Những nương dâu xanh ngát bãi bồi ven sông Thu Bồn dần trôi vào quên lãng, hồi ức về làng nghề tơ lụa truyền thống xứ Quảng, theo đó, chẳng còn ai nhắc nhớ. Mãi đến khi những người con sinh ra từ quê lụa dấn thân chọn cây dâu, con tằm, nghề dệt lụa Mã Châu mới hồi sinh…
Mơ ngày tơ lụa vàng son…
“Ai qua đất Quảng mời ghé Duy Xuyên - Để mua tơ óng lụa mềm Duy Xuyên - Để nghe câu hát ân tình - Bên nương dâu mượt, bên guồng tơ quay”.
Chiều cuối năm, những lời thơ mềm môi đậm ân tình đã đưa tôi về với xứ sở tằm tang Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Dọc bãi bồi ven sông Thu Bồn, những nương dâu mướt xanh đang dần được dăm trồng trở lại, tiếng thoi khung dệt bắt đầu vang lên sau những nong tằm của người dân. Ngồi bên nghệ nhân Trần Hữu Phương, truyền nhân thứ 18 của dòng họ làm nghề ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng một vùng, hiện là Giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu, để về lại cái nôi của nghề dệt lụa xứ Đàng Trong.
“Lụa Mã Châu - linh hồn của người Mã Châu”, ông Trần Hữu Phương mở đầu câu chuyện như thế. Lụa Mã Châu tồn tại từ thế kỷ XVI, được truyền từ đời này sang đời khác. Lụa mang dáng vẻ, đặc trưng rất riêng của người Mã Châu nhờ được làm hoàn toàn từ tơ tằm thiên nhiên qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân có kinh nghiệm trong làng. Ký ức về một thuở hưng thịnh của lụa xứ Quảng đã theo chân các thương lái đi khắp năm châu, bốn bể từ thương cảng Hội An làm đôi mắt ông Phương rực sáng.
“Trong thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Mã Châu đến đâu cũng nghe những âm thanh dệt lụa với hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có những thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng nghìn hécta trải dài dọc sông Thu Bồn” - ông Phương tiếc nuối.
Vậy mà vào những năm đầu thế kỷ 21, khi hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, lụa Mã Châu không thể cạnh tranh nổi và dần trôi vào quên lãng. Hồi ức về làng nghề tơ lụa truyền thống trứ danh xứ Quảng, theo đó, chẳng còn ai nhắc nhớ. Thương nhớ con tằm, sợi tơ, ông Trần Hữu Phương ôm hoài bão dựng lại thời vàng son của lụa với sự hỗ trợ tinh thần của hai cô con gái Yến - Oanh, cũng là truyền nhân thứ 19 của làng lụa Mã Châu. Bắt đầu từ những cây dâu, những con tằm chân chất cộng với tấm bằng cử nhân kinh tế, Yến - Oanh đẩy mạnh thiết kế, quảng bá mặt hàng tơ lụa của mình ở các diễn đàn mạng, đồng thời, bày bán trực tiếp tại Hội An và Quảng Nam. Như tằm đến ngày nhả tơ, sau bao khó nhọc, lượng khách đã tìm mua lụa Mã Châu ngày một đông.
Hiện tại, năm công nhân điều khiển bảy máy dệt của Công ty TNHH lụa Mã Châu trung bình mỗi tháng dệt xấp xỉ 3.500m lụa (bao gồm satanh, hoa, đũi, taffeta), doanh thu ước tính dao động 200 - 300 triệu đồng.
Xanh lại những nương dâu
Cũng nặng lòng với một nghề truyền thống đã quá vãng, ông Lê Thái Vũ, chủ nhân của Làng lụa Hội An - Giám đốc Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam đã có một quyết định táo bạo khi bỏ công việc kinh doanh đang rất thành công ở thành phố Hồ Chí Minh để về lại quê hương Hội An phục dựng nghề trồng dâu, nuôi tằm.
“Muốn đưa tơ lụa truyền thống về lại với người Việt, trước nhất, chính bản thân mình phải là người sở hữu một món đồ được làm nên từ lụa. Chiếc khăn, cái áo yếm hay chiếc áo dài… của người phụ nữ Việt Nam đã đẹp từ xưa, dẫu bây giờ, cuộc sống có hiện đại đến bao nhiêu thì lụa vẫn có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Lụa đẹp, tôi muốn mọi phụ nữ đều đẹp khi sử dụng sản phẩm làm ra từ lụa tơ tằm nguyên chất của Việt Nam” - ông Vũ tâm sự.
Tình yêu và tâm huyết đã giúp ông Vũ phục dựng lại bảo tàng sống thật sự về lụa cùng hầu như tất cả công đoạn làm lụa truyền thống Mã Châu tại Làng lụa Hội An. Bên cạnh tìm lại những nghệ nhân chuyên trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, doanh nghiệp ông Vũ cũng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam khảo sát vùng nguyên liệu tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn hướng đến mục tiêu phục hồi 150 hecta dâu ven sông Thu Bồn.
“Hơn 5 hecta dâu đã được trồng mới ở Gò Nổi, Điện Quang với nhiều giống mới cho năng suất cao cũng như công thức nuôi tằm hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm đầu ra. Do đó, tôi tin tưởng triển vọng phục hồi nghề này là rất lớn” - ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, nguyên Giám đốc Xí nghiệp ươm tơ xuất khẩu Quảng Nam - Đà Nẵng, không giấu niềm vui khi dự án phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm được triển khai: “Hồi xưa, lúc cao điểm tôi trồng khoảng 340ha dâu, nuôi gần 300 tấn kén. Cho nên khi nghề này mất đi, tôi tiếc lắm. So với canh tác hoa màu, trồng dâu không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5- 10 lần, mà còn gắn với môi trường vì mình không dùng thuốc trừ sâu. Chưa kể, cây dâu có tác dụng lớn trong bảo vệ đất đai, mỗi mùa lũ lụt cây dâu nằm xuống ôm đất và tích lũy phù sa, ngăn sạt lở”.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là thời điểm thuận lợi để phục hưng nghề trồng dâu nuôi tằm vì thị trường hiện có những tín hiệu tốt, nhất là đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp cũng như khả năng kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới trong việc đưa sản phẩm xuất khẩu.
“Đây là cơ hội rất lớn để chính quyền cùng với nhân dân, doanh nghiệp liên kết, hình thành chuỗi giá trị, từ đó phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm. Với những điều kiện phù hợp về đất đai thổ nhưỡng, Quảng Nam quyết tâm phục hồi vùng trồng dâu trên những bãi sông Thu Bồn, Vu Gia để vừa giữ đất, hạn chế xói lở, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho bà con” - ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Có hưng, có thịnh. Có phồn vinh và mai một. Nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm cũng không thể nằm ngoài quy luật tất yếu đó. Nhưng, ngọn gió lành đã trở lại, để rồi có những người vì yêu mến quê hương, thương nhớ tơ tằm mà ngược về phục dựng. Rồi đây, người ta có thể mơ về một ngày vàng son của tơ lụa xứ Quảng, khi mà những vuông lụa lại được “bay” ra ngoài biên giới Việt Nam đến với bạn bè quốc tế mang trong mình sự kết tinh văn hóa và niềm tự hào về một vẻ đẹp Việt.
Lan Anh