A+ A A-

LỜI TỪ RUỘT CÁT!

      Bữa đó, gặp Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) là anh Nguyễn Văn Thống trong thang máy Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, ngó bộ  bơ phờ, bèn hỏi, liền nhận được tiếng thở dài kín đáo, rằng con đau sốt, rồi anh lắc đầu ngao ngán nói “tùm lum dưới nớ anh ơi, quanh chuyện giải tỏa bồi thường tái định cư khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An”.

      1. Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải Võ Văn Toan chào bằng lời ca cẩm “tau cũng gần chết rồi, đau đầu mất ngủ, ngán tới óc”.  “Họp chi hả anh?”. “Mời mấy hộ xây dựng trái phép lên làm việc. Mệt quá trời rồi”. “Cái chi cũng có lý có tình của nó, đâu phải căng cai kẻ vạch mà… chém đâu”. “Thì đúng rồi, nhưng lộn xộn lắm, cứ lo canh làm bậy, rồi lấn chiếm, cạnh tranh, mời lên giải quyết là hết ngày hết giờ, bên ủy ban rối lên đó. Ví dụ nhà đông người, xuống cấp rồi, họ xây thêm một hai phòng, lý do đưa ra là có chỗ cho con ở, phòng mưa bão, thì đó là chính đáng, bởi dù gì phải cũng phải sống, lo cho yên chỗ ăn ở, còn những trường hợp trục lợi thì không được đâu, cứ xây đại lên đòi bồi thường, rồi làm phòng trọ tứ tung cho thuê, vì Duy Hải bây giờ công nhân về đông lắm”. Mức bồi thường cao nhất trong vùng dự án là 839 nghìn đồng/m2, thấp nhất là 232 nghìn đồng/m2, nhưng ở đây, chủ yếu nằm trong mức 397 nghìn đồng/m2. Tại hai thôn Tây Sơn Tây và Tây Sơn Đông (Duy Hải), trung tâm điểm của di dời, có đến hơn 400 hộ phải đi. Rục rịch đi rồi, vào khu tái định cư giai đoạn 1 gồm 39ha cũng ở Tây Sơn Đông, xây dựng cơ bản đã hơn 100 hộ. Con số vi phạm xây trái phép là 96 hộ. “Anh có dính giải tỏa không?”. “Có, anh được đền cả nhà lẫn đất (đất hơn 1ha), nhưng tau không chịu?”. “Bí thư thì phải làm gương chứ?”. “Không phải, đất anh trồng cây điều, nhưng được tính là đất rừng, đâu có được, tau đang để đó, mai mốt tính bà con răng thì mình rứa”. “Đền bù nhiều đó chú, đủ tiền xây nhà cao cửa rộng”.

         Một góc khu tái định cư Tây Sơn Đông (xã Duy Hải).Ảnh: T.VIỆT

Một góc khu tái định cư Tây Sơn Đông (xã Duy Hải).Ảnh: T.VIỆT       

Một góc khu tái định cư Tây Sơn Đông (xã Duy Hải).Ảnh: T.VIỆT

     Tôi nói, bây giờ quan trọng không phải là câu chuyện vi phạm hay không, bởi tất cả đã được thông báo quy hoạch, người ta quan tâm nhất đến công ăn việc làm khi đã vào khu tái định cư.  Anh Toan coi bộ phấn chấn: “Anh qua sòng bạc bên Ma Cao rồi, nhiều khu lắm, nơi to nhất của nó đến 46ha, giải quyết đến 13 nghìn lao động, con số này gần bằng hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa cộng lại. Họ cần lao động dữ lắm, ví dụ một sòng bài thì cần 3 người thay phiên chia bài/bàn; 1 người lượm tàn thuốc, 1 người xịt nước chùi rửa, 1 người xịt nước hoa; đầu quán ăn, mà quán tùm lum trong đó, có hai người chuyên đứng vẫy chào; rồi ca nhạc lưu động từng nhóm, mà toàn người 40 - 50 tuổi, già chứ phải trẻ đâu”. “Tức là nếu casino ở đây sẽ giải quyết được lao động địa phương?”. “Chứ răng?”. “Không được đào tạo du lịch, tiếng Anh, ai cho ông làm?”. “Thì đó đó…”. “Tỉnh đã có ý kiến chuyện này chưa?’. “Đang đề nghị thống kê những người trong độ tuổi lao động, nhưng anh em bận quá”. “Không làm đón đầu, mai mốt méo mặt”. “Ừ”.

