Hai mươi năm kể từ sau ngày tái lập Tỉnh Quảng Nam, tuy gặp muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân Duy Xuyên phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Tạo cơ sở vững chắc để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu năm 2020 trở thành huyện công nghiệp và huyện nông thôn mới.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Duy Hòa
Hai mươi năm qua, người dân Duy Xuyên vượt nắng thắng mưa, thiên tai, dịch bệnh làm nên những mùa vàng bội thu, những cánh đồng ngút ngàn màu xanh cây trái. Duy Xuyên đi lên xây dựng huyện công nghiệp từ một huyện thuần nông, vì vậy sản xuất nông nghiệp vẫn là nền tảng, là cơ sở bền vững, ổn định để phát triển các ngành kinh tế khác. Hàng loạt chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng đã được triển khai trên đồng đất Duy Xuyên, như “Dồn điền, đổi thửa”; thủy lợi hóa đất màu; kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa; đẩy mạnh liên kết, liên doanh đã được các cấp chính quyền của huyện thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn ở Duy Xuyên đã có sự đổi thay vượt bậc. Năng suất lúa luôn đạt bình quân ổn định gần 60 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực hơn 51.500 tấn( năm 2016).Nông dân đã biết tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng được nhiều vùng chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn và rau đậu theo phương thức hàng hóa. Vì vậy, mà câu chuyện 1 ha đất màu cho thu nhập từ 110 triệu đồng đến 160 triệu đồng/ 1 năm đã trở thành phổ biến trên đồng đất Duy Xuyên. Chỉ tính riêng năm 2016 tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp của huyện Duy Xuyên đạt 1.363 tỷ đồng, tăng 3,61% so với năm 2015.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thành công ở huyện Duy Xuyên. Chưa bao giờ trên vùng đất Duy Xuyên diễn ra một cuộc cách mạng kiến thiết nông nghiệp, nông thôn một cách mạnh mẽ, quyết liệt như chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong vòng 4 năm(2011-2015), toàn huyện đã huy động nguồn lực hơn 1500 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tạo diện mạo nông thôn khang trang, bề thế. Đến cuối năm 2015, toàn huyện đã có 4 xã điểm được công nhận xã nông thôn mới, đó là Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Trung, và đang tiếp tục triển khai xây dựng 4 xã nông thôn mới đến năm 2018 về đích là Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành và Duy Vinh. Đến năm 2020, 3 xã còn lại là Duy Thu, Duy Tân và Duy Phú. Như vậy, đến năm 2020 Duy Xuyên đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Có thể khẳng định, 20 năm qua nông nghiệp, nông thôn của huyện Duy Xuyên đã có bước chuyển biến rất dài về chất lượng, giá trị sản xuất, góp phần đáng kể chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao mức sống cho nông dân, xây dựng nông thôn ngày càng bề thế, sạch đẹp.
Khởi công xây dựng nhà máy sợi chỉ ở Cụm công nghiệp Tây An
Hai mươi năm qua, nền kinh tế của huyện Duy Xuyên chuyển dịch từ cơ cấu nông nghiệp- công nghiệp- thương mại dịch vụ chuyển dần sang cơ cấu công nghiệp- thương mại dịch vụ- nông nghiệp. Điều này đã thấy rõ ở năm 2016, khi mà chính quyền huyện Duy Xuyên tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là ưu tiên nguồn lực tài chính để thực hiện khâu bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, xây dựng bài bản kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, nên chỉ riêng năm 2016, Duy Xuyên thu hút thêm 5 dự án vào đầu tư với số vốn đăng ký 330 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp không còn tập trung ở khu trung như cách đây 20 năm mà rải đều ở 3 vùng: đông, trung, tây của huyện. Tính đến thời điểm này tại các cụm công nghiệp: Lang Châu Nam( Duy Phước); Tây An( Duy Trung); Đông Yên( Duy Trinh); Cồn Đu( Duy Châu); Gò Mỹ( Duy Tân) thu hút 31 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư 2.070 tỷ đồng. Năm 2016 giá trị sản xuất ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 2.714 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2015. Ngành công nghiệp phát triển đã giải quyết bài toán về chuyển dịch cơ cấu lao động, hiện tại huyện Duy Xuyên có 8000 lao động vào làm việc ở các cụm công nghiệp, góp phần tăng tỉ lệ lao động phi nông nghiệp lên đến 75%. Kể từ năm 1975 đến nay lần đầu tiên huyện Duy Xuyên xuất hiện cụm từ “thiếu nguồn lao động công nghiệp trầm trọng”.
