Bánh củ gừng là món ăn truyền thống của người Chăm tại Ninh Thuận và miền Tây Nam bộ. Thú vị hơn, món bánh này còn tìm thấy ở Lễ hội Bà Thu Bồn (làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
Thành phẩm mâm bánh củ gừng.
Nhớ lại ba năm trước (2019), chúng tôi có dịp tham dự Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức trong hai ngày 11-2 và 12-2 Âm lịch. Những năm sau này nghe nói do dịch Covid-19 mà lễ hội chỉ còn phần Lễ cúng Bà, chứ không còn phần hội.
Rồi trong phần Lễ cúng Bà đó, chúng tôi rất ấn tượng với món bánh củ gừng bởi nó được hội phụ nữ các thôn ở xã Duy Tân thực hiện và quảng diễn ngay tại khu vực Lăng Bà để dâng cúng “Bà mẹ xứ sở” và quảng bá, giới thiệu cho du khách trong và ngoài địa phương.
Sở dĩ bánh có tên là “củ gừng” bởi lẽ ngoại hình từng chiếc bánh giống hình củ gừng. Bánh củ gừng là một loại bánh khá lạ, tuy đã có mặt từ khá lâu trong mâm lễ vật dâng cúng vào mùa Xuân trong các dịp lễ, tết hoặc gia đình có tang ma ở vùng đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên). Đặc biệt, nếu nhà có người mất, thì mâm cúng ngày đầu tiên phải có bánh củ gừng…
Chị Hồ Thị Bảy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duy Tân, lúc ấy cho hay càng ngày, đời sống của cư dân khá lên, hầu hết nhà nào cũng làm bánh gừng trong dịp lễ, tết. Những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh ngon đẹp mắt nên bánh củ gừng ít được chuộng. Tuy nhiên, ở đây họ vẫn làm và dâng cúng lên Bà Thu Bồn trong ngày lễ; mâm lễ gọi là thiếu sót nếu không hiện diện mâm bánh củ gừng.
Rồi một dịp tình cờ xem báo tôi được biết bánh củ gừng là một trong những lễ vật không thể thiếu của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và miền Tây Nam bộ chế biến để dâng cúng tổ tiên với mong ước cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc. Từ đó tôi mới biết thì ra loại bánh này có nguồn gốc từ người Chăm. Có lẽ từ xa xưa họ đã sinh sống trên mảnh đất này và đã dạy lại cách làm bánh củ gừng cho người Việt. Cho nên, về trẫy hội Lăng Bà Thu Bồn, du khách còn nghe lưu truyền câu ca:
Mùa Xuân ăn bánh củ gừng
Dẫu nghèo, dẫu khó xin đừng bỏ nhau
Nguyên liệu làm bánh củ gừng là hỗn hợp bột gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu rồi đem giã nhuyễn. Bột được các mẹ, các chị khéo léo nặn thành hình giống củ gừng đem chiên giòn rồi nhúng vào nước đường sẽ cho ra những chiếc bánh bóng mịn và không bị vênh. Cuối cùng là phơi khô bánh khoảng 10-15 phút để tăng độ giòn.
Bánh củ gừng được nặn tạo hình.
Bà Nguyễn Thị Cường (70 tuổi, Trưởng thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân) cho hay, trước khi làm bánh gừng, thì bột nếp (cùng một ít đường) được nhào nhuyễn với nước lã vừa đủ kết dính. Sau đó nặn và tạo hình hỗn hợp rồi gắn kết với nhau thành hình củ gừng trên bề mặt lá chuối.
Để tránh bánh bị gãy, người làm bê nguyên lá chuối nhẹ nhàng bỏ vào chảo dầu đang sôi để chiên bánh. Nhiệt độ của dầu ăn nhanh chóng bóc tách bánh gừng khỏi lá chuối, người chiên vớt lá chuối ra để khỏi bị cháy, làm đen chảo dầu. Chiên đến khi nào bánh chín vàng, gần giống màu củ gừng là vớt ra để nguội và cuối cùng là gắn từng chiếc bánh xung quanh một mâm bánh có trụ hình tháp khá đẹp mắt để dâng cúng Bà.
Sau tạo hình bánh được mang đi chiên.
Bánh sau chiên được vớt ra để nguội.
Thành phẩm bánh củ gừng.
Được biết, trong phong tục đồng bào Chăm, bánh gừng cũng là “phẩm vật” quan trọng trong các lễ hội, nhất là ngày tết Katê, cùng với bánh tét (paynung) và bánh gang tay (gakiya). Người Chăm quan niệm, bánh tét là “dương”, tượng trưng cho người chồng; bánh gang tay thuộc “âm”, tượng trưng người vợ; bánh củ gừng (gọi là Hargìnònya) hòa hợp âm dương, tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng.
Có lẽ, chính sự hòa quyện của văn hóa các dân tộc anh em trên vùng đất Thánh địa Mỹ Sơn đã tạo nên một Lễ hội Bà Thu Bồn vô cùng đặc sắc, ấn tượng. Để rồi, những ngày cuối Xuân, du khách các nơi lại tụ tập về đây lắng nghe câu chuyện văn hóa của vùng đất thượng nguồn sông Thu, tạo nên một thương hiệu lễ hội rất riêng của xứ Quảng. Mùa xuân, khí trời mát mẻ, trăm hoa đua nở, vừa uống trà vừa thưởng thức bánh củ gừng giòn rụm, thơm ngon mà dễ “nơi mô” có được là một trải nghiệm khó quên.