Những năm qua, hội viên nông dân ở Duy Xuyên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần nâng cao đời sống và làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống hàng hóa giữa các doanh nghiệp với nông dân Duy Xuyên phát huy hiệu quả. Ảnh: H.N Trước đây, cuộc sống gia đình bà Đặng Thị Ngọc Ánh ở thôn Lang Châu Nam (xã Duy Phước) chủ yếu dựa vào 6 sào ruộng lúa và hoa màu nên thu nhập chẳng là bao. Năm 2013, bà Ánh tình cờ gặp gỡ một số lãnh đạo công ty chuyên về liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với nhà nông. Nắm bắt cơ hội, bà Ánh mạnh dạn ký hợp đồng với doanh nghiệp về việc thực hiện mô hình này. Sau đó, bà vận động một số hộ nông dân ở địa phương tham gia sản xuất lúa giống hàng hóa cung ứng cho doanh nghiệp. Ban đầu, bà Ánh bố trí sản xuất 2ha trên một số diện tích đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.
“Từ năm 2014 đến nay, mỗi vụ tôi trực tiếp liên kết với nhiều hộ dân ở các thôn Hà Nhuận, Triều Châu, Lang Châu Nam của xã Duy Phước bố trí sản xuất 35ha lúa giống để cung ứng sản phẩm cho các công ty. Thực tế cho thấy, bình quân hằng vụ, 1ha lúa giống mang lại cho nông dân mức thu nhập hơn 55 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng/ha so với làm thóc thịt” - bà Ánh nói. Ngoài việc tham gia liên kết sản xuất lúa giống và chăn nuôi gia súc, hiện nay bà Ánh còn buôn bán một số mặt hàng nông sản chủ lực tại địa phương. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm gia đình bà Ánh lãi ròng 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Công – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên cho biết, thời gian qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đã tạo sự gắn kết giữa nhà nông với nhà nước – nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và bước đầu đã hình thành một số chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài việc mở 5 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác sản xuất nhang sạch Mỹ Sơn (Duy Phú), tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh (Duy Thu), tổ hợp tác may gia công (Duy Tân)... Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở ở Duy Xuyên còn vận động trao tặng quà, sổ tiết kiệm, sinh kế cho những hộ nông dân nghèo với tổng số tiền 120 triệu đồng.
Đặc biệt, các xã Duy Phước, Duy Sơn, Duy Thành hỗ trợ xây dựng 3 mái ấm nông dân trị giá 130 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Duy Xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thẩm định và giải ngân cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh với tổng dư nợ hiện đang quản lý hơn 99 tỷ đồng... Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2019, toàn huyện giúp đỡ 29 hội viên nông dân nghèo thoát nghèo bền vững.
Qua thống kê, đến nay toàn huyện Duy Xuyên có 6.880 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Để phong trào này tiếp tục tạo sức lan tỏa rộng khắp và đi vào chiều sâu, theo ông Công, thời gian tới các cấp Hội Nông dân ở huyện Duy Xuyên sẽ tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời nỗ lực huy động các nguồn lực tài chính để nông dân tiếp cận dễ dàng những kênh vốn vay ưu đãi và đẩy mạnh hoạt động khuyến công - khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp nông dân phát triển mạnh kinh tế hộ.
HOÀI NHI