A+ A A-

Duy Thành: Tôm chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề

          Nếu như những năm về trước, bà con nuôi tôm ở xã Duy Thành ăn nên, làm ra vì tôm đạt năng suất cao, thì hai năm gần đây, người nuôi tôm thất thu, thua lỗ nặng. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, ước tính thiệt hại số ao nuôi tôm của các hộ dân, tôm bị chết hàng tỷ đồng.

          Quảng Nam: Tôm chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề

Ông Nguyễn Văn Dũng buồn bã cho biết ao nuôi tôm của gia đình mình chết sạch.       

         Ông Võ Tấn Thương (54 tuổi), trú thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành tâm sự: Trước đây nhiều hộ  nuôi tôm nước lợ ở vùng ven xã Duy Thành làm ăn rất hiệu quả. Thế nhưng, 2 năm qua mà nhất là từ đầu năm 2019 đến nay việc nuôi tôm bất thành đã khiến họ lâm nợ nần.

         Ông Thương cho biết: “Với 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 4.000m2, sau khi cải tạo kỹ ao, từ đầu năm 2019 đến nay gia đình ông thả khoảng 20 vạn con tôm giống. Nhưng đợt nào cũng vậy, sau một thời gian tôm bắt đầu chết hàng loạt, thiệt hơn 70 triệu đồng”.

          Nét mặt buồn rầu, ông Thương cho biết thêm: “Nếu 2 ao hồ nuôi tôm của gia đình ông không bị dịch bệnh chết thì sau khoảng 3-5 tháng, gia đình thu được khoảng 1 tấn tôm, với giá bán hiện nay hơn 100 ngàn đồng/1kg tôm thì ông lời vài trăm triệu đồng. Nhưng giờ tôm trong ao nuôi chết sạch không còn gì cả, trắng tay”.

          Cách đó không xa, 3 ao nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi), trú thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Dũng cho hay: “Những năm qua, tôm của gia đình tôi nuôi liên tiếp bị chết. Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay, tôi thả nuôi 15 vạn con tôm giống, cải tạo ao, với chi phí khoảng 30 triệu đồng, tuy nhiên, không hiểu sao sau hơn 34 ngày các con tôm giống trong ao nhảy lên mặt nước rồi chết hàng loạt. Vì vậy, tôi bỏ ao hoang cho đến nay. Việc nuôi tôm thua lỗ, tôi mắc nợ ngân hàng 20 triệu đồng”.

          Theo ông Dũng, ban đầu ông thấy vỏ tôm có màu trắng nhợt nhạt, tiếp đến tôm lờ đờ, ruột rỗng vì không chứa thức ăn, giống như tôm bị mắc bệnh đốm trắng. Các triệu chứng xảy ra với tôm rất nhanh dù cho ông đã bổ sung nhiều khoáng chất, vitamin nhưng không thể cứu được.

          Còn anh Ngô Văn Hải (trú thôn An Lạc, xã Duy Thành) cho biết, gia đình anh đã 4 lần thả nuôi tôm giống trong 2 ao có tổng diện tích 1.500m2. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, sau hơn 1 tháng,  tôm bắt đầu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng kinh tế cho gia đình.

          Ông Ngô Văn Hải chia sẻ: “Sau mỗi lần thấy tôm xuất hiện những triệu chứng bất thường khiến tôm bị chết, tôi đã báo cho các ngành chức năng của huyện Duy Xuyên và lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam. Sau đó, cán bộ thủy sản đến lấy mẫu xét nghiệm. Các kết quả thông báo là tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng”.

          Trước tình trạng này, ông Lê Tấn Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Toàn xã có 53 hộ dân nuôi tôm, trên 28 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở hai thôn Nhơn Bồi (chiếm 80%) và thôn An Lạc (chiếm 20%). Những năm trước bà con nuôi tôm địa phương đạt năng suất cao, nhưng hai năm gần đây, người nuôi tôm địa phương thất thu, thua lỗ nặng. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, các hộ dân nuôi tôm bị thiệt hại khoảng hơn 1,5 tỷ đồng”.

          Về nguyên nhân, ông Bảo cho rằng: Do nguồn nước thả nuôi tôm trong ao bị ô nhiễm; đa số các ao nuôi tôm bằng đất nền, vì vậy, lượng chất thải nuôi tôm ra làm ô nhiễm trong lòng đất dẫn đến gây bệnh cho con tôm…

          Đại diện cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Duy Xuyên cho hay, toàn huyện Duy Xuyên có 128 ha diện tích mặt nước nuôi tôm; tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh tôm đốm trắng và các bệnh khác xảy ra chủ yếu trên địa bàn các xã gồm: Duy Thành, Duy Vinh và một số xã khác của huyện. Chính quyền huyện đã báo cáo với Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam đến kiểm tra lấy mẫu tôm chết đem đi xét nghiệm. Ngoài ra, thời gian qua, cơ quan chức năng huyện, tỉnh cũng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con địa phương.

          Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo thống kê ban đầu, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 100ha ao nuôi tôm bị dịch bệnh đốm trắng, bệnh do vi khuẩn hoại tử gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng và bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường. Theo bà Tâm, cán bộ Chi cục Thủy sản không thể thống kê hết diện tích nuôi tôm bị chết vì dịch bệnh.

Thành Nhân- Chí Đại

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19840644
Hôm nay
Hôm qua
2261
20945