Việc khai thác cát trái
phép diễn ra ba năm nay ở đoạn gần hạ lưu sông Thu Bồn, từ thị trấn Nam Phước
xuôi về xã Duy Phước, với các điểm cầu Câu Lâu (thôn Đình An, thị trấn Nam
Phước), đoạn thôn Câu Lâu Đông (xã Duy Phước) dài khoảng 2km...
Ở khu vực này có nhiều đống cát to tướng, xe múc,
xe ben ngang nhiên hoạt động. Thuyền bè đậu dọc sông, chờ thời cơ là ra hút cát
khiến một số đoạn bờ sông sụt lún, xói lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Các đối tượng không chỉ là người địa phương mà từ các nơi khác như huyện
Điện Bàn, thành phố Hội An tràn về. Đặc biệt, tại xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên)
người dân mua sắm thuyền cho các doanh nghiệp thuê để hút cát lậu.
Sở dĩ các nơi tập trung về đây hút trộm như vậy là
do khu vực này cát sạch, không nhiễm mặn, tốt cho việc xây dựng nên tình hình
ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Thế Hởi, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi
trường huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), cho rằng, lực lượng chức năng của huyện cũng
thường truy quét nhưng chưa thể dẹp được do quân số mỏng, phương tiện của cơ
quan chức năng thô sơ trong khi tàu thuyền của "cát tặc" hiện đại lại
hoạt động về đêm, có "tay trong" rải nhiều nơi trên bờ để thăm dò
động tĩnh. Hơn nữa, do hút trộm không đóng thuế nên đây là khoản siêu lợi nhuận
khiến nhiều trường hợp liều lĩnh, manh động...
Cuối năm 2014, đoàn truy quét của huyện Duy Xuyên
truy bắt được 7 ghe "cát tặc" của một doanh nghiệp tại Hội An, bị
truy đuổi các đối tượng về đây ẩn nấp. Phối hợp với lực lượng chức năng, đoàn
liên ngành đưa 2 ghe về neo tại xã Duy Phước để lập hồ sơ xử lí, thế nhưng vào
buổi tối chúng tổ chức 50 đối tượng đến khu vực tạm giữ cướp ghe vi phạm.
Trường hợp này đã bị phạt nặng.
Vừa qua sau đề xuất của huyện Duy Xuyên, UBND tỉnh
cũng đã chủ trương quy hoạch mở mỏ cát, nhưng người dân không đồng thuận.
"Khi cơ quan chức năng không kiên quyết thì cát tặc cũng vẫn lộng hành,
chẳng những gây mất an ninh trật tự, hụt khoản thuế của Nhà nước mà còn tốn
nhiều tiền của để truy quét...", ông Hởi chia sẻ.
Trước sự chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh Quảng
Nam, mới đây huyện Duy Xuyên đã lập tổ chốt chặn liên ngành 24/24 giờ tại xã
Duy Phước.
"Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp cấp thời chứ
lâu dài bền vững vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Cần nghiên cứu đẩy mạnh công tác
tuyên truyền tại các địa phương, thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp cho các
đối tượng vi phạm cũng như quy hoạch một số mỏ cát cho hợp lí”, ông Hởi nhấn
mạnh.
Hoài Hà( Báo Công an TP Hồ Chí Minh)