Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt ra nhiều mục tiêu lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên về những giải pháp trọng tâm địa phương đã lựa chọn nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ.
Những năm đến, Duy Xuyên tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tại các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: N.S
PV: Thưa ông, trong giai đoạn 2020 - 2025, Duy Xuyên sẽ thực thi những kế hoạch, giải pháp nào để tạo bước đột phá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI?
Ông Nguyễn Quang Mạnh: Duy Xuyên xác định, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ nỗ lực thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá xuyên suốt. Trong đó, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với thương mại - dịch vụ là một trong những giải pháp hàng đầu.
Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XXI đặt ra, 5 năm đến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện đạt 16%. Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 55%, công nghiệp - xây dựng 39%, nông nghiệp 6%. Thu phát sinh kinh tế tăng bình quân hằng năm 17%. Phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo trong diện xóa nghèo và thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng. Đào tạo nghề bằng các hình thức 1.200 lao động/năm. Giai đoạn 2020 - 2025, giải quyết việc làm mới cho hơn 9.000 lao động...
Huyện sẽ chú trọng khai thác tốt lợi thế khi dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và một số dự án du lịch, khu thương mại - đô thị đi vào hoạt động cùng với sự kết nối về giao thông giữa các vùng của huyện và giữa huyện với các địa phương lân cận. Đồng thời tranh thủ nguồn lực đầu tư mới, mở rộng trung tâm các xã, khu trung tâm thương mại - dịch vụ và chợ nông thôn. Tích cực xúc tiến triển khai dự án du lịch tại Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn, khu thủy điện Duy Sơn, du lịch ven sông Thu Bồn, Trường Giang và các vùng khác. Gắn những dự án du lịch với các chương trình khôi phục - phát triển làng nghề truyền thống và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, chương trình phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Trong đó, đặc biệt quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án phát triển du lịch đến năm 2030 với loại hình du lịch giải trí - nghỉ dưỡng - văn hóa - sinh thái...
PV: Quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ là yếu tố tác động quan trọng đến kết quả xây dựng, phát triển của mỗi địa phương. Các khâu này được huyện Duy Xuyên hoạch định như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Mạnh: Thời gian tới, Duy Xuyên khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng, khớp nối các quy hoạch từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch ngành, vùng để có cơ sở xúc tiến các quy hoạch chi tiết nhằm tiếp tục kiến tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả với sự phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị.
Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 5 năm tới. Huyện sẽ ưu tiên nguồn lực tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông, tạo sự kết nối liên vùng trong và ngoài huyện. Cùng với đó, xây dựng lộ trình phát triển mạng lưới các đô thị trên địa bàn và có kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng các đô thị đã được công nhận. Hoàn thiện quy hoạch, xúc tiến và triển khai nhanh các dự án khu dân cư - thương mại, khu đô thị. Trong đó, chú trọng thực hiện chương trình đô thị thị trấn Nam Phước, Duy Hải, Duy Nghĩa, Kiểm Lâm (Duy Hòa), khu dân cư - thương mại Trà Kiệu (Duy Sơn), Mỹ Sơn (Duy Phú), Phú Đa (Duy Thu) và khu dân cư - thương mại trung tâm các xã...
PV: Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, con người luôn được xem là yếu tố quyết định. Và có lẽ, trong thời gian đến, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ đột phá mà Duy Xuyên đã xác định và đề ra giải pháp thực hiện?
Ông Nguyễn Quang Mạnh: Duy Xuyên sẽ tập trung quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường lớp, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nâng cao năng lực quản lý và xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ và tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao kỹ năng ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, sản xuất - kinh doanh và đời sống. Đồng thời phối hợp với các tổ chức chuyên ngành, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai dự án du lịch và sản xuất - dịch vụ để tổng hợp thông tin, hình thành chương trình khuyến cáo định hướng nghề nghiệp cho con em trên địa bàn từ lúc còn học phổ thông; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề theo định hướng phát triển của huyện và tỉnh. Chú trọng việc triển khai chương trình nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong các trường phổ thông; hình thành một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ, các nghề phục vụ phát triển du lịch; huấn luyện nghề dịch vụ cho người dân theo định hướng phát triển du lịch...
PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN SỰ (THỰC HIỆN)