     Tôi nhớ hôm trước ngồi với Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài, có đụng chuyện này. Anh Hài trầm tư rằng, về Duy Hải, nghe không ít tiếng than, rằng phải ra đi để nhường chỗ cho dự án, chỗ ở bao đời của cha ông để lại, chừ đi, đứt ruột, nhưng không thể không đi, nhưng đi mà xốn xang bao điều. Đi thì sống bằng chi? Nói là làm dự án du lịch, muốn con em địa phương vào làm thì phải đào tạo, mở trường lớp, nhưng ngay cả lúc khởi công dự án, sở của anh cũng chẳng được mời, không phải mình tham quà tham bạc ưng lên ti vi, nhưng đây là vấn đề quan trọng, đụng đến đất đai là đụng đến dân sinh, mà dân vùng đó, vốn sinh sống trên cái nền của lớp văn hóa cổ, rồi bàn chuyện đào tạo ra sao. Chưa có dự án di dời nào mà ngành văn hóa được mời với tư cách là đơn vị cho ý kiến về các vấn đề văn hóa… Tôi nói với anh Hài rằng, ai đọc cụ Nguyễn Bội Liên, sẽ biết cảng Trung Phường ở Duy Hải có trước cảng thị Hội An. Một bữa, lâu rồi, tôi về uống rượu với anh em ở đây nhân một đám giỗ, có ông già nói với tôi rằng cúng đất thì có câu “Trung Phường xứ”, câu nớ lâu lắm rồi… Giờ ra đi, mai này sòng bạc sẽ lấp hết, ai biết dưới đất kia, quá khứ chính là than đá (nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường), đang âm ỉ cháy, chất chứa bao điều không được biết tới. Cả một vệt văn hóa vùng đông với bao nhiêu vấn đề, không kỹ lưỡng, không nhìn xa, mai này sẽ chỉ còn lại ngậm ngùi.

          2. Tôi chạy xe vào khu tái định cư. Đúng như anh Toan nói, toàn nhà đổ 1 tấm trở lên, cả khu ngổn ngang công trình đã và đang xây. Người đàn ông đang tưới cây cho một nhà nào, nhìn tôi và chào, tôi nhớ ra, anh tên Đức, đã ngồi nhậu cùng tôi mấy lần. Nhà anh ở An Lương, chưa dính quy hoạch, nhưng nghe nói có thêm một dự án nào đó sẽ vào, lúc đó rồi cũng ra đi. “Lên đây, người già coi như… bó tay rồi, thanh niên thì chạy về lại dưới bãi làm biển, làm thợ hồ, làm bậy bậy chi đó, ở đây nhà xây thấp nhất là 650 triệu đồng, toàn ngon cả, nhưng tiền dư để làm chi, không có việc làm ổn định, bỏ ngân hàng, trước sau cũng rút ăn sạch quẹt, lúc nớ la làng không ai nghe, bà con nói vô đây coi chừng “nhà giàu cũng khóc”.

          Tôi tấp vào quán nước, vắng tanh, bà già và con gái đang ngồi ngó ra. “Tau mấy năm nữa sẽ chết, còn con tau, cháu tau, làm nhà to ri, không nghề, ăn hết tiền ngân hàng, lấy chi sống? Chừ chưa chi mô, họ làm tùm lum lên, muốn mua con cá để ăn, bị rào hết, biết đường mô mà đi. Tau nói là tụi bay đừng xây to cho lắm, giữ  tiền mà tính chuyện làm ăn…”. Câu chuyện này, bao nhiêu năm rồi, từ núi tới biển, y chang như rứa, nhưng tiền trong túi người ta chứ phải mình đâu. Có tiền xây, mua, phung phí, ăn chơi, rồi nảy sinh tội phạm, con đường cuối cùng là ngồi… đếm răng. Anh Toan nói rằng, ở đây không như bên Bình Minh (Thăng Bình) hay nơi khác, người ta hùn hạp lại sắm tàu to, lập tổ đội sản xuất, làm ăn lớn, mà cứ phần ai nấy thủ, nấy làm, xã vận động tuyên truyền mà có được chi đâu.

          Cam go chứ chẳng phải chơi. Bài toán dân sinh đặt ra gay gắt, chứ đừng nhìn vào chuyện động thổ khởi công mai này đóng góp ngân sách bao nhiêu. Người dân rồi sẽ sống bền vững không? Ngân sách tăng lên từ các khu công nghiệp, nhưng dân nông mất tư liệu sản xuất, ngành nghề thì quẩn quanh, nảy sinh các vấn đề xã hội. Đó mới là bài toán nan giải nhất lúc này.  

TRUNG VIỆT

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

22008094
Hôm nay
Hôm qua
1849
8094