A+ A A-

Dĩ vãng một làng nghề

        Có thể nói người cuối cùng kể tôi nghe chuyện về làng lụa là ông Trần Hữu Phương (48 tuổi, trú Duy Xuyên, Quảng Nam), truyền nhân 18 đời của nghề dệt vải Mã Châu. Ông Phương sinh ra và lớn lên cùng với tiếng thoi dệt lụa của mẹ. Đến khi cha ông qua đời vì tai nạn giao thông trong một lần đi lấy hàng cũng là lúc cậu bé Phương phải cùng mẹ gồng gánh lo cho 5 đứa em. Nhiều năm bôn ba trong Sài Gòn học nghề dệt, ông Phương trở về quê với ước mơ được gầy dựng một cơ sở sản xuất vải truyền thống của gia đình. Với ý chí quyết tâm, mặc cho cả làng đã bỏ nghề chuyển sang dệt hiện đại, ông vẫn vượt qua mọi khó khăn để mỗi ngày trên xứ lụa vẫn rộn ràng tiếng thoi đưa. Ông Phương cười buồn: "Làng nghề của mình nói về mức độ tinh xảo không thua kém gì những làng lụa Hà Đông, Bảo Lộc, thế nhưng chẳng mấy ai biết đến tên tuổi. Hàng trăm năm trước lụa Mã Châu từng được phi tần, cung nữ triều đình Huế rất mực ưa chuộng. Bên cạnh đó do địa thế thuận lợi gần thương cảng Hội An nên lụa Mã Châu được xuất đi nhiều nơi trên thế giới, đó là thời hoàng kim nhất của nghề ươm tơ dệt lụa nơi đây. Rồi những năm chiến tranh khiến cuộc sống con người không ổn định, mọi thứ bị tàn phá nên nghề dệt cũng không còn thuận lợi như trước. Dân di tản hết thì lấy ai trồng dâu nuôi tằm?". Không chỉ riêng trong khu vực làng nghề Mã Châu mà còn trải rộng ra từ Huế đổ vào miền Nam ông Phương khẳng định hiện nay chỉ còn gia đình ông là còn làm nghề theo cách truyền thống. Chính ông vẫn ngày ngày chăm bẵm từng cây dâu, con kén để cho ra đời những thước vải tơ tằm chính hiệu. "Người ta gọi là "chăn tằm" bởi nuôi được con tằm khó khăn lắm. Con tằm vô cùng nhạy cảm với thời tiết cho nên nếu không có kinh nghiệm là hỏng ngay. Rồi để dệt được 100% sợi tơ tằm phải trải qua hàng chục công đoạn, người thợ dệt phải ngồi canh cho sợi tơ đều nhau. Trong khi đó dệt sợi cotton, tổng hợp chỉ cần bỏ trục vào máy bấm nút là xong. Khó khăn như vậy khiến giá thành của lụa tơ tằm cũng cao hơn những loại vải khác, khiến thị trường quay lưng với vải dệt truyền thống, người làm nghề cũng không sống được với nghề", ông Phương tâm sự.

         Di vang mot lang ngheBai cuoi: Truyen nhan cuoi cung - Anh 1

Ông Trần Hữu Phương bên những thước vải tơ tằm       

       Hiện nay, cơ sở dệt lụa của ông Phương đang duy trì 8 nhân công. Để duy trì cuộc sống, ông Phương vẫn sản xuất những mặt hàng lụa giá thành rẻ có pha sợi nilon. Mặt khác ông Phương vẫn sản xuất những mặt hàng cao cấp 100% tơ tằm, âm thầm nghiên cứu cách pha chế màu nhuộm vải truyền thống. "Những người thợ của làng lụa Hà Đông họ cũng chỉ nắm công thức của 3,4 màu chính. Nhưng ở đây tôi đã thu thập được bí quyết của gần 20 màu nhuộm vải tự nhiên. Từ vỏ cau, lá cây, phèn chua... mỗi màu là một quá trình nghiên cứu chắt lọc từ kinh nghiệm của cha ông". Để có được bí quyết của các màu vải ông Phương đã phải dày công nghiên cứu, tìm tòi bởi ngày xưa mỗi dòng họ nắm giữ một cách nhuộm màu khác nhau. Tuy nhiên vì chưa có kinh phí cũng như chưa có điều kiện thích hợp ông Phương vẫn chỉ ấp ủ những mơ ước về việc sản xuất vải nhuộm tự nhiên cho riêng mình. "Số dâu tằm gia đình tôi sản xuất cũng chỉ đủ một phần rất nhỏ. Không còn nguồn dâu tằm, tôi phải nhập từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) về nên giá thành nguyên liệu cũng mắc hơn. Đầu ra của cơ sở chúng tôi bây giờ 70% là gia công lại cho các làng nghề lớn phía bắc. Họ là những làng nghề làm du lịch nên không thể có được bí quyết chân truyền như mình. Có đôi khi đi thăm quan du lịch đâu đó thấy vải mình dệt ra đứng tên làng nghề khác tôi cũng đau cũng buồn lắm nhưng nếu không làm như vậy đến chính tôi cũng không thể tồn tại nữa huống hồ gì nuôi dưỡng nghề dệt truyền thống", ông Phương chia sẻ.

Di vang mot lang ngheBai cuoi: Truyen nhan cuoi cung - Anh 2         

Cơ sở dệt lụa của ông Phương nay chỉ còn 8 người trụ lại với nghề                                                                                         

       Thế nhưng cũng chính vì đam mê nghề, sống chết với cái kén con tằm mà dù làng dệt đã trải qua biết bao cơn biến động, cơ sở của ông Phương vẫn tồn tại. Khi làng dệt phải đương đầu bên bờ phá sản, hàng trăm gia đình phải bán máy dệt thì hàng tơ tằm của ông Phương vẫn đều đặn xuất đi. "Những năm gần đây nhiều cơ sở lụa ở Hội An điêu đứng thì chúng tôi vẫn bán được hàng. Người Tây họ tinh ý lắm, hàng thật, hàng dỏm thế nào họ biết ngay. Thi thoảng còn có các nhà thiết kế lớn đặt hàng chúng tôi làm những mặt hàng tơ lụa phức tạp, khi đó vui lắm bởi thêm một khách hàng là thêm một cơ hội cho nghề dệt". Mơ ước lớn nhất của ông Phương lúc này là có kinh phí để cải tạo lại cơ sở sản xuất tạo thành một điểm tham quan trên tuyến du lịch Hội An - Mỹ Sơn. Đa, con gái lớn của ông vừa tốt nghiệp đại học cũng đang thay cha quản lý cơ sở vải lụa tại Hội An. "Cũng có nhiều người khuyên nên làm đề án rồi xin kinh phí đầu tư từ tỉnh, nhưng nói thật, tôi chỉ biết dệt lụa, chữ nghĩa không có bao nhiêu làm sao biết được cách thức xây dựng đề án như thế nào. Bản thân tôi năm 2016 cũng chỉ được công nhận là thợ giỏi chứ không phải nghệ nhân. Cả một làng nghề mấy trăm năm mà không có lấy nổi một nghệ nhân thì sao có tiền đề tồn tại? Tôi chỉ mong chính quyền địa phương thấy được sự tâm huyết của tôi có được sự hỗ trợ cần thiết để tôi có thể chèo lái phát triển nghề dệt của gia đình cũng là chút hy vọng cuối cùng cho làng dệt lụa Mã Châu", ông Phương tâm sự.

HÀ DUNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19801214
Hôm nay
Hôm qua
5335
10160