Với thời tiết giá lạnh những ngày cuối năm này, ai cũng ngại ra đường và mong được làm việc trong môi trường ấm áp. Thế nhưng những người gắn bó với công việc đánh bắt cá, trong đó có ngư dân xã Duy Hải ngày ngày vẫn bám lấy biển, mặc kệ gió mưa để mang về những khoang thuyền đầy ắp cá. Cảnh tấp nập mua bán, vận chuyển cá tôm mỗi khi những con thuyền ấy cập bến mang lại không khí tươi vui, mới mẻ của một buổi sáng ngập sương lạnh buốt.

Bội thu ghẹ
Chuyến đi, bắt đầu từ 8 giờ ngày hôm qua đến sáng sớm ngày hôm sau thì thuyền laị cập bến. Và ngay tại cảng, hàng chục con người buôn đã đợi sẵn ở đấy để đón lấy những mẻ cá tươi ngon.
Mùa này, ghẹ sinh sôi và phát triển rất mạnh. Lại được cái cứng chắc nên rất được lòng người mua. Ngư dân Trần Đình Phùng (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải) chia sẻ: “Ghẹ biển đánh bắt quanh năm nhưng được mùa ghẹ ngon và nhiều thì đánh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng giêng âm lịch. Đánh bắt ghẹ thì dùng thuyền có công suất không lớn từ 30CV đến 60CV, thuyền của tôi thì có 6 ngư dân, ngày hôm qua ra biển thì chúng tôi thu được 120kg ghẹ và khoảng 100kg cá nhiều loại”. Ghẹ được thu mua với giá bình quân từ 30 đến 40 nghìn đồng/1kg; ghẹ loại 1, ghẹ xanh thì giá cao hơn từ 200 đến 300 nghìn đồng/1kg; cá bạc má có giá từ 30-40 nghìn đồng/1kg và nhiều loại các khác như các dảnh, cá mối, cá nục. “Ghẹ mùa này bán khá chạy nên tôi cũng vui lắm!”- anh Phùng chia sẻ thêm.
Thu lưới về
Không chỉ những chuyến đi biển cuối năm mà bất kỳ lần giăng lưới nào trong năm thì mong ước lớn nhất của ngư dân vẫn là một mùa bội thu. Thế nhưng không phải khi nào trở về khoang thuyền cũng nặng đầy tôm cá. Bởi cái nghề vốn đầy khó khăn và nguy hiểm này “hên xui” lắm, không chỉ phụ thuộc vào thời tiết khí hậu mà còn phải tùy thuộc vào giá cả thị trường. Ông Nguyễn Văn Trúc - một người dân gắn bó với nghề biển hơn 20 năm bày tỏ: “Năm nay đi biển chưa trúng đậm lắm, so với năm ngoái thì không bằng, sau một ngày đêm đi đánh bắt cá, ghẹ thì trừ chi phí ra mỗi người thu nhập được từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Tiền công đi biển thì không chừng có khi may mắn thả lưới thì được đậm còn không thì chỉ được chút ít vào bờ”.
Lưới, rập, lờ biển và thúng cheo là những ngư cụ thiết yếu phục vụ cho ngư dân mỗi chuyến đi biển. Đánh bắt ghẹ thì lưới nhanh hỏng và rối nhiều nên về phải tháo gỡ và vá lại, từng công đoạn từng mũi đan rất cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Rồi đâu lại vào đó để ngày mai tiếp tục cuộc mưu sinh trên biển cả.
Mỗi chuyến đi như là mỗi cơ duyên mà đánh bắt được nhiều hay ít, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, những ngư dân thôn quê Duy Hải vẫn luôn khao khát, tin yêu vào một ngày mai tươi sáng, bội thu tốt đẹp; vẫn thúng lưới sẵng sàng cho cuộc hành trình bám biển của những ngày cuối năm. Tất cả vì một cái Tết Mậu Tuất đang đến gần ấm cúng và đầy đủ hơn.
Thủy Tiên