Gần 5 năm nay, nhiều hộ dân xã Duy Hòa (Duy Xuyên) bức xúc vì tình trạng khai thác cát làm ảnh hưởng đến đời sống tại khu dân cư. Có hộ bị mất đất vì sạt lở, có hộ lo lắng nhà cửa sẽ bị cuốn trôi khi mùa mưa bão đang đến gần.
Khai thác rầm rộ
Từ năm 2011 đến nay, diện tích đất của hộ ông Tàu Viết Thủ (69 tuổi, thôn Mỹ Lược, Duy Hòa) đã bị sạt lở vào 5m. Lũy tre sau vườn nhà ông cũng đã bị sụt lún xuống sông. Tại khu vực gần chợ Mỹ Lược, tình trạng sạt lở này dài hơn 200m, ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân đang sinh sống tại đây. Ngay cả công trình Bia tưởng niệm vụ thảm sát chợ Mỹ Lược cũng đã bị nứt, phần nền công trình này cũng bị cuốn trôi xuống sông.
Phần nền công trình Bia tưởng niệm vụ thảm sát chợ Mỹ Lược đã bị cuốn xuống sông. Ảnh: PHAN VINH
Theo những hộ dân ở đây, tình trạng sạt lở mạnh bắt đầu xuất hiện khi các đơn vị khai thác cát đặt ống hút trực tiếp tại khu vực sông này. “Người dân chúng tôi không biết là họ có được cấp phép khai thác hay không mà hút cả ngày lẫn đêm. Nóng nhất là vào ban đêm, mấy chục ghe hút cát tập trung tại khúc sông Thu Bồn này rầm rộ như một công trường, ồn ào đến nỗi người dân không thể nào ngủ được. Họ hút cát ở lòng sông làm đất trên bờ bị cuốn trôi xuống” - ông Thủ bức xúc.
Người dân lo lắng nếu bãi bồi mất, làng sẽ nguy hiểm khi có lũ lụt. Ảnh: PHAN VINH
Cũng trên địa phận xã Duy Hòa, tại thôn Phú Lạc, tình trạng múc trực tiếp cát ở bãi bồi xóm Gia Hòa cũng rầm rộ không kém khiến người dân lo lắng. Anh Huỳnh Mười (37 tuổi, thôn Phú Lạc) có 2 sào đậu trồng gần khu vực bãi bồi lo rằng trong thời gian đến sẽ không còn đất để canh tác. Anh Mười cho biết, cả làng bao nhiêu năm nay không bị sạt lở là nhờ có bãi cát ngoài sông. Nhưng từ hồi tháng 3.2016 đến nay, Công ty TNHH Phạm Thăng Long đến khai thác cát ở đây khiến người dân lo lắng rằng làng sẽ bị sạt lở nếu có lũ lụt.
Điều đáng nói, tình trạng khai thác cát diễn ra rất quy mô và ồn ào, hoạt động 24/24 giờ. Những đoàn xe chở cát liên tiếp nối đuôi nhau chạy qua khu vực đông dân cư gây bụi mù trời. Vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hơn 50 hộ dân tại đây. Bức xúc về tình trạng này, nhiều lần các hộ dân cùng nhau ra bãi bồi ngăn chặn các xe múc cát và xe chở cát, đã có lần người dân xảy ra xô xát với đơn vị khai thác cát.
Lần gần đây nhất, vào lúc 22 giờ ngày 23.8, Công ty TNHH Phạm Thăng Long đang thực hiện khai thác cát tại khu vực bãi bồi thôn Phú Lạc thì hơn 30 hộ dân ra ngăn chặn. Anh Nguyễn Văn Tấn (37 tuổi, thôn Phú Lạc) kể lại sự việc: “Lúc đó có hơn 10 xe tải liên tục ra vào khu vực bãi bồi để chở cát, còn có 2 xe múc hoạt động không ngừng nghỉ. Đang lúc khuya, cả làng không ai ngủ được vì tiếng ồn và bụi bặm nên rủ nhau ra ngăn không cho đơn vị khai thác hoạt động, sau đó họ có dừng lại”. Hiện, dù ngày hay đêm, các hộ dân tại đây đều phân từng nhóm nhỏ gồm 5 người thường xuyên túc trực để ngăn chặn đơn vị khai thác cát.
