Sáng 18/9, trời mưa như trút nước, vượt trên chục cây số 9 giờ sáng chúng
tôi có mặt tại âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa.
Bất chấp mưa ướt, lạnh
cóng ông Nguyễn Văn Tư ở thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải cùng 5 thuyền viên vẫn
hì hục kéo chiếc tàu cá mang số hiệu QNa 03595 vào sâu trong âu thuyền Hồng
Triều cột chặt nhiều dây neo vào các cọc trụ bê tông lớn nhằm chống va đập do
gió bão.
Tại âu thuyền nầy đã
có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải huyện
Duy Xuyên và các xã Bình Minh, Bình Dương neo đậu tránh trú bão. Ông Nguyễn Văn
Tư cho biết, rút kinh nghiệm năm 2007, cũng vì chủ quan nên bão lũ đã cuốn trôi
mất chiếc tàu câu mực lá của gia đình. Ông phải vay mượn khắp nơi mua lại chiếc
thuyền này. Trong những ngày qua, ông liên tục theo dõi bản tin của Đài tiếng
nói Việt Nam, Đài phát thanh- Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình
Duy Xuyên để nắm thông tin diễn biến cơn bão số 8. Ông Tư cho biết, tàu cá QNa
03595 của ông đang rập ghẹ trên vùng biển tỉnh Quảng Bình thì sáng 17.9 nhận
được tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 8. Lập tức, ông Tư và 5 thuyền
viên khẩn trương thu ngư cụ và nhổ neo chạy vào bờ.
Suốt cả buổi sáng
18.9, có mặt tại âu thuyền Hồng Triều Duy Nghĩa, chúng tôi thấy hàng trăm ngư
dân khác cũng hối hả đưa phương tiện đánh bắt của mình vào nơi tránh trú. Ông
Trần Châu Giang – Phó trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện
Duy Xuyên cho biết, ngoài gần 400 chiếc tàu của ngư dân 3 xã vùng đông huyện
Duy Xuyên, gồm: Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Vinh còn có cả trăm phương tiện khác
của ngư dân Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn vào nơi neo đậu tại âu thuyền ...
Trưa 18/9, ngược về
xã Duy Vinh, mưa to và gió lớn làm cho nước sông dâng cao, nhiều nơi nước đã tràn qua đường,
gây khó khăn cho việc đi lại. Nhiều người dầm mưa xúc cát đổ vào các bao lát, vỏ bao xi măng, chằng
chống nhà cửa.
Ông Trần Văn Sành-
Phó chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, để đối phó với bão số 8, Ban chỉ huy
phòng chống lụt bão xã phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên, tuyệt đối
không cho người và phương tiện qua lại trên các bến đò ngang; đẩy mạnh công tác
tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác tránh tư tưởng chủ quan của người
dân. Đồng thời, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã Duy Vinh kêu gọi ghe thuyền
vào nơi tránh bão an toàn, riêng các ghe thuyền nhỏ không được qua lại trên
sông… Trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân phát quang cây cối tránh ngã đổ.
Trước tình hình bão
khẩn cấp, lực lượng dân quân cơ động xã Duy Vinh được huy động trực chiến sẵn sàng sơ tán nhân
dân tại những nơi có nguy cơ đến nơi an
toàn, và thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra bão.
Ngay sau khi nhận
được thông tin cơn bão số 8 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp Duy Xuyên, từ sáng
ngày 18/9 tất cả 35 thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên
tai của huyện đều tỏa về cơ sở chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại các xã,
thị trấn, kiểm tra đôn đốc công tác ứng phó, cứu hộ tại 3 hồ chứa lớn Vĩnh
Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc; thông tin diễn biến về cơn bão đến tận người dân để
các hộ gia đình dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết đủ
dùng trong 7 ngày; tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản và nhân dân ở những nơi có nguy cơ mất an toàn
sẵn sàng sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương.
Hồ chứa Thạch Bàn là 1 trong 3 hồ chứa lớn của huyện Duy Xuyên, được xây dựng từ năm 1930, với dung tích trên
10 triệu mét khối nước
phục vụ tưới tiêu cho trên 700 ha đất sản xuất tại các xã Duy Thu, Duy Phú và
Duy Tân. Từ tháng 6 năm nay công trình được tỉnh đầu
tư sửa chữa, nâng cấp với thời hạn thi công 34 tháng, tổng kinh phí dự toán khoảng
118 tỷ đồng. Xác định đây là công trình thủy lợi trọng yếu của địa phương, đơn
vị trúng thầu là Công ty xây dựng Phú Hòa đã tập trung phương tiện, nhân lực làm
việc 3 ca/ ngày. Đến nay, đơn vị thi công đã nâng cấp được một số hàng mục của
thân đập chính, 5 đập phụ, tràn xả lũ, cầu qua tràn, cống lấy nước, gia cố 500
mét kênh chính đảm bảo mục tiêu phòng lũ, giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai gây
ra.
Quang Giác- Phi Thành