Duy Xuyên đang quyết tâm chuyển dịch nền kinh tế sang thương mại - dịch vụ, có như vậy mới giải quyết bài toán khó về lao động công nghiệp. Các trung tâm thương mại ra đời, như khu phố chợ Nam Phước, Trà Kiệu, Kiểm Lâm, Phú Đa, Nồi Rang hoạt động khá sôi động. Khu phố chợ Nam Phước hình thành và đi vào hoạt động đã làm thay đổi hẳn bộ mặt phố xá thị trấn Nam Phước. Nhờ vậy, năm 2016, tổng giá trị ngành thương mại - dịch vụ của huyện đạt 3.078 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Song hành với phát triển thương mại, Duy Xuyên đã quyết liệt đầu tư để biến ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các điểm du lịch sinh thái: Trà Nhiêu, Duy Sơn; du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử kết nối thành vệ tinh quay quanh du lịch, tham quan, nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Năm 2016, huyện Duy Xuyên đã đầu tư mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh khâu quảng bá, nhất là Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên chỉ trong 1 năm đã đón 325.855 lượt khách du lịch, tăng 24,81% so với năm 2015 và tổng doanh thu đạt 48 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2015.
Duy Xuyên xác định phát triển kinh tế phải đi cùng với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy,huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề và đã đạt được những thành quả quan trọng. Hàng năm huyện tạo việc mới cho hơn 2500 lao động, hàng chục tỉ đồng vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển sản xuất. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2016 toàn huyện chỉ còn 6,91% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, giảm 1,3% so với năm 2015.
Bên trong Khu phố chợ Nam Phước
Hai mươi năm qua, lần đầu tiên người dân vùng đất đầy nắng và gió, “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” ở vùng cát ven biển Duy Nghĩa, Duy Hải biết đến một “siêu dự án” kể từ ngày 24/4/2016, tại xã Duy Hải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD. Dự án có diện tích 985,5 ha, thuộc 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên và xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ cuối 2010, do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư.
Tương lai phải nhìn thấy phía trước dần hiện rõ, khi dự án trọng điểm, mang tính động lực tại vùng Đông Quảng Nam nói chung, huyện Duy Xuyên nói riêng được động thổ khởi công. Chỉ riêng cho giai đoạn 1, Dự án tập trung đầu tư trên diện tích 163 ha, thuộc xã Duy Hải và xã Duy Nghĩa, với vốn đầu tư 550 triệu USD, dự án bao gồm nhiều hạng mục lớn như khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng, sân golt 18 lỗ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Kể từ đầu năm 2019, khi đưa vào khai thác từng phần, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ tạo ra thêm 2.000 việc làm.
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển các loại hình dịch vụ, đem lại nhiều việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân, trước hết là bà con nhân dân địa phương. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi ngay từ bây giờ chính quyền huyện và chính quyền xã phải có kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ cho nhân dân, nhất là đối với lao động trẻ sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế để đón đầu cơ hội phát triển, đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Một đô thị loại III sẽ hình thành ở vùng đất Duy Nghĩa và Duy Hải sau năm 2020.
Chính vì vậy, năm 2017, Duy Xuyên có cơ sở đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 14,9%, giá trị ngành thương mại - dịch vụ tăng 17,6%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,7%, tạo việc làm mới cho 2.500 lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,8 triệu đồng. Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, các cấp chính quyền của huyện Duy Xuyên quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Công Dũng, tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “ Đã đến lúc Duy Xuyên không thể phát triển công nghiệp được nữa, mà phải chuyển sang phát triển thương mại- dịch vụ du lịch, đầu tư trọng điểm xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch riêng có của vùng đất đầy tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, di tích, di sản và sinh thái. Đây là lời giải cho bài toán về giải quyết việc làm cho người lao động, và lúc đó du lịch sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững”.
Hai mươi năm qua, Duy Xuyên đồng hành cùng Quảng Nam trên đường đi tới, làm đổi thay diện mạo nông thôn và sắc thái đô thị, dần hình thành vóc dáng một huyện công nghiệp và huyện nông thôn mới. Duy Xuyên tiếp tục cùng đồng hành với tỉnh Quảng Nam trên tiến trình xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp sau năm 2020.
Hoàng Thơ