Khi công nhận đình Mỹ Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên là Di tích cấp tỉnh, các cơ quan chức năng chấp nhận các tương truyền từ ý kiến của "các vị bô lão" cho rằng con sông Đào thời Minh Mạng (1820-1847) đã chia Mỹ Xuyên thành 2 làng là Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây.
Theo tư liệu của ông Trần Văn Hảo, 56 tuổi, hiện ở thôn Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước, là Phó hiệu trưởng trường tiểu học Nam Phước- người dày công nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử làng Mỹ Xuyên: tên cả 2 làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tâyở trang 107 sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết xong năm 1776,trước thời Minh Mạng hơn 50 năm. Trongsách Đại Nam nhất thống chí có ghitên "sông Lang Châu, sông Mãi Xuyên" và tên làng ta làMỹ Xuyên Tây được viết bằng chữ Hán.
Giáo sư Huỳnh Ngọc Bá (Đại học Huế) kểrằng:“Trong bài Về thân thế và sự nghiệp Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đọc tại lễ tưởng niệm 650 năm ngày mất của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, tổ chức tại Văn miếu - Quốc tử giám (Hà Nội), GS Trần Quốc Vượng cho biết, vào cuối năm 1995, GS có đến thăm nhà thờ họ Mạc ở xứ Trà Kiệu Tây, “trong đó giữ gìn cuốn gia phả họ Mạc dầy dặn nhất” mà từ xưa đến nay GS được biết.”
Giáo sư Bá đến Trà Kiệu thấy quyển gia phả đó có kể về sự kiện vào năm Nhâm Ngọ Dương Hòa 8 (1642), Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan cho trùng tu chùa Bửu Châu (Trà Kiệu, xã Duy Sơn) vốn là nơi trước đây Mạc Cảnh Huống đã lập ra để tu hành trong những năm về già. Nhờ có công giúp mở mang “Xứ Đàng Trong” nên Mạc Cảnh Huống được chúa Nguyễn “ban quốc tính”, đổi họ Mạc thành họ Nguyễn. Trong lần trùng tu này, chúa Nguyễn Phước Lan đã cho huy động 3 cơ thủy quân thuộc dinh Quảng Nam cùng với các tượng cục sở tác và nhân dân ở 7 xã lân cận, trong đó có xã Mỹ Xuyên Tây.
Trong Thông báo Hán Nôm 1997, GS Bá ghi vắn tắt 2 chữ đầu của mỗi địa danh như sau: "Trà Kiệu, Phố Hoa, Thi Lai, Bà Mã, Hàm Long, Mỹ Xuyên, Chiêm Sơn", nhưng trong thực tế trang trên, tôi thấy người xưa ghi chi tiết ở 2 cột bên phải như sau: "Trà Kiệu xã, Phố Hoa châu các thôn giáp, Thi Lai châu các thôn, Bà Mã châu các thôn, Hàm Rồng xã, Mỹ Xuyên Tây xã, Chiêm Sơn Đông xã". Thì ra "Bà Mã" chính là Mã Châu hiện nay; Hàm Rồng nhưng in nhầm là "Hàm Long"; còn Mỹ Xuyên Tây và Chiêm Sơn Đông nhưng GS Bá viết tắt là Mỹ Xuyên và Chiêm Sơn.
Vậy là làng Mỹ Xuyên tách thành Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây trước năm 1642 chứ không phải do con sông Đào thời Minh Mạng (1820-1847) hoặc như nhiều bài báo đã viết. Còn tách thành Mỹ Xuyên Đông & Mỹ Xuyên Tây từ năm nào (trước 1642) thì phải tiếp tục tra cứu, vì sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1553 chỉ có làng Mạc Xuyên chứ không thấy tên Mỹ Xuyên.
Về con "sông Đào", chúng tôi đã đi điền dã từ Cầu Chìm (cách UBND huyện Duy Xuyên khoảng 250m về phía Tây) qua các địa danh như: Bến Nhơn - Bến Quyên - Bến Giá – Bến Chợ Chùa – cầu Bàu Vân – Bến Tha – cầu Ông Thấn – Chợ Gò Mỏ Neo – Hói Chợ Gò - Trà Nhiêu, tổng chiều dài ước tính khoảng 15km (người dân ở Chợ Gò gọi đoạn từ Chợ Gò đến chỗ đổ ra Thu Bồn là cái “hói”, là một đoạn sông rộng và sâu).
