ớt không có trái nên số tiền thu được chỉ đủ trả tiền giống, vật tư”. Cũng theo bà Nghiệp, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, nhiều ruộng ớt trôi hết giống nên nông dân ở Thọ Xuyên phải đi khắp nơi mua giống để xuống đồng. Các đại lý không có nguồn giống nên nông dân chấp nhận mua giống của đầu nậu. “Tôi mua giống của bà Sáu Bê ở thôn Thanh Châu, bao bì ghi toàn chữ lạ không đọc được nên tôi cũng chẳng biết đó là giống gì, chỉ nghe nói giống tốt, được trái lắm nên tôi mua. Chừ ớt không có trái, lại chết dần chết mòn, khổ!” - bà Nghiệp nói. Rất nhiều người dân ở Thọ Xuyên như ông Hồ Hành, Lương Ngọc Thạch… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như bà Nghiệp.
Tại các cánh đồng Thanh Châu, Lệ An, Lệ Bắc, chỉ một số hộ dân trúng đậm với cảnh được mùa, được giá, còn các hộ khác ruộng ớt đều không đạt năng suất. Lão nông Hồ Văn Khương (thôn Lệ An) cho biết, do thiếu giống ớt nên ở Lệ An có nhiều hộ trồng tới 3 -4 loại giống cùng một chân ruộng nên hầu hết bị thất thu. Theo ông Nguyễn Thế Văn (thôn Lệ An), cơ sở Sáu Bê cung ứng giống cho cả mấy thôn, cũng là mối thu mua ớt quen của nông dân nên ai nấy “ngã ngửa” khi gặp giống không đảm bảo chất lượng. “Cũng vì thiếu giống ớt mà ra. Nghĩ chỗ làm ăn lâu năm, ớt nông dân làm ra cũng bán cho họ nên ai nấy tin tưởng vào lời quảng cáo giống ớt của họ” - ông Văn nói. “Chúng tôi mong ngành nông nghiệp vào cuộc kiểm soát gắt gao vấn đề giống trôi nổi ngoài thị trường. Liên tục nhiều năm cứ đến vậy thì giống ớt lại khan hiếm, các đại lý không có bán và giá ớt cao gấp rưỡi, gấp đôi ở đầu vụ, trong khi tiểu thương cần mấy lại có mấy. Tiểu thương gần như thao túng cả thị trường, giá cả tự họ quyết định, thu mua hay không cũng tùy ở họ” - ông Văn bức xúc.
TRIÊU NHAN