Sẽ kiểm tra, nhắc nhở
Theo thông tin từ UBND xã Duy Hòa, trong những lần tiếp xúc cử tri, địa phương đã ghi nhận phản ánh về tình trạng sạt lở tại thôn Mỹ Lược và ô nhiễm không khí, tiếng ồn do đơn vị khai thác cát gây ra ở thôn Phú Lạc.
Người dân ngăn chặn không cho xe vào khu vực khai thác cát. (Ảnh do người dân cung cấp)
Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết, tình trạng sạt lở đất tại khu dân cư thuộc thôn Mỹ Lược những năm gần đây là do sự thay đổi dòng chảy của sông Thu Bồn và hơn nữa, tình trạng khai thác cát trái phép tại đây cũng diễn ra khá phức tạp. Các đơn vị khai thác cát đặt ống hút cát gần sát bờ sông gây sụt lún nghiêm trọng phần đất của người dân cũng như các công trình công cộng gần đó. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên Phòng Tài nguyên - môi trường và UBND huyện Duy Xuyên về tình trạng này. Sau đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức truy quét những đối tượng khai thác cát trái phép nhưng vì "đội chim mồi" báo tin nên lực lượng không phát hiện được trường hợp nào. Đến khi đợt truy quét lắng xuống, tình trạng khai thác cát tại đây lại tiếp tục diễn ra. “Có lần chúng tôi phát hiện ghe đang hút cát gần khu vực trạm bơm Mỹ Lược, đến nhắc nhở mà các đối tượng này vẫn chây ì không chịu đi. Hiện tại, công an viên của xã và người dân chỉ biết túc trực tại đó để nhắc nhở các đối tượng khai thác cát đi chỗ khác chứ việc xử lý vi phạm nằm ngoài thẩm quyền của địa phương” - ông Hải cho biết thêm.
Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra khi không có lực lượng chức năng. Ảnh: PHAN VINH
Còn tại khu vực thôn Phú Lạc, Công ty TNHH Phạm Thăng Long đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát tại khu vực bãi bồi xóm Gia Hòa. Theo hồ sơ, công ty này được phép khai thác trên diện tích 4ha (trữ lượng cho phép là 174.660m3 cát) trong thời gian 5 năm 8 tháng, với công suất 32 nghìn mét khối/năm. Hồ sơ cũng quy định, công ty này chỉ được khai thác trong khoảng thời gian từ 6 đến 18 giờ và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác.
Ông Ngô Bốn - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Duy Xuyên cho biết, trong thời gian bắt đầu khai thác từ tháng 3.2016, Công ty TNHH Phạm Thăng Long thường xuyên vi phạm các quy định về thời gian khai thác và gây ô nhiễm môi trường với khu vực dân cư liền kề. Trong những lần đối thoại với người dân, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều phản ánh, bức xúc của người dân về tình trạng trên.
“Chúng tôi đã yêu cầu công ty này chấp hành đúng các quy định về thời gian, không được khai thác cát trước 6 giờ và sau 18 giờ. Đề nghị công ty lập niêm yết công khai kế hoạch bảo vệ môi trường, đồng thời làm vạch giới hạn khai thác để người dân được nắm rõ” - ông Bốn cho biết thêm.
Nói về tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân tại thôn Mỹ Lược, ông Phạm Văn Sang - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Duy Xuyên cho rằng: “Ngoài nguyên nhân do các đơn vị khai thác cát trái phép thì trong quá trình thi công trạm bơm Duy Hòa cũng đã làm thay đổi dòng chảy của sông Thu Bồn dẫn đến tình trạng sạt lở đất. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị, địa phương có liên quan đến việc hút cát tại đoạn sông này để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép nói trên”.
PHAN VINH