Làng Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên) nằm ở bờ nam, nơi hai nguồn Thu Bồn - Vu Gia hợp lưu. Qua bao biến động, văn hóa làng xã bị ảnh hưởng nặng nề mà ngôi miếu Bô Bô linh hiển với đầy đủ lễ tiết, nghi thức, càng cho thấy tầm vóc ảnh hưởng sâu rộng của Bà.
Lễ rước nước trong Lệ Bà Thu Bồn.
Bà là biểu tượng điển hình của Bà Mẹ Xứ Sở hiện hữu phổ biến dọc lưu vực sông Thu, quản hạt rộng lớn từ Núi Chúa đến tận Cù Lao Chàm. Nhất thống chí - Quảng Nam cho biết: “Đền Bô Bô Phu nhân, ở xã Thu Bồn, phía tây huyện Duy Xuyên. Thần hiệu là Bô Bô Phu nhân. Triều Nguyễn phong là Trung đẳng thần, thường có linh ứng” (S.: Nha Văn hóa, 1961, tr. 55-56).
Từ lăng Bà Thu Bồn đi về phía tây chừng 8km là Phường Rạnh (thôn Trung An, Quế Trung, Nông Sơn), có miếu thờ nơi Bà tử trận. Tín ngưỡng dân gian truyền tụng dạng thức Bà vân du nhiều nơi, tạo phúc giúp đỡ hay giáng họa trừng trị. Làng Thu Bồn là điểm thiêng trong những “tam giác vàng” với Mỹ Sơn - Núi Chúa, Phường Rạnh - Núi Chúa, Phiếm Ái - Núi Chúa.
Nguồn gốc Bô Bô Phu nhân
Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa, một gia đình giàu có sinh hạ người con gái nhưng từ lúc sinh ra, cô bé đẹp tựa thiên thần, chỉ cười không khóc, mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng, nước da như sương. Đến 5 - 7 tuổi, cô đã có khả năng và sở thích thiên bẩm dùng thảo dược cứu người; lớn lên bỏ qua mọi lời cầu hôn. Đến 50 tuổi, Bà quy tiên trưa 12.2 âm lịch, dân làng tuân theo di nguyện không dùng vải vóc khâm liệm, chỉ dùng thảo mộc. Quan tài được quàn tại đình suốt tuần, dân làng túc trực khói hương. Qua 7 đêm, khắp nơi tỏa hương ngào ngạt và bỗng nhiên, nắp Lệ Bà Thu Bồn xứ Quảng quan tài mở tung, bên trong không có gì, chỉ ngập tràn hoa sứ. Dân làng cung nghinh xây dựng lăng mộ, thờ cúng trang nghiêm ở dinh Bà.
Cũng có dạng thức cho Bà vốn dòng trâm anh, con gái/nữ tướng của vua Chàm hoặc vua Lê Thánh Tông. Trong một chiến cuộc căng thẳng, quân của Bà thất thế phải rút quân, ngang qua làng Thu Bồn/Phường Rạnh, mái tóc dài vướng vào cây làm Bà ngã ngựa (Việt), ngã voi (phi Việt) và tử tiết, hiển linh. Phường Rạnh là sinh quán/nơi Bà tử trận, dòng nước đưa Bà về bến sông làng Thu Bồn.
Theo Thần tích thần sắc (Hội Folklore Đông Dương, 1937 - 1942), Bô Bô Đại Đức phu nhân “là một nhân thần..., công chúa đồng trinh của vua Chămpa là Bô Bô, cưỡi voi xông trận. Người và voi băng qua khe suối nhỏ…”. Làng vẫn bảo lưu 8 sắc phong, có tước vị Bô Bô Phu Nhân Mặc Phu Hiển Tướng Trung đẳng thần (thời Minh Mạng) và Trang Huy Thượng Đẳng thần (thời Khải Định). Bà là bạn với Thiên Y A Na Chúa Ngọc lúc sinh thời, nên bên cạnh có miếu Bà Chúa Ngọc, cùng miếu Cậu Quý, Cậu Tài. Đời sống văn hóa gắn kết theo lối “gia đình hóa” các vị nữ thần, các trung tâm tín ngưỡng như “cô em út” Bà Phường Chào - Cô Của ở làng Phiếm Ái, Bà Bô Bô là vợ ngài Cao Các Đại vương ở làng Bình Yên, hai làng đều có những thuyền đua và lễ cưới đặc biệt này được công nhận bởi “tiền cheo”, sính lễ là một con bò mộng dâng cúng thần linh. Nhiều làng xã dọc sông Thu Bồn thờ Bà, thường đến cung thỉnh bát hương.
