Vụ việc diễn ra khoảng 7 giờ 30 phút sáng ngày 11.8, tại thôn An Lạc, xã Duy Thành.
Vào thời điểm trên, do lo ngại 2 bè hút cát đặt trên sông Ly Ly sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, từ đó tác động đến việc sạt lở nên hàng chục người dân ở tổ 8 đã kéo đến yêu cầu ngừng hút cát.
Người dân chỉ nơi đặt máy hút cát đã bị họ ngăn không cho hút. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Khi chúng tôi đến, 2 máy hút cát đã ngừng hoạt động, và chỉ còn vài người dân ở lại bên bờ sông.
Anh Nguyễn Văn Rin, ở tổ 8, cho biết cách đây khoảng 1 tuần, 2 bè hút cát được đặt trên sông Ly Ly thuộc địa phận tổ 9. Khoảng 3 ngày trở lại đây, 2 bè này tiến hành hút cát. “Đến sáng nay, khi họ hút cát, chúng tôi sợ sạt lở nên đã ra yêu cầu và họ cũng dừng hút cát” - anh Rin cho hay. Những người này còn cho biết, máy hút cát có công suất cao, đường ống rộng, có khả năng hút vài trăm mét khối cát mỗi ngày.
Ông Chín cho biết chỉ trong 4 năm, sông Ly Ly đã “gặm” hết của ông hết 20m đất ngang. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Còn ông Nguyễn Chín, ở tổ 8, cho biết sở dĩ ngăn không cho hút cát dù 2 máy hút cát đặt ở tổ 9, cách nhà ông khoảng vài trăm mét, là vì sợ khi cát bị hút đi, dòng chảy sẽ bị thay đổi, từ đó kéo theo sạt lở. Ông Chín còn cho biết, đoạn nhà ông ở nhiều năm nay luôn xảy ra sạt lở, chỉ trong vòng 4 năm, sông Ly Ly đã “gặm” của nhà ông 20m đất bề ngang tính từ mép sát sông trở vào.
Ông Chín cũng cho biết, tại đoạn này, mấy năm trước nhà nước có đến đo đạc để làm kè, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành xây dựng.
Một số hộ dân ở tổ 8 phản ảnh, chính quyền cho hút cát mặc dù chưa lấy ý kiến của họ. Đồng thời, họ cũng lo ngại có sự “gian dối” trong việc hút cát này, dù biết chủ trương chính của xã là hút cát để làm chợ và sân vận động cho xã.
Một góc chợ của xã Duy Thành dùng cát dưới sông Ly Ly để san lấp mặt bằng. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Trước sự việc này, chúng tôi tìm gặp ông Trần Thanh Thư - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành để ràm rõ. Về việc dân ngăn không cho hút cát, ông Thư xác nhận là có và hiện đang cho 2 máy hút cát này tạm dừng để trao đổi lại với dân. Hiện tại, đã hút được khoảng 40 - 50m3 cát.
Ông Thư cho biết, việc hút cát trên sông Ly Ly để xây dựng một số công trình cơ bản trong chương trình nông thôn mới của xã, mà chủ yếu là sang lấp mặt bằng của chợ và sân vận động, đã được huyện cho phép sau khi có sự nhất trí của UBND tỉnh.
Theo đó, dự kiến sẽ hút khoảng 10.000m3 cát phục vụ cho việc sang lấp mặt bằng của chợ và sân vận động, và việc hút cát chỉ kéo dài đến hết tháng 9.2016, khi mùa mưa bắt đầu.
Về lý do vì sao không mua cát từ nơi khác, mà phải hút ở lòng sông Ly Ly, ông Thư cho biết do ngân sách của xã ít, và việc hút cát ở sông Ly Ly sẽ tiết kiệm hơn nhiều. “Vì nếu mua, mỗi mét khối cát có giá khoảng 80 nghìn đồng. Trong khi đó, khi hút cát, thì mỗi mét khối chỉ tốn khoảng 30 nghìn đồng” - ông Thư cho hay.
Khi chúng tôi truyền đạt lại câu hỏi của người dân tổ 8 là sao chính quyền cho hút cát mà không lấy ý kiến dân, ông Thư cho hay trước khi hút cát, xã có lấy ý kiến dân, nhưng chỉ là người dân ở tổ 9 và tổ 5. Vì người dân ở 2 tổ này sống ở đôi bờ sông Ly Ly - nơi đặt máy hút cát. Trong khi đó, do nghĩ tổ 8 cách xa chỗ máy hút cát vài trăm mét, sẽ không bị ảnh nên xã Duy Thành không lấy ý kiến.
“Chiều nay, chúng tôi sẽ mời họp một số hộ dân ở tổ 8 có liên quan đến vụ việc. Trước mắt, việc hút cát sẽ tạm dừng, chỉ khi nào giải thích cho dân rõ xong, chúng tôi mới tiếp tục cho hút. Cũng xin nói luôn, trước khi xin ý kiến của huyện, chúng tôi cũng đã khảo sát kỹ những đoạn sẽ hút cát. Theo đó, chỉ hút cát ở những đoạn nào cát bồi, doi ra ngoài làm cản dòng chảy nhằm giảm “tức” cho dòng sông. Về độ sâu, chúng tôi hút cũng không quá sâu để không làm ảnh hưởng đến lòng sông” - ông Thư cho hay.
XUÂN KHÁNH