Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên đang bước vào vụ thu hoạch bí đao. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá” lại tiếp tục tái diễn khiến nhà nông lâm vào tình cảnh khó khăn...
|
Ông Lê Nên ở khối phố Mỹ Hạt (Nam Phước, Duy Xuyên) đang rầu lòng vì bí đao rớt giá thê thảm. Ảnh: HOÀI NHI |
Dẫn chúng tôi lội thăm những giàn bí đao trĩu quả đã tới thời kỳ thu hoạch rộ nhưng chưa ai hái bán, ông Lê Nên ở khối phố Mỹ Hạt (thị trấn Nam Phước) cho hay, vụ đông xuân 2016-2017 này gia đình ông sản xuất 3 sào đất màu trên xứ đồng Mỹ Khê, chủ yếu là trồng bí đao. Tuy nhiên, do thời điểm cuối năm 2016 thời tiết diễn biến bất lợi nên qua giữa tháng 1.2017 ông mới tiến hành cải tạo đất, làm giàn, xuống giống. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hóa đất màu nên thời gian qua nguồn nước tưới luôn đảm bảo, cây bí phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao.
Theo ông Nên, vụ này bình quân mỗi sào bí đao thu được khoảng 2,4 tấn quả, cao hơn 200kg so với năm ngoái. Song ông Nên vẫn rầu lòng vì giá bán sản phẩm liên tục giảm sâu và không thấy thương lái đến tranh nhau hỏi mua như những mùa trước. Ông Nên nói: “Lúc những giàn bí của tôi sắp thu hoạch lứa đầu thì trên thị trường 1kg bí đao có giá 8.000 đồng nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn thì lao dốc nhanh chóng, hiện nay chỉ còn 1.500-1.800 đồng/kg. Bây giờ, nếu chấp nhận bán sản phẩm với mức giá đó thì chắc chắn rằng mùa bí này tôi không thu được một đồng lãi nào, thậm chí là bị thâm vốn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.
Cách ruộng bí của ông Nên không xa, bà Lê Thị Mai đang hái vài quả mang ra chợ bán để kiếm ít đồng mua mắm muối. Bà Mai cho biết, mấy năm trước, khi thị trường Trung Quốc tiêu thụ bí đao mạnh, thương lái ào ạt kéo đến tận ruộng thu mua với giá cao ngất ngưỡng, dao động 10.000-12.000 đồng/kg nên sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thì 1 sào bí lãi ròng 7-9 triệu đồng là chuyện bình thường. Còn năm nay, bí được mùa nhưng lại rớt giá thê thảm khiến nhà nông chẳng muốn thu hoạch. “Trồng loại bí này tốn khá nhiều chi phí, nào là tiền mua tre làm giàn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền điện bơm nước tưới và công cán nữa. Bình quân 1 sào, nhà nông bỏ ra 4-5 triệu đồng. Trước tình trạng giá bán sản phẩm quá thấp như hiện giờ, may mắn lắm thì huề vốn, còn không phải chấp nhận chịu lỗ. Kiểu này, dân làm nông chúng tôi không biết lấy gì lo cho con cái ăn học, trang trải cuộc sống gia đình” - bà Mai ngậm ngùi nói.
|
Không thấy thương lái đến ruộng thu mua, nhiều hộ dân hái bí chở ra các chợ bán lẻ. Ảnh: HOÀI NHI |
Dưa hấu cũng rớt giá
Ngày 14.4, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam Online, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, không chỉ bí đao rẻ như bèo mà dưa hấu ở một số vùng của huyện cũng đang giảm giá mạnh. Theo tìm hiểu, vụ đông xuân 2016-2017 toàn huyện Duy Xuyên sản xuất hơn 200 sào dưa hấu trên các bãi biền ven sông Thu Bồn và hiện nay tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, thời điểm này thương lái thu mua dưa tại ruộng với mức giá gần 2.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với đông xuân năm ngoái.
|
Đâu chỉ có ông Nên và bà Mai, hàng trăm hộ dân khác ở huyện Duy Xuyên cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, đông xuân năm nay nông dân toàn huyện canh tác hơn 10ha bí đao, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Thành, Duy Phước, Duy Trung và thị trấn Nam Phước. Theo ông Ánh, qua khảo sát tại nhiều vùng thì mùa này năng suất bí đao dao động 40-45 tấn quả/ha, tăng 5 tấn/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm lại giảm 50-70% so với mùa trước. Điều đó đồng nghĩa với việc 1ha bí đao người nông dân mất trắng 70-80 triệu đồng.
Ông Ánh nói: “Thời gian qua, các ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt cho đại bộ phận nông dân kết hợp với chú trọng đầu tư thi công hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu nhằm giúp nhà nông xây dựng những mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ nhiều loại cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa tập trung và thực tế cho thấy năng suất, chất lượng các loại nông sản đạt khá cao. Thế nhưng, khó khăn của bà con nông dân ở đây là đầu ra sản phẩm quá bấp bênh. Bởi, chuyện giá cả tuân theo quy luật thị trường nên với tầm cấp huyện thì không thể can thiệp được. Địa phương chỉ có thể quy hoạch vùng chuyên canh gắn liền với việc bố trí các loại cây trồng có giá trị, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với một số đơn vị để tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhưng thực tiễn cho thấy kết quả mang lại còn khá khiêm tốn”.
Có thể nói, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn là một bài toán quá khó, là nỗi lo không chỉ đối với người nông dân ở huyện Duy Xuyên mà cả những địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng ôm nợ vì nông sản mất giá thì ngoài sự tiếp sức của các ngành liên quan, nhà nông cần chủ động nắm bắt chặt chẽ thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng để xác định diện tích sản xuất phù hợp, hạn chế việc trồng tự phát dẫn đến cung vượt cầu.
HOÀI NHI