A+ A A-

Sắc son nghĩa tình Nông Cống - Duy Xuyên

           Sau lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa- Quảng Nam vào tối ngày 12.3.1960, tại Nhà hát thị xã Thanh Hóa( nay là thành phố Thanh Hóa), các huyện, thị giữa hai tỉnh cũng lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa: huyện Đại Lộc với huyện Tĩnh Gia, thị xã Hội An với thị xã Thanh Hóa, huyện Điện Bàn với huyện Hoằng Hóa, huyện Thăng Bình với huyện Đông Sơn, huyện Hoà Vang với huyện Quảng Xương, huyện Quế Sơn với huyện Thọ Xuân, huyện Duy Xuyên với huyện Nông Cống…

          53 năm đã trôi qua - kể từ ngày kết nghĩa biết bao nghĩa tình giữa tỉnh Quảng Nam với tỉnh Thanh Hoá nói chung, giữa huyện Duy Xuyên với huyện Nông Cống  nói riêng. Bằng những phong trào, việc làm cụ thể giữa hai huyện đã cụ thể thể hoá tinh thần kết nghĩa phù hợp với mỗi giai đoạn, của mỗi địa phương. Huyện Nông Cống đã hưởng ứng phong trào “ Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, tiễn đưa hàng ngàn người con vào Quảng Nam, Duy Xuyên cùng chung chiến hào chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam ruột thịt; kề vai, sát cánh cùng Quảng Nam, Duy Xuyên trên tuyến đầu chống Mỹ.

          Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, ở những giai đoạn ác liệt nhất, từ An Hoà, Đức Dục, Thu Bồn, Kiểm Lâm cho đến Hòn Bằng, Xuyên Trường, Văn Quật, vùng cát khu đông Duy Xuyên, là những chiến trường khốc liệt nhất bên cạnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Duy Xuyên còn có cán bộ, bộ đội là gần 1000 người con huyện Nông Cống kết nghĩa cùng chung chiến hào chia lửa, diệt thù. Giai đoạn 1970-1972, lực lượng an ninh Duy Xuyên có đồng chí Lê Đình Dinh làm Trưởng ban an ninh huyện và nhiều đồng chí từ huyện Nông Cống vào chi viện cho chiến trường huyện Duy Xuyên. Các cán bộ, chiến sĩ huyện Nông Cống kết nghĩa vào chiến đấu ở chiến trường huyện Duy Xuyên đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Xuyên. Các đồng chí đã ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Duy Xuyên.

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, ngày vui khải hoàn biết bao nhiêu cuộc đoàn viên của những người con huyện Nông Cống còn vương mùi thuốc súng, vết thương trên mình trở về quê hương. Nhưng cũng có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngã xuống, mãi mãi nằm lại đất lành Duy Xuyên. Hiện nay ở các nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn nơi yên nghỉ đời đời của các anh hùng liệt sĩ, bên cạnh các anh hùng liệt sĩ của huyện Duy Xuyên còn có các anh hùng liệt sĩ là những người con của quê hương kết nghĩa Nông Cống thân yêu. Những liệt sĩ có tên và không có tên đã hoá thân vào đất Mẹ Duy Xuyên. Những ngôi mộ liệt sĩ, chỉ có một vài thông tin ít ỏi: Mộ liệt sĩ. Họ và tên: vô danh. Đơn vị:…..; Hy sinh:….; quê quán: Thanh Hóa. Những ngôi mộ như thế đang là nỗi ray rứt khôn nguôi, là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân hai huyện kết nghĩa Nông Cống- Duy Xuyên, của thân nhân gia đình trong việc tìm kiếm danh tính của các liệt sĩ, tìm thân nhân, đơn vị của các liệt sĩ. Mấy chục năm, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Xuyên đã làm hết mình và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để thân nhân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là người con của quê hương Thanh Hóa đã yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện. Hàng chục trường hợp liệt sĩ đã tìm được tên tuổi, quê quán, đơn vị công tác và gia đình.

          Nghĩa tình thuỷ chung son sắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng được phát huy trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng giữa hai huyện kết nghĩa Nông Cống- Duy Xuyên. Hàng năm, vào những dịp lễ Tết, kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, hai huyện đều cử đoàn đại biểu thăm hỏi, tặng quà, động viên lẫn nhau; trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân của hai huyện. Đặc biệt, là trong những đợt thiên tai lũ lụt, lãnh đạo hai huyện kịp thời hỏi han về tình hình thiệt hại, động viên về tinh thần giúp đỡ về vật chất. Cụ thể như trận lũ lịch sử năm 1998, lũ vừa rút là các đồng chí lãnh đạo huyện Nông Cống đã vượt hơn 700 cây số có mặt tại huyện Duy Xuyên đến thăm hỏi về tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra cho đồng bào huyện Duy Xuyên và hỗ trợ 15 triệu đồng, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng trong bão lũ. Bão số 6, năm 2006 chưa tan, các đồng chí lãnh đạo huyện Nông Cống đã đến chia sẻ những thiệt hại, mất mát và hỗ trợ 30 triệu đồng cho huyện Duy Xuyên. Và mới đây, trận bão số 9 và lũ lớn năm 2009, huyện Nông Cống đã cử lãnh đạo đến huyện Duy Xuyên thăm hỏi tình hình, hỗ trợ 100 triệu đồng và đến tận nhà 4 gia đình có người thiệt mạng trong lũ thăm hỏi, động viên và tặng quà. Ngược lại, huyện Duy Xuyên lụôn dõi theo từng hơi thở của người anh em kết nghĩa Nông Cống, như trận bão lớn năm 2001 gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhà nước và đồng bào huyện Nông Cống, các đồng chí lãnh đạo huyện Duy Xuyên vượt hàng trăm cây số đến với đồng bào huyện Nông Cống, sẻ chia và ủng hộ 15 triệu đồng để các gia đình bị thiệt hại nặng bớt phần khó khăn. Năm 2010, huyện Duy Xuyên đã đóng góp nửa tỉ đồng để huyện Nông Cống xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Và năm 2012, huyện Nông Cống đã đóng góp nửa tỉ đồng xây dựng đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Duy Xuyên. Còn rất nhiều việc làm sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào giữa Đảng bộ và nhân dân hai huyện Duy Xuyên- Nông Cống kết nghĩa.

          Giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ, hai huyện kết nghĩa Nông Cống- Duy Xuyên còn thường xuyên trao đổi học tập với nhau những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; giới thiệu những mô hình mới xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhau.

Đại hội Đảng bộ huyện Nông Cống( Thanh Hóa) lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 19,2%, thu nhập bình quân đầu người 19,2 triệu đồng/ 1 năm; gía trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 19,1%; giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 6,9%; giá trị dịch vụ tăng bình quân hàng năm 36,9%; giảm tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2015 xuống còn 6,6%.

Đại hội Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 16%, thu nhập bình quân đầu người 35,5 triệu đồng/ 1 năm; gía trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22%; giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,3%; giá trị dịch vụ tăng bình quân hàng năm 17%; giảm tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2015 xuống còn 10%.

Phát huy truyền thống kết nghĩa, hai huyện Duy Xuyên và Nông Cống đang phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, nhằm cùng chung mục tiêu: Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng và đẹp về văn hóa

 

                                                                                                               Tháng 12/2012 Hà My

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19795372
Hôm nay
Hôm qua
9653
6731