A+ A A-

Làng nghề Quảng và cái nhìn vào trong

    Đã đến lúc các làng nghề, làng nghề truyền thống Quảng Nam dỡ bỏ những mỹ từ bao gồm bảo tồn và phát triển, để mở lại cuộc suy xét về sự tồn vong của chính mình. Nhiều làng nghề khai tử. Nhiều người làm nghề bỏ ngang để tìm phương kế sống khác. Và cũng đã nhiều giải pháp đưa ra để “cứu” làng nghề. Nhưng những cố gắng giữ làng nghề, như muối bỏ bể…

    TRĂM KHÓ CHỒNG CHẤT

    Đắp chiếu máy móc. Sản phẩm tồn đọng. Không có vốn nếu muốn mở rộng sản xuất. Thậm chí khi được chọn để phát triển du lịch, nhiều mặt hàng na ná như sản phẩm làng nghề được “hô biến” thành mặt hàng đặc trưng của địa phương… Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ làng nghề, năm nào cũng có…

    1.Những cái lắc đầu là điều chúng tôi nhận được, khi câu chuyện về làng nghề truyền thống được xới lên. Từ lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL, Sở Công thương đến ngay cả bản thân người làm nghề. Sẽ thật nan giải khi chính những sản phẩm của các ngành nghề thủ công truyền thống không còn phổ biến, lại phải buộc người trong cuộc bấu víu lấy nó, mà sống. Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, Hội đồng hương huyện Duy Xuyên tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức kêu gọi quyên góp, giúp đỡ những hộ làm nghề dệt vải tại làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa Mã Châu (Nam Phước). Cùng với ngân sách từ UBND huyện, mỗi hộ làm nghề dệt tại khối phố 4 thị trấn Nam Phước được hỗ trợ 15kg gạo và 200 nghìn đồng. Ông Lương Hùng, nhà ngay trung tâm làng dệt này, cho biết, từ tháng 4.2016 đến tận cuối năm, không hiểu vì lý do gì, hàng bị tồn, các đại lý chất cả kho, không thể bán được. “Thằng Dũng - đại lý lớn nhất ở đây, nói em còn thở được thì anh chị cô chú trong làng còn sống. Vậy là cứ có sợi thì mình dệt, hàng chất nguyên đó” - ông Hùng nói. Hiện tại, sổ đỏ của gia đình ông Hùng đã cầm cố ngân hàng để đi vay tiền mua máy móc làm nghề, từ năm 2011 đến nay vẫn chưa có tiền để lấy lại sổ.

   Làng nghề dệt lụa Mã Châu đang hoạt động cầm chừng với rất nhiều khó khăn. Ảnh: LÊ QUÂN

Làng nghề dệt lụa Mã Châu đang hoạt động cầm chừng với rất nhiều khó khăn. Ảnh: LÊ QUÂN   

   Cái tên gọi làng ươm tơ dệt lụa Mã Châu, hiện còn chăng trong tâm thức người làng. Còn lại là tiếng máy chạy sầm sập ngày đêm để dệt sợi gia công cho các đại lý buôn vải thô bán vào Sài Gòn. Nhiều năm qua, rất nhiều công ty, đại lý tại đây tuyên bố phá sản. Hiện tại, ở khối phố Châu Hiệp của Nam Phước, rất nhiều xưởng dệt lớn đập bỏ để chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Ông Trần Hữu Phương, Phó Giám đốc HTX tơ lụa Mã Châu chia sẻ, hiện hộ nào còn duy trì nghề dệt ở địa phương thì đều phải vay ngân hàng. Riêng ở cơ sở của mình, ông Phương đã phải cầm cố 4 sổ đỏ ở ngân hàng để có thể tiếp tục xoay vốn làm nghề. Mã Châu từ 400 hộ làm nghề, nay chỉ còn chưa tới 50 hộ duy trì nghề dệt. Dù dệt lụa Mã Châu vào năm 2015 được công nhận là một trong 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết, câu chuyện thương trường của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ gặp khó kiểu như Mã Châu ở Quảng Nam rất nhiều. “Lý do bởi chúng ta chưa có một doanh nghiệp đầu đàn làm đầu mối cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bản thân người làm nghề lại không đủ vốn để mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất hay cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, chiến lược phát triển sản phẩm gắn với thị trường cũng chỉ mới dừng lại ở phạm vi nhỏ, không có ý nghĩ vươn tới thị trường lâu dài và bền vững” - ông Quang nói.

