Với mong muốn vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, nhiều năm trở lại đây bằng nghề trồng hoa và ươm giống cây công nghiệp lâu năm. Anh Huỳnh Tấn Đồng, 42 tuổi ở tại thôn An Trung, xã Duy Trung đã xây dựng được mô hình nông nghiệp hiệu quả do anh làm chủ và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Anh Đồng cho hoa vào chậu
Anh Đồng có sở thích trồng hoa. Vì vậy, mà anh chọn và thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế Nông nghiệp ở thành phố Huế. Năm 2003, tốt nghiệp đại học anh Đồng quyết định về quê nhà lập nghiệp. Những ngày đầu trồng hoa, thị trường tiêu thụ hoa chưa mạnh, đầu mối tiêu thụ hoa chưa nhiều nên công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt hoa hư hại nhiều nên anh chỉ biết lấy công làm lời.
Từ năm 2012 trở lại đây, anh Đồng chuyên trồng hoa, ươm cây keo và cây ăn quả quanh năm. Gặp anh Đồng vào một buổi trưa trời mưa bay lất phất, khi tất cả mọi người chuẩn bị ra về nghỉ trưa, chúng tôi thấy anh vẫn hăng say làm việc. Trên mảnh đất anh thuê tại cụm công nghiệp Tây An thuộc xã Duy Trung rộng 3.500m2 với hơn 15 loại hoa: cúc nhiều loại, hoa mắt nai, xác pháo, đồng tiền, cẩm chướng, và cây lâm nghiệp, cây ăn quả như: keo lá tràm, dương liễu, mít, mận, mãng cầu. Anh tâm sự: “Làm gì cũng vậy, nhất là làm nông nghiệp, siêng năng là một điều rất quan trọng để quyết định sự thành công. Tại mảnh đất Tây An này, khí hậu khắc nghiệt lắm, để trồng được thì cũng phụ thuộc vào ông trời, nhưng quan trọng nhất vẫn là bước chọn giống làm sao cho phù hợp với khí hậu của vùng, ở đây được cái nhân công rẻ, nhiệt tình, đất thì thoát nước tốt”.
Vườn hoa của anh Đồng
Muốn có một chậu hoa đẹp, một cây trồng khỏe mạnh thì cách trồng là một điều quan trọng không kém. Ban đầu, anh Đồng ươm giống vào bầu nilon để cho hạt giống nảy mầm tốt, khi cây cứng cáp thì bỏ vào chậu với hỗn hợp đất trồng gồm tro, trấu, phân hoai mục và đất tơi xốp. Tùy loại hoa mà anh có cách chăm sóc và sang chậu khác nhau. Phòng trừ sâu bệnh hại cho hoa một số loại côn trùng gây hại như kiến, dế, sâu đất phá hại rễ và hạt mầm. Theo anh Đồng hoa phải trồng nơi thoáng mát, có ánh sáng nhiều, không bị rợp bóng. Anh liên tục theo dõi quá trình sinh trưởng của cây để có biện pháp xử lý phù hợp khi bị nhiễm bệnh. Anh luôn học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, bạn bè ở xa cũng như tham khảo từ mạng internet. Trong quá trình trồng hoa tết, nếu hoa ra búp sớm anh tiến hành bẻ búp cho hoa đẻ nhánh để cây nở ra to và có nhiều hoa hơn, đó là đối với hoa mắt nai. Còn hoa cúc thì phải chong điện để cây sinh trưởng phát triển tốt, thời gian nhận ánh sáng của hoa cúc từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày, nếu không đủ lượng ánh sáng cum cấp thì hoa cúc sẽ chết búp và tạo mầm hoa. Đây là bí quyết riêng để hoa nở đúng dịp tết.
Tùy loại hoa ngắn ngày, dài ngày mà anh có cách ươm ở những giai đoạn khác nhau trong năm và tùy đơn đặt hàng của các đại lý mà anh có ươm cây với số lượng hợp lí. Thị trường hoa của anh chủ yếu tại Đà Nẵng và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, đặc biệt là huyện Quế Sơn, anh phân phối số lượng cây ươm lớn từ 15.000 cây đến 20.000 cây. Còn các loại hoa như cúc không bỏ chậu những ngày bình thường bán giá 3000 đồng một cây nhưng khi tết đến thì giá tăng lên 10.000 đồng một cây.
Hàng năm anh Huỳnh Tấn Đồng thu nhập khá cao từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng từ nghề trồng hoa và ươm giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Cơ sở trồng hoa của anh Đồng tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương, tiền công mỗi người 140 nghìn đồng trên một ngày. Bình quân mỗi người thu nhập hơn 4 triệu đồng một tháng. Bà Nguyễn Thị An đang làm công cho anh Đồng, tâm sự “ở đây thì làm nhiều công đoạn lắm, tuy hơi cực nhưng vẫn đỡ hơn phần nào so với việc làm ruộng, ngày làm 10 tiếng, làm ngày nào trả lương ngày đó, đủ trang trải cuộc sống”.
Được biết, trong 5 năm qua, anh Huỳnh Tấn Đồng luôn đạt danh hiệu “nông dân sản xuất giỏi” cấp xã, huyện và gần đây, năm 2016 anh được công nhận “nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Trung, anh Đồng không chỉ vận động bà con cố gắng thực hiện và thay đổi nghề mà còn là tấm gương sáng của một người nông dân giỏi cho bà con địa phương noi theo.
Trong tương lai anh Huỳnh Tấn Đồng mở thêm một cơ sở mới với diện tích 2,5ha tại Gò Dài cách cơ sở cũ không xa để chuyên ươm cây giống và trồng măng tây - một loại cây còn khá xa lạ đối với bà con vùng nông thôn. Hiện anh đang khai hoang đất, đóng giếng để có nước thiết kế mạch nước phục vụ cho tưới tiêu, thuê thêm nhân công và tiến hành chọn giống đưa vào sản xuất.
Lê Tình- Thủy Tiên