Theo các nhân sĩ, cao niên có hiểu biết về sông Đào thì các địa danh trên đây đều không một ai từng thấy “ghe bầu” mà chỉ “nghe cha ông nói ngày xưa có ghe bầu qua lại”; đồng thời khái niệm “sông Đào” chỉ có địa bàn thị trấn Nam Phước, còn người ở các xã Duy Phước,Duy Vinh thì cho rằng đó là con sông hoặc kênh rạch tự nhiên từ thời Chiêm Thành, có thể được con người nạo vét khi bị bồi lấp, chứ nếu tự đào thì sẽ đào thẳng từ diểm cầu Bàu Vân ra bến Câu Lâu, sông Thu Bồn chỉ dài 1,5km hoặc đào thẳng từ điểm cầu Bàu Vân xuống Chợ Gò Mỏ Neo để khỏi tốn công, chứ không ai đi đào quanh Diều Gà - Lang Châu kéo dài 3 km.
Điều này trùng lắp với sách Đại Nam nhất thống chí (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006) có ghi ở trang 423: “Sông Lang Châu: ở cách huyện Duy Xuyên chừng một dặm về phía đông bắc, là chi lưu của sông Mãi Xuyên(Phải chăng từ “Mỹ Xuyên” đã đọc chệch thành “Mãi Xuyên”?), nước sông thuận dòng chảy xuống đổ vào sông Bàn Thạch, mùa thu mùa đông có thể lội qua, mùa xuân mùa hạ khô nước.” Các cụ ở Kim Bồng - Trà Nhiêu đều nhấn mạnh đặc điểm xưa nay của các nhánh sông ở vùng sa bồi này là thường xuyên chuyển đổi dòng chảy, chỉ sau một trận lụt lớn là có thể phải đổi từ đi bộ sang đi đò (hoặc ngược lại) từ nơi này qua nơi khác; nên ban đầu Trà Nhiêu là vốn một phố cảng sầm uất nhưng sau đó phải chuyển sang xây dựng phía Hội An, còn phố cảng Trà Nhiêu ngày xưa thì bây giờ đã ở trước chùa Trà Nam, cách bờ sông Kim Bồng gần 400m về phía Nam.
Qua tất cả những cứ liệu nêu trên, có thể cho phép ta đưa ra mấy nhận định như sau:
Đập bà Thư: ở đoạn "Hói Chợ Gò", cách cửa sông Thu Bồn 300m
Nếu cho rằng “con sông đào tách Mỹ Xuyên thành Mỹ Xuyên Đôngvà Mỹ Xuyên Tây” thì con sông đó phải được đào để nối với sông Lang Châu từ thời Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng hoặc vốn là "sông Lang Châu" như Đại Nam nhất thống chí đã ghi chứ không phải đào dưới thời vua Minh Mạng. Các quyển sử biên niên triều Nguyễn không hề nhắc đến việc “đào sông” ở Mỹ Xuyên. Ngày xưa, Trà Kiệu là nơi đặt kinh đô của vương quốc Lâm Ấp từ khoảng năm 605 đến năm 757 với tên gọi là Simhapura nên con sông Lang Châu từ Hói Chợ Gò đến Cầu Chìm rồi theo nhánh sông Trước của sông Thu Bồn ở Chiêm Sơn chảy xuống để lên kinh đô Simhapura và Thánh địa Mỹ Sơn. Đồng thời chi tiết "3 cơ thủy quân của dinh Quảng Nam" nêu trong "Thông báo Hán Nôm" trên đây, có thể cũng sẽ đi bằng đường thuỷ trên con sông nêu trên để đến Trà Kiệu theo lệnh của chúa Nguyễn giúp trùng tu chùa Bửu Châu.
Từ Chợ Gò Mỏ Neo nhìn về phía Tây Duy Xuyên, dòng sông cũng đã thành ruộng lúa
Làng Mỹ Xuyên tách thành Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây từ trước năm 1776 nên tên của cả 2 làng mới có trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.
Tên làng Mỹ Xuyên Tây có trong danh sách 7 xã tham gia giúp trùng tu chùa Bửu Châu năm 1642 như đã ghi bằng chữ Hán trong “Gia phả Nguyễn Trường Tộc – nguyên bản Mạc Tộc – Phái hệ Mạc Cảnh Huống” là một hiện thực khách quan, vốn được GS. Trần Quốc Vượng công bố năm 1995 và GSHuỳnh Ngọc Bá (Đại học Huế) công bố năm 1997 trên Website “Viện nghiên cứu Hán Nôm” nên có thể khẳng định rằng làng Mỹ Xuyên tách thành Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây từ trước năm 1642.
Nơi tiếp giáp giữa Hói Chợ Gò (bờ tre) với sông Thu Bồn, đang xây cây cầu nối phía cực Đông của Duy Phước với Cẩm Kim Hội An
Đây là một căn cứ để giải đáp nhiều khúc mắc đang còn tồn đọng, giúp cả 2 làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tâyvà chư tộc phái ở 2 làng có thể soi rọi lịch sử hình thành và phát triển của địa phương và chư tộc phái của mình.
Hoàng Thơ ghi theo tư liệu của Trần Văn Hảo