Diễn đàn “Khởi nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ” tổ chức tại huyện Duy Xuyên chiều 23/9 nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, kết nối rộng rãi mạng lưới khởi nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Quang cảnh diễn đàn chiều 23/9. Ảnh: N.T
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, những năm qua làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lan tỏa trên nhiều lĩnh vực và mỗi vùng miền. Hòa vào dòng chảy ấy, phong trào khởi nghiệp ở Duy Xuyên có nhiều khởi sắc; tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu chuyển biến, trở thành động lực quan trọng trong phát triển của địa phương.
Theo ông Phúc, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật, thúc đẩy sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của mỗi cá nhân.
Tại Duy Xuyên, Hội Khởi nghiệp sáng tạo thành lập vào tháng 4/2023. Qua đó, từng bước thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối các nguồn lực đầu tư, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp, kinh doanh, bảo trợ và đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp của tổ chức, cá nhân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: N.T
Từ đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế; xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về khởi nghiệp. Đáng ghi nhận, một số dự án tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do cấp tỉnh, trung ương tổ chức đạt thành tích cao, đơn cử như ngũ cốc Duy Oanh của chị Phạm Thị Duy Mỹ, lụa Mã Châu của chị Trần Thị Yến, gạo tím than của chị Lê Thị Thanh Nga, nước mắm nhỉ Cửa Đại của anh Đinh Công Đức…
“Chúng tôi tổ chức diễn đàn này với mong muốn tìm thêm phương án nâng cao nhận thức và năng lực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, gia tăng giá trị trong doanh nghiệp, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển. Đồng thời, bàn luận về thực trạng khởi nghiệp sáng tạo dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ các chính sách, biện pháp hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ” - ông Phúc nói.
Các chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh trao đổi với chuyên gia tại diễn đàn. Ảnh: N.T
Chị Trần Thị Yến - chủ cơ sở lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước) cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị dựa trên các kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ tài sản trí tuệ sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Xác định được tầm quan trọng đó, năm 2018, nhờ sự nỗ lực hợp tác của cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam phối hợp cùng phía Hàn Quốc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm lụa Mã Châu.
“Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tích cực phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc hỗ trợ, tạo điều kiện cho lụa Mã Châu phát triển thông qua việc hỗ trợ công nghệ và xây dựng thương hiệu. Phía Hàn Quốc đã hỗ trợ công nghệ máy móc thích hợp nhất với cơ sở dệt lụa Mã Châu nhằm tạo ra được những khổ vải đạt tiêu chuẩn quốc tế với màu sắc khác nhau, tạo sự đa dạng, phong phú, tăng thêm vẻ đẹp cho sản phẩm” - chị Yến chia sẻ.
Sản phẩm lụa Mã Châu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: N.T
Ông Sinh cho rằng, Nhà nước đang đóng vai trò đồng hành, tạo cơ chế hỗ trợ và tạo mối liên kết, hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp công nghệ. Đối với các chủ thể khởi nghiệp, cần phải biết chia sẻ khó khăn, biết động viên khi thất bại, khơi dậy hoài bão, khát vọng và phải thực sự bản lĩnh trên con đường khởi nghiệp.
“Sáng tạo từ những cái cũ, sản vật bản địa, nếu được quan tâm đầu tư về mặt công nghệ và đổi mới sáng tạo thì có thể từ một sản vật ít ai biết đến trở thành nổi tiếng. Tránh nhầm lẫn giữa sáng tạo và đổi mới, phải biết thử nghiệm sản phẩm, tránh “cắm đầu” làm mà quên kiểm nghiệm” - ông Sinh nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng cho rằng, đăng ký sở hữu trí tuệ là phương thức để bảo vệ quyền lợi của chủ thể. Trong khi đó, chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ hiện nay chỉ hơn 1,3 triệu đồng để sử dụng trong vòng 10 năm.
Nhiều sản phẩm OCOP cần thiết phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: N.T
Cùng với đó, đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ giúp giữ vững khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Nâng cao giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư và các tổ chức tài chính. Trong trường hợp bán, sáp nhập hoặc mua lại, tài sản trí tuệ có thể làm tăng đáng kể giá trị doanh nghiệp.
Mặt khác, kích thích khả năng tạo ra các sản phẩm mang tính trí tuệ khác và được xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm đó. Từ đó, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các giao dịch, ngăn chặn hành vi sao chép… góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, hướng đến phát triển bền vững.
Chưa chú trọng khai thác tài sản trí tuệ
Nhiều ý kiến tại diễn đàn cho hay, thực tế hiện nay các chủ thể khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo ra, xác lập và khai thác các tài sản trí tuệ của mình. Một số mô hình khởi nghiệp ra đời mà chưa dựa trên yếu tố đổi mới sáng tạo, chưa tích hợp được công nghệ đặc thù.
Thậm chí, có những bạn trẻ cho rằng sở hữu trí tuệ với cơ chế bảo hộ có khi còn là “tấm rào” làm chậm lại tinh thần đổi mới sáng tạo. Do vậy, yêu cầu của việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy và ứng dụng các kết quả hoạt động sáng tạo đang là vấn đề cấp bách.