Kiện toàn hậu cần nghề cá ở khu vực phía bắc là yêu cầu đặt ra để giải quyết những bất cập, phát triển nghề cá bền vững theo định hướng của tỉnh, trong đó gấp rút đầu tư cảng cá Hồng Triều là yêu cầu cấp thiết.
Đầu tư cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều sẽ là động lực phát triển bền vững nghề cá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Kéo dài do vướng... 1 hộ
Ở khu vực phía bắc của tỉnh có bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên), bến cá Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) và bến cá Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình). Cả 3 bến cá này đều nhỏ lẻ nên hoạt động mua bán hải sản diễn ra tự phát.
Trước thực tế này, Sở NN&PTNT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng Dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với xây dựng cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên).
Đến nay, khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều đã hoàn thiện các hạng mục xây dựng, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu. Tuy nhiên, hạng mục đường nối từ tuyến ĐH6 ở trung tâm xã Duy Nghĩa vào khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều được triển khai từ năm 2017 đến nay chưa hoàn thành do vướng mặt bằng của hộ gia đình ông Trần D. ở thôn Thành Triều gồm 130m2 đất ở và 207,6m2 đất vườn ao liền kề với số tiền bồi thường gần 1 tỷ đồng.
Do vướng mặt bằng nên đường nối từ đường ĐH6 vào khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều chưa hoàn thành dù đầu tư xây dựng từ năm 2017 đến nay. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, ngày 12.10.2017, khi các cơ quan chức năng của huyện Duy Xuyên chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án, 26 hộ dân đã đồng thuận nhận tổng số tiền bồi thường là 0,8 tỷ đồng. Riêng hộ ông Trần D. không chịu nhận vì cho rằng tất cả đất ảnh hưởng dự án đều là đất ở chứ không phải 207,6m2 là đất vườn ao liền kề.
Đến ngày 27.9.2018, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức họp đối thoại, ông D. vẫn không thống nhất nhận tiền bồi thường. Ngày 26.6.2019, qua quá trình vận động của các cơ quan chức năng, hộ ông D. thống nhất với phương án thu hồi 130m2 đất ở và 207,6m2 đất vườn ao liền kề. Nhưng đến ngày 29.8.2019, các cơ quan chức năng của huyện Duy Xuyên và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT - chủ đầu tư dự án tiến hành chi trả tiền bồi thường thì ông D. lại từ chối.
Ngày 9.9.2019, các cơ quan chức năng của huyện Duy Xuyên tổ chức đối thoại, vận động ông nhận tiền bồi thường nhưng lại thất bại. Dù vậy, UBND huyện Duy Xuyên vẫn đề xuất UBND tỉnh cho thêm thời gian vận động, giải thích, yêu cầu ông D. nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng, trường hợp bất khả kháng mới áp dụng cưỡng chế. Và đến nay, ông D. đã thống nhất nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Tính chuyện dài lâu
UBND tỉnh vừa thống nhất đề nghị của Sở Kế hoạch - đầu tư về phân bổ kế hoạch vốn cho Sở NN&PTNT với số tiền 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng xây dựng cơ bản ngân sách tỉnh năm 2021 để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều.
Như vậy, hơn 3 năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị huyện Duy Xuyên và xã Duy Nghĩa, hộ ông Trần D. đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để Ban Quản lý dự án NN&PTNT xây dựng, hoàn thành hạng mục đường nối từ tuyến ĐH6 vào khu neo đậu tàu thuyền của Dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với xây dựng cảng cá Hồng Triều.
“Vướng mắc mặt bằng đã được tháo gỡ, chúng tôi sẽ khẩn trương xây dựng phần còn lại của hạng mục đường vào khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều” - ông Nguyễn Hồng Lam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong khi ở phía nam của tỉnh, cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian qua phục vụ khá căn cơ hậu cần nghề cá của ngư dân, việc chưa có cảng cá ở khu vực phía bắc của tỉnh là thiếu sót lớn.
Bởi vậy, sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp để cùng nguồn vốn ngân sách đầu tư đồng bộ, kiên cố cảng cá Hồng Triều theo hình thức công tư.
Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư các hạng mục hạ tầng như khu vực cập tàu cá, chợ đầu mối, hệ thống cung cấp nước ngọt, hệ thống cây xanh...; còn doanh nghiệp sẽ đầu tư các hạng mục khu sơ chế và kho cấp đông thủy sản, khu để xe, nhà công vụ, hệ thống xử lý nước thải...
“Các cơ quan đang phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch - đầu tư để quảng bá, mời gọi doanh nghiệp cùng đầu tư cảng cá Hồng Triều. Một khi hoàn thành, sẽ kết nối với khu neo đậu tàu cá, xây dựng thêm khu sửa chữa tàu cá, khu cung cấp ngư lưới cụ, các dịch vụ hậu cần nghề cá khác sẽ là điểm nhấn giúp nghề cá của ngư dân phía bắc nói riêng, của tỉnh nói chung phát triển bền vững” - ông Ngô Tấn nói.
VIỆT NGUYỄN