Những ngày qua, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút Trạm bơm điện 19.5 (xã Duy Phước, Duy Xuyên) khiến hàng trăm héc ta lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 ở địa phương đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới.
Nhân viên trạm bơm điện 19.5 thường xuyên đo nồng độ mặn tại miệng bể hút. Ảnh: T.S
Mặn liên tục xâm nhập sâu
Vụ đông xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước) canh tác 3 sào lúa ở cánh đồng Bà Thụ. Diện tích sản xuất này phụ thuộc nguồn nước tưới của trạm bơm điện 19.5; tuy nhiên hơn 2 tuần nay, khi cây lúa bắt đầu làm đòng, trổ bông thì nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút trạm bơm, gây khó khăn trong việc vận hành cung ứng nước tưới.
“Mấy ngày nay, tôi liên tục ở ngoài đồng, tranh thủ tận dụng mọi nguồn nước dẫn vào ruộng. Song điều tôi lo lắng nhất là vụ hè thu sắp đến tình trạng khô hạn, nhiễm mặn sẽ khốc liệt hơn. Rất mong ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có giải pháp hữu hiệu giúp nhà nông yên tâm sản xuất” - bà Sáu nói.
Hiện hàng trăm hộ dân ở xã Duy Phước lo lắng trước tình trạng nhiễm mặn đến sớm hơn mọi năm. Ông Lê Trung Nam - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Phước cho biết, vụ đông xuân 2020 - 2021, xã viên của HTX canh tác gần 500ha lúa và 150ha hoa màu các loại. Do thời tiết thay đổi bất thường, lượng mưa ít hơn hẳn so với trung bình nhiều năm và đặc biệt là các hồ chứa thủy điện ít vận hành xả nước về vùng hạ du khiến mặn liên tục tấn công vào bể hút Trạm bơm 19.5.
“Từ cuối tháng 3.2021 đến nay, mặn liên tục án ngữ tại miệng bể hút Trạm bơm 19.5 với nồng độ liên tục tăng, có thời điểm vượt mức 10 phần nghìn. Trong khi đó, theo quy định của ngành chuyên môn, nếu nồng độ mặn tại bể hút của trạm bơm điện vượt mức 0,8 phần nghìn thì không được vận hành máy bơm nước. Vì vậy, toàn bộ 300ha lúa của xã Duy Phước và 50ha lúa của xã Duy Vinh, 25ha đất sản xuất của xã Cẩm Kim (TP.Hội An) phụ thuộc vào Trạm bơm 19.5 đối mặt với nguy cơ khô hạn nặng” - ông Nam nói.
Tập trung đối phó
Trưa 13.4, có mặt tại Trạm bơm điện 19.5, chúng tôi thấy nhân viên ở đây túc trực, vận hành bơm lách triều để đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng và thường xuyên đo nồng độ mặn tại bể hút. Ông Nguyễn Chín - nhân viên vận hành Trạm bơm 19.5 nói: “Khoảng 15 ngày gần đây, chúng tôi vận hành chỉ 30 - 40% công suất của trạm bơm này. Dự báo, vụ hè thu 2021, tình trạng nhiễm mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Theo tìm hiểu, để đảm bảo cho Trạm bơm điện 19.5 hoạt động ổn định, các ngành liên quan đã và đang triển khai nạo vét lạch dẫn nước trên nhiều tuyến sông, hệ thống kênh chính, bể hút. Mặt khác, đơn vị quản lý trạm bơm cắt cử cán bộ thủy nông túc trực tại miệng bể hút để đo nồng độ mặn, khi nào giảm xuống dưới mức cho phép mới vận hành tổ máy.
Ông Lê Trung Nam cho hay, đơn vị đã triển khai lắp đặt thêm 5 máy bơm dã chiến, trong đó 4 máy tại khu vực cầu 3.2 và 1 máy tại khu vực cầu treo 12. HTX cũng đã xây dựng tạm đập bổi chiều dài 20m, cao gần 2m nhằm trữ nước, ngăn mặn, phục vụ bơm tưới cho cây trồng, với kinh phí đầu tư hơn 80 triệu đồng.
“Thời gian tới, tình trạng khô hạn và nhiễm mặn dự báo sẽ diễn ra khốc liệt. Vì vậy, đơn vị tuyệt đối không chủ quan, thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa trang thiết bị máy móc phục vụ chống hạn; lên kế hoạch sử dụng nước và cân đối lượng nước hiện có để bố trí sản xuất phù hợp... Đặc biệt, đối với Trạm bơm 19.5 có nguồn nước đang bị mặn xâm nhập, chúng tôi phối hợp với ngành liên quan theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy từ các khu vực khác để bơm tưới; quan trắc thường xuyên để bơm lách triều” - ông Lê Trung Nam nói.
VĂN SỰ - PHI THÀNH