   2. Cũng gặp khó ở câu chuyện đầu ra, những người ở làng nghề mộc Kim Bồng và Văn Hà cho biết, họ không thể cạnh tranh nổi với các mặt hàng gỗ gia dụng giá rẻ đang tràn ngập thị trường. Văn Hà hiện tại chỉ có 4 hộ làm nghề trong tổng số hơn 20 hộ làm nghề theo thống kê năm 2015 của chính quyền xã này. Trong khi đó, tại Kim Bồng, thông tin các nghệ nhân đưa ra, phần lớn các sản phẩm đang bày bán ngay tại địa phương, không phải là của phường thợ Kim Bồng làm. Còn làng đúc đồng Phước Kiều tìm mọi cách để xoay xở cho sản phẩm của mình và tên tuổi của làng mình, kể cả việc đưa sản phẩm từ ngoài vào và dán nhãn Phước Kiều. Ngay ở làng nghề Quán Hương, trong khi sản phẩm được làm tại địa phương, thì duy nhất hộ ông Võ Tấn Hiếu lấy tên làng Quán Hương dán nhãn cho sản phẩm. Khi được hỏi lý do vì sao không lấy tên Quán Hương là nơi sản xuất, nhiều hộ dân cho biết, họ phải để cơ sở sản xuất ở Sài Gòn, Hà Nội thì sản phẩm mới bán được.

   Có một thực tế đáng buồn ở những làng nghề Quảng Nam, ngay những nghệ nhân đang phát đạt nhờ nghề gia truyền cũng chẳng biết có thể giữ nghề được đến bao giờ. Nghệ nhân đúc đồng Dương Ngọc Tiển chia sẻ, ông từng đi đến các gia đình trong làng để kêu gọi truyền nghề nhưng chẳng mấy người chịu đi. Đó cũng là lý do lớp đào tạo nghề trong chương trình phát triển nghề truyền thống cho làng đúc đồng Phước Kiều hiện tại vẫn chưa thể mở. Không thể mở rộng quy mô sản xuất hay nghĩ đến một chiến lược phát triển nghề bền vững hơn, chẳng hạn, kết hợp chặt chẽ với du lịch cho các làng nghề, khi không thể tìm được “truyền nhân”. Nhà lưu niệm làng đúc đồng Phước Kiều từ khi hoàn thành vào năm 2009 đến nay vẫn im ỉm đóng cửa vì không có người đầu tư trưng bày. Nơi đây chỉ bày các sản phẩm tượng và đồ thờ có kích cỡ từ vừa đến lớn, không hề có văn bản giới thiệu, tư liệu ảnh hay video giúp người xem hình dung rõ nét hơn về một làng đúc đồng nức tiếng thuở trước. Ngoài ra, cũng không có các phiên bản tượng mi ni, các đồ lưu niệm nhỏ gọn để khách quốc tế dễ dàng mua về làm quà như cách các làng nghề của Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã làm rất hiệu quả.

   Liệu rằng Quảng Nam có nên cố khôi phục tất cả làng nghề, cố bảo tồn những sản phẩm truyền thống, giữ lại những giá trị không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường? Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - kể ra hàng loạt khó khăn mà những làng nghề truyền thống Quảng Nam gặp phải, từ nguyên liệu đầu vào, môi trường sản xuất, mức độ đầu tư cho người làm nghề, đến việc tiếp cận vốn vay còn lắm rắc rối, thị trường tiêu thụ sản phẩm và cả bản thân người làm nghề, đa số ở độ tuổi trung niên. Ông Muộn nói, phát triển làng nghề là để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo hay thậm chí còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Nhưng trong số 44 làng nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh sách bảo tồn, phục hồi trong một số đề án do UBND tỉnh phê duyệt, thì có một số làng nghề có nguy cơ chỉ “sống lại” trên… giấy vì nghề truyền thống ở đây hoặc đã “chết”, hoặc đang “hấp hối” trước sức ép của nền kinh tế thị trường cùng những khó khăn về nhân lực, vốn, cơ sở hạ tầng… Và thật sự, câu chuyện làng nghề truyền thống Quảng Nam có rất nhiều vấn đề, đối diện với hàng trăm khó khăn, như lời những người trong cuộc than vãn…

SONG ANH

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19834505
Hôm nay
Hôm qua
17067
12811