Nét riêng trong đời sống nghi lễ
Dân làng tiến cúng Bà ngày 12.2 và 5.5, với nhiều phẩm vật heo, bò, trâu, hát bội… Vị chủ tế được chỉ định mỗi năm. Nay, Lệ Bà chỉ tổ chức ngày 11 - 12.2. Trước đây, Hội tín hữu Lệ Bà quy tụ người có học, các vị bô lão, người giàu có, quan tâm trùng tu và tổ chức Lệ Bà. Lễ vật dâng cúng từng có tới ba con trâu, của đại diện ba nhóm cộng đồng trong làng là Họ Cả (gia đình giàu có, học thức), Họ Đông Canh (bà con trong làng) và Họ Tư Chánh (cá nhân khác ở các làng bên). Đồng thời mỗi dòng họ đều dâng mâm phẩm vật riêng. Trong lễ vật tam sinh, có thể là trâu/bò, heo, dê; hoặc chỉ là bò, heo, gà; hay là tợ thịt con sinh đầy biểu tượng, cùng thủ, vĩ, nội tạng.
Phẩm vật cúng tế tối thượng bắt buộc là nghé chông, chọn lựa công phu. Đó là con vật hiến sinh đặc biệt thiêng liêng, quyết định sự viên mãn của lễ nghi, hiện thực hóa khát vọng cầu mùa: một con nghé đực, hội tụ đủ sinh lực mạnh mẽ, tinh khiết. Con sinh không luộc chín mà để sống nguyên con, chông theo tư thế quỳ chân trên bàn chông bằng tre, chỉ luộc chín nội tạng và huyết.
Lệ làng điển chế hóa tiêu chí chọn nghé: nghé tơ, đẹp, khỏe mạnh, sừng đều và có độ cong hài hòa, màu đen nháy, không bị sứt mẻ hay dị tật; bộ lông đen mượt, tối kỵ những xoáy xấu trên trán, khóe tai, lưng, phía sau mông; có đuôi dài, thẳng, chòm lông dài và đen, mượt; tứ chi và nhất là sinh thực khí khỏe mạnh, không tì vết. Ngoài ra lễ vật còn có bàn lợn quay, mâm xôi, cùng gà, vịt, quả phẩm, bánh trái.
Người ta làm sạch, để sống nguyên con sinh, bôi huyết tươi lên rồi chông lên, quỳ hai chân trước, hai chân sau thòng xuống, toàn bộ dải thịt lườn có đủ sinh thực khí trải dài trên lưng. Từ một vị trí đặc biệt nằm giữa u cổ và đùi trước, về phía bên trái, nơi đi trực tiếp vào tim, người ta tạo một vết cắt tròn đường kính chừng 8cm, khoét sâu, chính tâm gắn cây tre nhỏ, như lưu ảnh của nghi lễ đâm trâu. Lễ tất, vị điển lễ dùng dao tách tợ thịt đó cho vào dĩa đặt trên bàn thờ, làng “kỉnh” vị chánh bái. Phẩm vật dâng cúng sẽ được ban cho bà con hưởng lộc, để cầu may-an-tài lộc, tẩy trừ xui xẻo.
Sức sống một di sản văn hóa
Bà Thu Bồn trong bối cảnh văn hóa Quảng Nam là hình tượng thiêng mang đậm dấu ấn giao thoa Việt - phi Việt, gắn kết sông Cái, Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Bà Chiêm Sơn, lên Núi Chúa, ra Hội An, Cù Lao Chàm…, như tính chất mở của cốt tính xứ Quảng, hài hòa trên nền tảng tín ngưỡng nữ thần phương Nam, từ Bà Mẹ Xứ Sở đến các nữ thần địa phương, nhất là mối quan hệ “chị em” giữa hai Bà: Bô Bô nói với Phường Chào/ Bên em bên chị, bên nào thiêng hơn?
Đó chính là thái độ có tính nhị nguyên trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, từ kính nhi viễn chi, dần kính như tại; vừa muốn tôn vinh những giá trị Việt đặc thù mà vẫn sợ những dấu tích bản địa phi Việt. Dù linh hiển, Bà Phường Chào cũng là “em út”. Lệ Bà Thu Bồn vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ những giá trị độc đáo trong cội nguồn tiếp biến văn hóa đó, là cơ sở pháp lý, nền tảng quan trọng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hữu hiệu.
TRẦN ĐÌNH HẰNG