Tự tìm tòi, học hỏi và vươn lên, chàng trai Nguyễn Văn Hưng (32 tuổi) ở xã Duy Hải quyết định khởi nghiệp với nghề làm chậu cảnh. Sau 5 năm, cơ sở sản xuất kết hợp trải nghiệm làm chậu cảnh xoay 360 độ của anh Hưng dần đi vào ổn định, giải quyết thêm việc làm cho thanh niên tại địa phương.
Năm 2019, qua quá trình tìm tòi, học hỏi trên internet, tivi, anh Nguyễn Văn Hưng bắt tay làm những chiếc chậu hoa đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp đầy gian khó của mình. Anh Hưng chia sẻ, khi xem hướng dẫn cảm giác không quá khó nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì mới biết nó không hề đơn giản như mình nghĩ. Những ngày đầu, tay chân còn bỡ ngỡ, chưa quen nên sản phẩm làm ra không được như ý, không mượt mà, chi tiết không tinh xảo và mẫu chậu chưa hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Không nản chí, bằng đam mê của mình, anh Hưng dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp tục mày mò, học hỏi, trau dồi tay nghề, dần dần tự thiết kế, sản xuất được những mẫu mã bắt mắt, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Không dừng lại ở những sản phẩm cổ điển, anh Hưng còn nghiên cứu, sản xuất và bán ra thị trường chậu cảnh xoay 360 độ, khuôn chậu cũng như các mẫu chậu lạ mắt, độc đáo đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Hưng đã ổn định. Anh Hưng nói “Nghề này tuy vất vả, cần sự tỉ mỉ nhưng được cái rất vui. Với tôi, đó không chỉ là công việc tạo ra nguồn thu nhập kinh tế mà còn là niềm vui khi được làm công việc mình yêu thích. Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, điểm ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn, sự hiểu biết và kinh nghiệm. Sau đó, từ nguồn vốn vay 70 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội, kiến thức từ các lớp tập huấn, khởi nghiệp kinh doanh của Đoàn xã Duy Hải tổ chức và nhất là bằng chính lòng yêu nghề của mình, tôi dần đưa cơ sở sản xuất chậu cảnh từng bước hoạt động ổn định. Đến nay, tôi đã đầu tư mở nhà xưởng rộng 150m², mua sắm vật liệu, các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy khoan, máy cắt, máy hơi, máy sơn,…”
Hiện nay, trung bình mỗi năm cơ sở của anh Hưng sản xuất và bán gần 1.000 sản phẩm các loại, thu về lợi nhuận bình quân từ 20 – 40 triệu đồng/tháng. Trong đó, giá chậu xoay 360 độ cao hơn 3 - 4 lần so với chậu cảnh thường và dao động từ 1 triệu đồng (loại đường kính 60cm) đến 4 triệu đồng (đường kính 1,5m). Giá thành sản phẩm tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng. Cơ sở của anh Hưng giải quyết việc làm cho 2 thanh niên thường xuyên; 4 - 5 thanh niên mùa vụ vào giai đoạn cao điểm 3 tháng trước và sau tết với thu nhập 400 - 500 nghìn đồng/người/ngày.
Theo anh Hưng, để làm được một chiếc chậu cảnh đẹp phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật, bí quyết riêng của người làm nghề và nhất là sự tỉ mỉ. Sau khi hoàn thiện phần thô, việc trang trí, sơn màu cho chậu phải làm cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm bảo màu sắc không phai, bền, đẹp, nước sơn không tróc, ố. Các hình họa tiết trang trí mềm mại, đẹp mắt. Nghề làm chậu cảnh rất cần sự tinh tế và sáng tạo, sản phẩm làm ra phải đạt được chất lượng bền lâu mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người chơi cây cảnh. Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của anh Hưng và những người thợ, những chiếc chậu xinh xắn, chất lượng lần lượt được ra đời phục vụ cho nhu cầu trồng hoa, cây cảnh của người dân. Nói về thị trường tiêu thụ, anh Hưng cho biết, ngoài cung cấp thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng thì cơ sở của anh còn bán hàng trên mạng và ship khuôn chậu toàn quốc.
Vượt khó, khởi nghiệp từ chính sự đam mê và quyết tâm của mình – không chỉ anh Hưng mà nhiều mô hình khởi nghiệp thành công khác của thanh niên trên địa bàn huyện đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội./.
Minh Tâm