Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ
thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với quy hoạch vùng sản xuất… nông nghiệp Duy
Xuyên từng bước phát triển ổn định.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Duy Xuyên có khoảng
6.600ha, trong đó có 11 cánh đồng mẫu. Cánh đồng kỹ thuật chuyên sản xuất lúa
lai, lúa giống trên diện tích 500ha tập trung ở các xã: Duy Sơn, Duy Phước, Duy
Thành, Duy Tân… Hiện nay, khâu quy hoạch cánh đồng hoa màu chuyên canh cây công
nghiệp và thực phẩm đã được tập trung ở vùng Lệ Bắc (Duy Trinh), Thanh Châu
(Duy Châu) với diện tích trải rộng 360ha. Những năm qua, hiệu quả sản xuất từ
những cánh đồng đã thể hiện rõ rệt, năng suất lúa bình quân trên đầu người đạt
60 tạ/ha, giá trị sản xuất trung bình tại các vùng hoa màu tăng lên 50 triệu
đồng/ha, cá biệt một số nơi tăng từ 90 - 100 triệu đồng/ha. Điện lưới đã phủ
100km tạo thuận lợi thủy lợi hóa đất màu. Toàn huyện đã bê tông hóa 10km, cứng
hóa 30km kênh mương nội đồng trải đều các xã, cứng hóa 70/300km giao thông nội
đồng. Các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp như BUCAP, IBM… đã phủ khắp
địa bàn gắn với các biện pháp kỹ thuật thâm canh, xen canh, gối vụ, 3 giảm 3
tăng.
Theo ông
Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu
nông nghiệp, Duy Xuyên đã đẩy mạnh cơ giới hóa. Năm 2013, huyện đã hỗ trợ nông
dân mua sắm 14 máy cày, 13 máy gặt đập liên hợp với tổng giá trị đầu tư 980
triệu đồng. Năm 2014, huyện sẽ tiếp tục đầu tư 19 máy làm đất và máy gặt đập
liên hợp với tổng giá trị đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Huyện còn hỗ trợ nông dân mua
sắm 1.000 công cụ sạ hàng phục vụ sản xuất. Ngoài ra, huyện đã chi 7 tỷ đồng
phục vụ công tác dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, dự kiến sẽ hoàn
thành dồn điền đổi thửa trên toàn huyện đối với cả đất lúa và hoa màu vào năm
2016. Ông Văn Bá Năm nhận định: “Có thể nhận thấy, dáng dấp công nghiệp trong
nông nghiệp đã xuất hiện. Một nền nông nghiệp đang từng bước phát triển và
khẳng định mình”.
Ông Phan
Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng: “Trong điều kiện ngành
nông nghiệp đang đối diện với nhiều vấn đề khó khăn về đầu ra, giá cả, thị
trường…, ngành nông nghiệp Duy Xuyên cần lấy hiệu quả làm thước đo, lấy giá trị
trên từng đơn vị diện tích để định hướng chiến lược cho ngành nông nghiệp”.
Trước hết, huyện tập trung công tác chỉ đạo nâng cao nhận thức của nông dân
trong hội nhập và phát triển kinh tế. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Phòng
NN&PTNT huyện phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tổ chức tập huấn quy
trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ theo chương trình VietGAP cho 3 xã: Duy Vinh,
Duy Thành và Duy Nghĩa với gần 100 hộ tham gia. Đối với vùng chuyên canh rau
theo hướng VietGAP ở Lang Châu Bắc (Duy Phước), địa phương tích cực khuyến cáo
bà con tuân thủ sản xuất theo quy trình an toàn, đồng thời đôn đốc các đơn vị
chuyên trách tìm kiếm đầu ra, thị trường cho sản phẩm, tạo điều kiện để bà con
yên tâm sản xuất.
Ông Cảnh
cho biết thêm, chủ trương của huyện là khuyến khích những mô hình, dự án ứng
dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Huyện đang tiến hành xem xét, hỗ
trợ đối với dự án nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
của một doanh nghiệp đang khảo sát, đầu tư tại Duy Thành. Mục tiêu của dự án là
hình thành vùng trồng cây dược liệu và trồng rau và hoa công nghệ cao, liên kết
doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nếu mô hình thành công, sẽ tiến hành
nhân rộng, sẽ tạo nền tảng lan tỏa ra xung quanh, giúp bà con địa phương hưởng
lợi. “Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp có khả năng
ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao vào đầu tư, phát triển” - ông
Cảnh nói.
HOÀNG LIÊN