Nắng
nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn hecta rừng ở huyện Duy Xuyên luôn đặt trong
tình trạng báo động cao. Để chủ động ngăn chặn “giặc lửa”, chính quyền và ngành
chức năng ở huyện Duy Xuyên triển khai các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế đến
mức thấp nhất thiệt hại.
Ông Phan Đình Hảo
– Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Duy Xuyên cho biết, lúc 11h trưa ngày 30.5, một
đám cháy lớn đã bùng phát dữ dội ở khu vực triền núi Hòn Sẻ - Lăng mộ bà Đoàn
Qúy Phi (xã Duy Trinh) rồi nhanh chóng lan sang khu vực thôn Thọ Xuyên (xã Duy
Châu). Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Duy Xuyên, ngành chức
năng cùng chính quyền địa phương huy động hơn 200 người gồm công an, dân phòng,
lực lượng dân quân thường trực, thanh niên xung kích ở các xã lân cận và người
dân cùng dập lửa. Đến 17h, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Ông Hảo nói:
“Qua đo đạc, xác minh cụ thể cho thấy, đã có 9ha rừng keo lá tràm 3-4 năm tuổi
bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy nhiều
khả năng là do sự thiếu ý thức của người dân trong quá trình sử dụng lửa”.
Hiện nay, huyện
Duy Xuyên có 12.558ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 42% diện tích tự nhiên, trong
đó diện tích rừng phòng hộ là 8.573ha, rừng đặc dụng 1.081ha và 1.903ha rừng sản
xuất, phân bố ở 7 xã Duy Phú, Duy Thu, Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Sơn và
Duy Trung. Trong số các địa phương vừa nêu thì Duy Sơn và Duy Phú là nơi dễ xảy
ra cháy rừng nhất. Bởi đây là những nơi mà người dân thường xuyên vào rừng khai
thác gỗ, đốt dọn thực bì, học sinh tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại. Cạnh
đó, các nghĩa trang nằm ngay dưới các khu rừng, lượng người đến thắp hương, đốt
vàng mã rất đông đúc. Mặt khác đặc thù địa hình nhiều đồi núi, độ che phủ rừng
cao, lại có khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên lượng khách đến tham quan
đông đúc. Trước tình hình này, huyện Duy Xuyên củng cố, kiện toàn 9 đơn vị tham
gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng với 215 thành viên, hợp đồng 6 người trực
cháy trong thời gian nắng nóng cao điểm, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện tốt
các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là trong việc khai thác, xử lý
thực bì. Các địa phương có rừng xây dựng các phương án cụ thể, phù hợp với từng
khu vực và được trang bị các phương tiện chữa cháy như mũ cứng, rựa cán dài, áo
quần bảo hộ, bàn dập lửa, loa cầm tay, giày vải. Ngoài ra, khi xảy ra cháy,
lãnh đạo các xã huy động thêm các tổ, đội quần chúng, lực lượng xung kích. Trường
hợp cháy lớn, UBND huyện điều động thêm lực lượng công an, quân đội cùng phương
tiện, lực lượng khác. Ngoài ra, các ngành liên quan tiếp tục tăng cường công
tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hạt kiểm lâm huyện
làm mới, tu sửa bản cấm đóng tại bìa rừng và các khu vực có nguy cơ cháy cao.
Xây dựng và đặt biển báo cấm các phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng tại khu vực
trọng điểm. Đồng thời, duy trì sự phối hợp với các ban, ngành nhằm tăng cường
tuần tra kiểm soát, đảm bảo việc thực hiện tốt nhiệm vụ trực cháy trong suốt
mùa khô hanh, hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng…